Pages

August 15, 2017

Một người, một con đường: Câu chuyện vui về phản kháng dân sự ở Trung Quốc

Charlotte Gao

Phạm Nguyên Trường dịch

“Con đường mang tên tôi ở ngay cạnh văn phòng của tôi”, Ge nhận xét, cho nên anh lập tức làm bảng hiệu. “Rất đơn giản: Một cái bảng màu xanh với những chữ màu trắng - tên tôi - và hai mũi tên, cùng bản dịch tiếng Anh”.


Giới trẻ Trung Quốc tham gia hoạt động dân sự theo cách của mình

Câu chuyện sau đây tuy hài hước nhưng đầy cảm hứng, sống động nhưng nghiêm túc, vô lý nhưng táo bạo đang xảy ra ở Trung Quốc. Nó không có kế hoạch hay mang tính chính trị cao cấp, nhưng nó cho thấy một phần đất nước Trung Quốc - phức tạp và không thể đoán trước được - với kết thúc tương đối vui vẻ. Nó cho thấy thế hệ millennial (những người sinh ra trong giai đoạn 1980-2000 – ND) ở Trung Quốc đang tham gia vào hoạt động dân sự theo cách của mình - khôi hài hơn, ít đối đầu hơn so với những thế hệ đi trước. Tuy nhiên, sự tham gia một cách có ý thức như thế có thể là lực đẩy xã hội bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ sang xã hội cởi mở hơn và độc lập hơn.


Ý nghĩ bất chợt của thiên tài nghệ thuật trẻ

Ge Yulu, 27 tuổi, vừa tốt nghiệp Thạc sỹ về Nghệ thuật Thử nghiệm (Experimental Art) ở Trung tâm Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc (CAFA), bất ngờ trở thành nổi tiếng ở Trung Quốc vì một trong những tác phẩm nghệ thuật của mình: Báo chí Trung Quốc gần đây phát hiện ra rằng cách đây ba năm anh đã bí mật lấy tên mình đặt cho một con đường ở Bắc Kinh.

Lu (路), theo tiếng Trung Quốc, có nghĩa là “đường”. Do đó, Ge Yulu, tiếng Trung có ba ký tự, trông giống hệt tên con đường: Đường Ge Yu. Ge Yulu cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng trước đây, khi còn trẻ, anh ghét tên của mình, vì tên gồm ba chữ, quá phức tạp, rất khó viết. Mãi đến năm 2009, khi theo học cử nhân Nghệ thuật Thị giác Truyền thông (Visual Media Art) ở Trường Nghệ thuật Hubei (Hubei Institute of Fine Art) anh mới nhận ra giá trị độc đáo của tên mình.

“Thật là tuyệt vời nếu ở đâu người ta cũng nhìn thấy tên tôi. Còn cách nào tốt hơn là làm cho tên mình thành sở hữu chung của mọi người?”, Ge nói như thế.

Ge bắt đầu thực hiện ý nghĩ bất chợt của mình bằng cách tự in các bảng chỉ đường với tên của chính mình và đưa lên các tuyến phố.

Tuy nhiên, trước khi tới thủ đô Bắc Kinh – trường CAFA nằm ở thủ đô - ý tưởng này không bay cao được. Và anh đã vô tình phát hiện ra một con đường chưa có tên.

“Con đường mang tên tôi ở ngay cạnh văn phòng của tôi”, Ge nhận xét, cho nên anh lập tức làm bảng hiệu. “Rất đơn giản: Một cái bảng màu xanh với những chữ màu trắng - tên tôi - và hai mũi tên, cùng bản dịch tiếng Anh”.

Hành động tinh nghịch này trở thành hiện thực vào năm 2014. Một hôm, đồng nghiệp của Ge phát hiện ra rằng con đường mang tên anh ta đã xuất hiện trên bản đồ AutoNavi (tương đương với Google Maps) và nói với Ge như thế.

“Lúc đó mọi người trong văn phòng đều cười, nhưng tôi giả bộ câm”, Ge nhớ lại. “Bây giờ nó đã trở thành một sự kiện, tôi quyết định làm cho nó trở hiện thực hơn!”.

Ge làm vài cuộc nghiên cứu thực địa về các biển hiệu chính thức khác và làm bảng hiệu của mình theo đúng mẫu như thế.

“Hôm tôi đặt bảng hiệu, một số người đi bộ đã tò mò, đứng xem. Họ hỏi: “Anh đang làm gì vậy?” Tôi trả lời: “Lắp đặt bảng tên đường”. Sau đó, họ không hỏi nữa, vì họ không biết tôi có quyền hay không”.

Vì con đường nằm giữa khu dân cư cao cấp, Ge còn đặt thêm bảng “không bóp còi”, có lợi cho những người sống ở đó. “Từ khi đặt tên đường, tôi thấy mình có trách nhiệm chăm sóc cẩn thận con đường đó”, Ge giải thích. Ge còn có kế hoạch làm cho “con đường của mình” sách sẽ hơn, ví dụ, đặt thêm thùng rác để mọi người có chỗ bỏ rác.

“Từ khi con đường trở thành của tôi, tôi cảm thấy có mối liên hệ sâu sắc với những người đi qua”, Ge nói thêm.

Ge quay một đoạn video về con đường này, ghi lại những sự kiện xảy ra trên “đường Ge Yu” trong suốt một ngày. Anh nhớ một người đàn ông và cô bạn gái xinh đẹp của anh ta để chiếc Maserati bên lề đường và ôm nhau đi vào nhà. “Họ phải là những người rất giàu có, vì họ có chiếc xe rất sang và sống trong khu phố cao cấp như thế này, nhưng tôi cảm thấy chúng tôi đã chia sẻ với nhau một điều gì đó, mặc dù tình hình tài chính của chúng tôi là rất khác nhau”.

Một trong những ký ức vui nhất của anh về con đường là khi anh nhận được quảng cáo của một nhà hàng: “Chào mừng bạn đến với nhà hàng XX, trên Đường Ge Yu”.

“Tôi rất vui vì hôm đó đã có một bữa ăn tuyệt vời trong nhà hàng này”, Ge nói.

Ge đã làm tất cả mọi thứ một cách khiêm tốn. “Tôi hy vọng được thấy mọi người quen dần với sự kiện này và tôi hy vọng rằng Đường Ge Yu có thể tồn tại mãi”. Người ta sử dụng tên Đường Ge Yu khi gọi cho người giao hàng; đèn đường được đánh số với tên Đường Ge Yu.
Đường Ge Yu còn xuất hiện trên cả trên Google Maps nữa.

Cho tới tháng 5 năm 2017, Đường Ge Yu và Ge vẫn không được người ta chú ý. Nhưng tháng 5 năm năm 2017 là lúc Ge sắp sửa tốt nghiệp CAFA và anh quyết định sử dụng câu chuyện về con đường để làm đồ án tốt nghiệp.

Tia chớp trên Internet

Ngày 9 tháng 7, bạn của Ge đã đăng dự án của anh trên trang Hỏi & Đáp (phiên bản Quora.com của Trung Quốc) để trả lời câu hỏi: “Những kỹ năng nào dường như không dễ, nhưng thực ra mọi người đều có thể học được?” Dự án của Ge ngay lập tức lan truyền rất nhanh và được hàng ngàn người tỏ ý ủng hộ.

Chẳng bao lâu sau nhiều phóng viên Trung Quốc biết chuyện và phỏng vấn Ge.

“Ôi chao, kịch tính thế cơ à?”, ban đầu Ge không tin rằng mình nổi tiếng đến như thế. “Trước khi xuất hiện trên báo chí, tôi không biết rằng nó đã trở thành rắc rối”.

Đúng là đã trở thành rắc rối.


Đường Ge Yu thậm chí còn xuất hiện trên Google Maps.

Ge ngạc nhiên là, đa số dư luận đã không lên án vi phạm của anh, mà còn ca ngợi anh vì đã giúp đỡ những người dân bình thường và chất vấn sự cẩu thả của chính quyền.

Ngay cả đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), một trong những cơ quan tuyên truyền chính thức của chính phủ Trung Quốc, đã làm phóng sự về Đường Ge Yu và kêu gọi xã hội khoan dung với nghệ thuật biểu diễn đầy thiện chí đó.

Nhiều phương tiện truyền thông đã gợi ý rằng chính quyền Bắc Kinh giữ lại con đường như hiện nay và coi đó là bài học tốt cho nền quản trị trong tương lai.

“Sau khi đọc những bài phóng sự đó, tôi bắt đầu cảm thấy lạc quan. Tôi nghĩ rằng chính quyền có thể giữ lại con đường mang tôi, vì cho rằng hành vi của tôi không làm tổn thương bất cứ người nào”, Ge giải thích. “Ngoài ra, nó có thể là biện pháp tuyệt vời, giúp chính phủ quản lý những cuộc khủng hoảng công cộng”.

Cái chết của con đường

Thật không may là, hành vi của Ge đã làm tổn thương một số người - nó làm cho chính quyền địa phương mất mặt.

Ngày 12 tháng 7, chính quyền thành phố Bắc Kinh tuyên bố rằng con đường này đã có tên chính thức từ năm 2005, chỉ không có bảng hiệu mà thôi. Ngày 13 tháng 7, nhà chức trách đã tiến hành tháo gỡ các bảng hiệu mang tên Ge trong vòng ba phút, nhiều phóng viên và nhiếp ảnh gia đã chứng kiến chuyện này.

“Tôi không cố ý đến đó. Tôi nghĩ rằng chính quyền thành phố sẽ tới và nói gì đó một cách chính thức. Tôi không lợi dụng chuyện đó để phô trương”, Ge nói. “Tôi đặc biệt không muốn đối đầu với chính quyền, vì tôi nghĩ rằng đối đầu sẽ không dẫn đến hậu quả tốt”.

Ngày 23 tháng 7 - mười ngày sau khi tháo dỡ biển hiệu, chính quyền đặt bốn biển báo mới, nói rằng đây là đường Baiziwannanyi, dài 400 mét.

“Khi tôi nhìn thấy ảnh trên các bản tin, tôi thấy rất thú vị vì cứ một 100 mét lại có một bảng hiệu, cứ như là người ta muốn đàn áp một cái gì đó vậy”, Ge nói.

Đường Ge Yu tồn tại trong ba năm, nổi tiếng trên Internet trong ba ngày và đã bị gỡ bỏ trong vòng ba phút.

Mặc dù Đường Ge Yu đã không còn, nhưng câu chuyện của Ge Yulu thì còn lâu mới hết.

Ge, thuộc thế hệ millennial, anh sinh năm 1990, chứng tỏ khả năng tự nhận thức một cách rõ ràng trong tác phẩm nghệ thuật biểu diễn của mình:

Ge Yulu. Nguồn: Chụp màn hình chương trình CCTV 

“Mục tiêu của dự án là để khêu gợi nhận thức của công chúng về sự tham gia theo tinh thần công dân và giúp mọi người gắn bó với thành phố mà họ đang sống. Nhiều người nghĩ rằng thành phố không phải của mình vì họ không có quyền, địa vị, hoặc tiền bạc. Nhưng tôi muốn làm cho công chúng biết rằng họ có thể giành được một số quyền tự trị trong thành phố, nếu họ thay đổi cách nhìn thành phố của mình. Họ có thể thấy rằng bức tường, mái che, hay cái cây có hình thù khác và họ có thể chia sẻ với chính quyền một số trách nhiệm nào đó”.

Thực ra, Ge còn có những tác phẩm nghệ thuật khác nói về sự chống đối của cá nhân trong không gian công cộng. Ví dụ, có lần anh đứng nhìn chằm chằm vào một chiếc camera giám sát trên đường phố suốt mấy giờ liền, cho đến khi một viên cảnh sát đi tới và nói chuyện với anh. Anh giải thích mục đích của tác phẩm nghệ thuật này:

“Điều tôi nghi ngờ quyền lực của cơ quan giám sát ... Tôi không thể thay đổi được nó, nhưng tôi nghĩ nhìn chằm chằm vào đó là rất lãng mạn. Người đứng sau camera sẽ nhìn thấy đôi mắt của tôi nhìn chằm chằm vào anh ta và lúc đó, anh ta cảm thấy một cái gì đó nhân đạo và ấm áp”.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

Nguồn: http://thediplomat.com/2017/08/one-man-one-road-a-funny-tale-of-civic-protest-in-china/

1 comment: