Pages

September 7, 2017

Trung Quốc tăng cường đàn áp giới bất đồng chính kiến

Các nhà hoạt động có hai lựa chọn: Biến mất hay thú nhận.


Cholpon Orozobekova

Phạm Nguyên Trường dịch

Trong một cuộc họp báo ngày 24 tháng 8, do ISHR (International Service for Human Rights) -một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu ở Geneva - tổ chức, một nhóm những người bảo vệ nhân quyền Trung Quốc đã nói lên quan ngại sâu sắc về tương lai của các đồng nghiệp đang bị giam giữ và đã biến mất của mình.

Chiếc ghế trống trong lễ trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba 

Phil Lynch, giám đốc ISHR, nói trong bài phát biểu khai mạc rằng ISHR quan tâm sâu sắc đến cuộc đàn áp trên diện rộng những người bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc. “Trong vài năm gần đây, chúng tôi đã hết sức cố gắng nhằm giúp đỡ những người hoạt động nhân quyền Trung Quốc để họ có thể cất cao tiếng nói của mình, thông qua các cơ cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là Hội đồng Nhân quyền, nhằm gây áp lực đối với Trung Quốc để họ thay đổi và kêu gọi họ có trách nhiệm giải trình”.


Lynch đã thảo luận về trường hợp của Gui Minhai, biến mất từ năm 2015. “Ông đã không đến dự buổi lễ tốt nghiệp và được nhận vào học chương trình tiến sĩ của cô con gái. Cô ấy tiếp tục chiến đấu để bố mình được tự do”, Lynch nói.

Sau đó Lynch nhường lời cho ba nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc. Yaxue Cao, người sáng lập và là biên tập viên trang ChinaChange.org, nói rằng việc bắt giam người ở Trung Quốc đang ngày càng tùy tiện hơn. “Những lời buộc tội gần đây nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền và các luật sư nhân quyền ngày càng vô lý hơn, và việc sử dụng những phương pháp giam giữ bất hợp pháp ngày càng phổ biến hơn. Do đó, phải báo động với cộng đồng quốc tế và các cơ chế của Liên Hiệp Quốc và họ có phản ứng một cách phù hợp”, Yaxue Cao nói.

Cao cũng nêu ra câu hỏi về tình hình an ninh của những người hoạt động nhân quyền hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. “Chỉ đi đến Geneva đã quá nguy hiểm rồi. Những người hoạt động nhân quyền đang bị trả thù vì họ đã hợp tác với các tổ chức quốc tế ở Geneva. Đó là điều không thể chấp nhận được và chúng tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế và Liên Hiệp Quốc tích cực hơn nữa nhằm đảm bảo an ninh cho chúng tôi”, Yaxue Cao nói.

Sarah Brooks, giám đốc chương trình châu Á của ISHR, rói rằng trong hai năm vừa qua, đã có hơn 300 nhà hoạt động đã bị sách nhiễu, đe doạ, bị bắt giam và biến mất. “Cuộc đàn áp này nổi bật vì những vụ bắt bớ tùy tiện, cấm cố, tra tấn, ngược đãi và đây là một phần của chính sách của chính phủ Trung Quốc nhằm chặn đứng không gian của xã hội dân sự. Lưu Hiểu Ba, Nobel hòa bình chết và vợ ông, bà Liu Xia, biến mất cho thấy giá mà những người bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc phải trả và nhắc nhở chúng ta rằng bạn bè và gia đình họ cũng phải trả giá. Chúng tôi kêu gọi Hội đồng Nhân quyền áp lực Trung Quốc để họ thực thi công lý và trách nhiệm giải trình về tất cả những người đang chịu rủi ro vì hoạt động và thúc đẩy nhân quyền”, Brooks nói.

Trong cuộc họp báo Zhang Qing, vợ của Guo Feixiong, đã tham gia thảo luận từ xa để nói về tình trạng sức khoẻ của chồng bà. Guo Feixiong đã bị giam hơn mười năm vì hoạt động nhân quyền. Bà nói tới những điều kiện tồi tệ mà chồng bà đang gặp: “Họ nhốt chồng tôi hơn hai năm trong một phòng rất nhỏ, anh ấy không thể đi lại được. Anh ấy không được ra ngoài tập thể dục hay nhìn ánh sáng mặt trời và rất có hại đối với sức khỏe. Cố ý làm hại và là một kiểu tra tấn từ từ”.

Zhang Qing nói với các chính phủ thành viên của Hội đồng Nhân quyền rằng họ không thể bỏ qua hành động ngược đãi có chủ ý những nhà hoạt động bị giam giữ ở Trung Quốc. “Tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhóm quốc tế và các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đã nêu ra trường hợp của chồng tôi ở Liên Hiệp Quốc. Sau khi có áp lực quốc tế, ông được chuyển đến một nhà tù khác, ông đã hồi phục và sức khoẻ hiện nay đã khá hơn. Gần đây người ta đã cho em gái của ông tới nhà tù thăm ông”, bà nói.

Yibee Huang, Tổng giám đốc của Covenant Watch, nói về việc trả thù các nhà hoạt động ở Đài Loan. Bà đã thảo luận về trường hợp của Li Ming-che, quản lý tại trường Đại học Cộng đồng Wenshan của Đài Bắc và là một nhà hoạt động dân chủ lâu năm, bị bắt tháng 3 năm 2017 và đã bị cấm cố từ đó đến nay. “Chúng tôi rất quan tâm tới điều kiện sức khoẻ của ông. Chính phủ Trung Quốc đã cắt đứt tất cả các phương tiện liên lạc và chúng tôi không nhận được bất kỳ thông tin nào về ông”, bà nói.

Các nhà hoạt động cũng nói về luật sư Trung Quốc, Jiang Tianyong. Ông này đã biến mất ngày 21 tháng 11 năm 2016. Suốt mấy tháng liền không ai biết ông ở đâu, mãi đến cuối năm 2016, chính quyền Trung Quốc mới công nhận rằng Giang đã bị “quản thúc tại gia, tại một nơi được qui định từ trước. Kit Chan, chủ tịch Nhóm luật sư nhân quyền Trung Quốc, nói với đại diện The Diplomat về phiên tòa xử ông vừa diễn ra trong thời gian qua.

“Sau khi bị biệt giam 274 ngày, vụ xử Jiang diễn ra ngày 22 tháng 8 tại Toà án Nhân dân Trường Sa. Vụ xử không công bằng; công chúng đã bị ngăn cản, không được tham dự; và các khu vực quanh toà án đã bị cảnh sát ngăn chặn. Chúng tôi yêu cầu tòa án tuyên Jiang vô tội và thả ngay lập tức. Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng để bị lừa bằng những ví dụ và những lời hùng biện việc chính quyền hành xử theo luật pháp, mà hãy theo dõi sát sao và lên tiếng về trường hợp Jiang Tianyong và luật sư Wang Quanzhang”, Chan nói.

Các vụ biệt giam đã trở thành lệ thường và các gia đình đang phải đấu tranh để tìm bất kỳ tin tức nào về các nhà hoạt động mất tích. Wang Quanzhang, người mà Chan vừa nhắc tới bên trên, đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ tháng 8 năm 2015. Vợ ông, Li Wenzu, nói với BBC rằng bà không biết tin tức gì và không biết ông còn sống hay không. “Tôi chẳng có thông tin gì cả. Anh ấy chỉ đơn giản biến mất khỏi mặt đất”.

Các cơ quan thực thi pháp luật ở Trung Quốc khét tiếng vì những biện pháp tra tấn những người bảo vệ nhân quyền và các nhà bất đồng chính kiến. Dường như những người tù bị biệt giam chỉ có hai lựa chọn: Những lời thú tội mà sau đó được đưa lên TV hoặc từ chối và biến mất.

Li Wenzu, vợ của luật sư Wang Quanzhang, bị bắt trong chiến dịch đàn áp mang tên “709”, tham gia biều tình trước Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao ở Bắc Kinh, ngày 7 tháng 7 năm 2017.

Li Wenzu nói với BBC rằng có thể Wang Quanzhang tiếp tục bị giam giữ vì anh rất kiên quyết. “Tôi nghĩ có thể như thế vì chồng tôi không bao giờ thỏa hiệp. Đó là lý do vì sao trường hợp của ông vẫn chưa được giải quyết”.

Khi họ thú nhận, các luật sư công nhận tội lỗi và nói rằng họ bị các phương tiện truyền thông và các nhà hoạt động xã hội phương Tây tẩy não. Ví dụ, tháng 5 vừa rồi, luật sư Xie Yang đã thú nhận trên TV như thế. Ông bị buộc tội “kích động nhằm lật đổ chính quyền nhà nước và làm rối loạn trật tự của tòa án”.

“Hành động của tôi trái ngược với vai trò của tôi trong tư cách là một luật sư. Chúng ta không nên tiếp xúc với các phương tiện truyền thông nước ngoài và phương tiện truyền thông độc lập nhằm thổi phồng những tin tức nhạy cảm, tấn công các cơ quan tư pháp và bôi nhọ hình ảnh của các cơ quan của đảng trong khi giải quyết các vụ việc”, ông nói trong đoạn băng video ở Toà án Nhân dân Trường Sa.

Lưu Hiểu Ba, biểu tượng của các phong trào ủng hộ dân chủ ở Trung Quốc, năm 2010 được trao giải Nobel hòa bình vì “cuộc đấu tranh lâu dài và bất bạo động của ông vì nhân quyền ở Trung Quốc”. Ông không thể tham dự buổi lễ ở Stockholm và được đại diện bởi một chiếc ghế trống vì ông lúc đó ông đang bị giam giữ. Tháng 7 vừa qua Lưu Hiểu Ba chết vì ung thư gan, bệnh viện mà ông nằm sau khi được tha trước đó một tháng bị công an canh gác – ông bị ung thư giai đoạn cuối, không thể chữa được.

Cộng đồng quốc tế đã và đang rất lo lắng về số phận của Liu Xia, vợ ông, hiện không ai biết bà đang ở đâu. Bà đã và đang bị cảnh sát theo dõi suốt ngày đêm và các tổ chức quốc tế kêu gọi Bắc Kinh để cho bà đi khỏi Trung Quốc nếu bà muốn.

Lo lắng chủ yếu của những người tập trung ở Geneva vào tuần trước là ngày càng có nhiều nhà hoạt động bị giam giữ và biến mất mà không có bất kì lí do nào và những người bảo vệ nhân quyền cộng tác với các cơ chế của Liên Hiệp Quốc và tổ chức quốc tế đang bị rơi vào tình thế ngày càng nguy hiểm hơn.

Cholpon Orozobekova là nghiên cứu viên tại the Bulan Institute for Peace Innovations.

Đã đăng trên Dân Luận

Nguồn: http://thediplomat.com/2017/08/chinas-war-on-dissent/

No comments:

Post a Comment