Pages

August 23, 2017

LUẬT PHÁP- Frédéric Bastiat (7)

Dịch theo bản tiếng Anh The Law do Dean Russell dịch, Foundation for Economic Education, Irvington-on-Hudson, New York; tham khảo bản dịch tiếng Nga của S. A. Nikolaev.

Ảnh hưởng của những người cầm bút xã hội chủ nghĩa

Làm sao mà các chính khách lại tin vào cái ý tưởng nhảm nhí là có thể ban hành những đạo luật để làm ra cái mà luật pháp không có - của cải, khoa học, tôn giáo mà theo ý nghĩa tích cực là tạo ra thịnh vượng? Đấy có phải là do ảnh hưởng của những người cầm bút viết về các vấn đề xã hội hay không?


Những người cầm bút hiện nay - đặc biệt là những người theo trường phái tư tưởng xã hội chủ nghĩa - xây dựng lí thuyết của mình trên giả thuyết chung: Họ chia nhân loại thành hai phần. Nhân dân nói chung - trừ chính những người cầm bút - tạo thành nhóm thứ nhất. Những người cầm bút tạo thành nhóm thứ hai và là nhóm quan trọng nhất. Chắc chắn đây là khái niệm nhảm nhí và tự phụ nhất từ trước tới nay!


Trên thực tế, những người viết về các vấn đề xã hội bắt đầu bằng giả định cho rằng nhân dân không có nhận thức sáng suốt, không có động cơ hành động. Những người cầm bút này cho rằng nhân dân là đám đông trơ lì, là những phần tử thụ động, là những nguyên tử bất động, trong trường hợp tốt nhất thì cũng chỉ là những cái cây bàng quan với ngay cả biện pháp kiếm sống của chính mình. Họ cho rằng nhân dân dễ dàng bị nhào nặn - theo ý chí và bằng bàn tay của một người khác - thành vô vàn hình thức, đối xứng, khéo léo và hoàn hảo khác nhau. Hơn thế nữa, bất cứ người cầm bút nào chuyên viết về các vấn đề quản lí cũng không ngần ngại tự tưởng tượng rằng chính anh ta - trong vai trò của người tổ chức, người khám phá, nhà làm luật hay người thành lập - là cái ý chí và bàn tay đó, là sức mạnh thúc đẩy mang tầm vũ trụ, là sức mạnh sáng tạo mà sứ mệnh cao cả của nó là nhào nặn những con người rời rạc này thành xã hội.

Những người cầm bút theo trường phái xã hội chủ nghĩa này nhìn nhân dân không khác gì những người làm vườn nhìn mấy cái cây của họ. Hệt như người làm vườn làm cho những cái cây có hình kim tự tháp, hình cái ô, hình khối, hình cái chậu, hình cánh chim và những hình thù khác; những người cầm bút theo trường phái xã hội chủ nghĩa cũng đưa những con người bằng xương bằng thịt vào các nhóm, các chuỗi, các trung tâm, các tiểu trung tâm, các đội sản xuất và những biến thể khác. Và nếu người làm vườn cần rìu, cần liềm, cần cưa và kéo để xử lí cây cối thì người cầm bút theo đường lối xã hội chủ nghĩa cần sức mạnh để xử lí con người, luật pháp chính là cái cung cấp cho hắn ta sức mạnh đó. Hắn ta làm ra luật về thuế xuất nhập khẩu, luật thuế khoá, luật trợ cấp và luật về trường học là để thực hiện mục đích đó.


Những người xã hội chủ nghĩa muốn đóng vai trò của Chúa

Những người xã hội chủ nghĩa coi dân chúng là vật liệu thô, dùng để tạo ra những kết hợp xã hội khác nhau. Chắc chắn là nếu một lúc nào đó những người xã hội chủ nghĩa bỗng nghi ngờ về thành công của những kết hợp này thì họ sẽ yêu cầu đưa một phần nhỏ nhân loại ra để họ làm thí nghiệm. Nhiều người biết ý tưởng khá thịnh hành là phải thử tất cả các hệ thống. Một lãnh tụ xã hội chủ nghĩa còn nổi tiếng vì đã đề nghị Hội đồng lập hiến dành cho ông ta một huyện với tất cả những người dân sống ở đó để ông ta tiến hành thí nghiệm.

Nhà sáng chế cũng làm như thế, tức là tạo ra mô hình trước khi lắp ráp một cái máy hoàn chính; nhà hóa học sử dụng một ít hóa chất, còn người nông dân thì sử dụng một ít hạt giống và đất - để kiểm tra ý tưởng.

Nhưng người làm vườn khác mấy cái cây của ông ta, nhà hóa học khác hóa chất của ông ta cũng như người nông dân khác mấy hạt giống của ông ta một trời một vực! Nói thực ra, người xã hội chủ nghĩa nghĩ rằng hắn ta cũng khác nhân dân một trời một vực như thế!

Không có gì ngạc nhiên khi những người cầm bút thế kỉ XIX coi xã hội là tác phẩm nhân tạo của một thiên tài lập pháp. Ý tưởng này -thành quả của giáo dục mang tính giai cấp - đã khống chế tất cả các nhà trí thức và những người cầm bút nổi tiếng ở nước ta. Đối với các nhà trí thức và những người cầm bút này, quan hệ giữa người dân và nhà làm luật cũng chẳng khác gì quan hệ giữa cục đất sét và người thợ gốm.

Hơn nữa, ngay cả khi họ đồng ý công nhận rằng tim con người có khả năng hành động – và óc con người có khả năng suy tư – thì họ lại cho rằng quà tặng này của Chúa là món quà cực kì tai hại. Họ nghĩ rằng dưới tác động của hai món quà này, người ta nhất định sẽ đưa mình đến chỗ diệt vong. Họ cho rằng nếu các nhà làm luật để cho dân chúng tự do đi theo xu hướng của mình thì họ sẽ trở thành những kẻ vô đạo chứ không phải là có đạo, sẽ trở thành ngu dốt chứ không phải là những người có kiến thức, trở thành nghèo đói chứ không phải là sản xuất và trao đổi.

Những người xã hội chủ nghĩa coi thường nhân loại

Theo những người cầm bút này, thật may là Trời Đất đã phú cho một số người - nhà cầm quyền và nhà làm luật - những xu hướng hoàn toàn ngược lại, không chỉ vì họ mà còn vì phần còn lại của thế giới nữa! Trong khi nhân loại hướng về cái xấu thì các nhà làm luật hướng đến cái tốt, trong khi nhân loại hướng đến chỗ tối tăm thì nhà làm luật hướng đến khai sáng, trong khi nhân loại hướng tới truỵ lạc thì nhà làm luật hướng tới đức hạnh. Từ khi quyết định rằng tình trạng thực tế là như thế, họ liền yêu cầu sử dụng vũ lực để đưa xu hướng của họ thay thế cho xu hướng của nhân loại.

Lật bất kì cuốn sách nào viết về triết học, chính trị hay lịch sử, bạn có thể sẽ thấy ở nước ta ý tưởng này - con của những học thuyết cổ điển, mẹ của chủ nghĩa xã hội - đã ăn sâu bén rễ đến mức nào. Trong tất cả những cuốn sách đó bạn đều có thể tìm thấy ý tưởng cho rằng nhân loại chỉ là vật chất trơ lì; nó có đời sống, có tổ chức, có đạo đức và thịnh vượng là do sức mạnh của nhà nước. Tệ hơn nữa là tuyên bố nói rằng nhân loại có xu hướng thóai hóa và chính nhờ bàn tay thần kì của nhà làm luật mà quá trình tuột dốc đó mới bị ngăn chặn. Tư tưởng cổ điển thường gặp ở khắp nơi nói rằng đằng sau cái xã hội thụ động đó là một quyền lực, gọi là luật pháp hay nhà làm luật (hoặc một thuật ngữ khác, chỉ một người hay những người có ảnh hưởng và uy tín không thể tranh cãi) đang thúc đẩy, đang kiểm soát, đang giúp đỡ và đang cải tạo nhân loại.

Bảo vệ lao động cưỡng bức

Xin xem xét trích dẫn từ Bossuet [thầy của Thái tử trong triều đình Louis XIV]:

Một trong những vấn đề thấm sâu (bởi ai?) vào tâm trí người Ai Cập là lòng yêu nước… Không người nào được phép trở thành người vô ích đối với nhà nước. Pháp luật quy định mỗi người làm một việc, cha truyền con nối. Không người nào được phép có hai nghề. Không người nào được chuyển từ nghề này sang nghề kia... Nhưng có một nhiệm vụ mà tất cả đều buộc phải thực hiện: nghiên cứu luật pháp và trí huệ. Coi thường tôn giáo và các quy định chính trị, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều không được tha thứ. Hơn nữa, mỗi nghề lại được giao cho (bởi ai?) một huyện... Trong số các luật tốt, luật tốt nhất là mọi người đều phải được huấn luyện (bởi ai?) để tuân thủ luật pháp. Kết quả là Ai Cập đầy những phát minh tuyệt vời và người ta không bỏ sót bất cứ thứ gì có thể làm cho cuộc đời trở nên dễ dàng và bình lặng.

Như vậy, theo Bossuet, người ta chẳng nhận được gì từ chính mình. Lòng yêu nước, thịnh vượng, phát minh, nghề nông, khoa học - tất cả đều do luật pháp, do nhà cầm quyền làm cho người dân. Tất cả những việc người dân phải làm là cúi đầu trước ban lãnh đạo.

Bảo vệ chính phủ gia trưởng

Bossuet truyền bá tư tưởng cho rằng nhà nước là cội nguồn của tất cả sự tiến bộ, đến mức ông ta bảo vệ người Ai Cập trước lời lên án cho rằng họ đã bỏ môn đấu vật và nhạc. Ông ta nói:

Làm sao lại như thế được? Những môn nghệ thuật này được phát minh bởi Trismegistus [người được cho là Thủ tướng của Diêm vương của người Ai Cập].

Còn về người Ba Tư, Bossuet tuyên bố rằng tất cả là từ trên đưa xuống:

Một trong những trách nhiệm đầu tiên của đức vua là khuyến khích nghề nông… Có những cơ quan được lập ra để quản lí quân đội thì cũng có những cơ quan lãnh đạo việc nhà nông... Người Ba Tư được dạy phải có lòng tôn trọng vô bờ bến đối với quyền lực của hoàng gia.


Cũng theo Bossuet, người Hi Lạp, mặc dù là những người có trí tuệ siêu đẳng, lại không hề có quan niệm về trách nhiệm cá nhân; tương tự chó ngựa, họ không thể nghĩ ra được ngay cả những trò chơi đơn giản nhất:

Người Hi Lạp, vốn là những người có trí tuệ và dũng cảm, đã được các ông vua và những di dân từ Ai Cập tới dạy văn hóa ngay từ rất sớm. Dân Hi Lạp học các động tác thể dục, học thi chạy, đua ngựa và đua xe từ những người cai trị Ai Cập... Nhưng điều hay nhất mà người Ai Cập đã dạy cho dân Hi Lạp là biết vâng lời và chịu để cho luật pháp uốn nắn để trở thành có ích cho xã hội.

Tư tưởng về nhân loại thụ động

Chắc chắn là những lí thuyết cổ điển này [được phát triển bởi các thầy giáo, các nhà văn, các nhà lập pháp, các nhà kinh tế học và các nhà triết học trong thời đại của chúng ta] khẳng định rằng tất cả mọi thứ đều đến với người dân từ nguồn bên ngoài. Xin dẫn thêm một ví dụ nữa là Fenelon [giám mục, nhà văn và thầy của Công tước xứ Burgundy].

Ông là người đương thời với Louis XIV. Điều này, cùng với sự kiện là ông ta được dạy theo tinh thần của những lí thuyết cổ điển và nệ cổ đương nhiên làm cho Fenelon chấp nhận tư tưởng cho rằng nhân loại phải là thụ động; rằng bất hạnh và thịnh vượng, đồi bại và đức hạnh đều là kết quả của những ảnh hưởng ngoại tại, do tác động của luật pháp và những nhà lập pháp. Vì vậy mà trong tác phẩm Địa đàng ở Salentum (Utopia of Salentum), ông viết rằng con người - với tất cả những quyền lợi, khả năng, khát vọng và tài sản của mình đều nằm dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của nhà lập pháp. Người ta không thể tự giải quyết bất cứ vấn đề gì, nhà cầm quyền thay mặt họ quyết định mọi thứ. Ông mô tả nhà cầm quyền như là linh hồn - là những người tạo ra dân tộc - từ đám quần chúng chẳng có hình thù gì. Tư tưởng, khả năng nhìn xa trông rộng, tiến bộ và nguyên tắc tổ chức, tất cả đều nằm ở nhà cầm quyền. Do đó, ông ta cũng chịu mọi trách nhiệm.

Toàn bộ cuốn sách thứ mười của Fenelon, có nhan đề: Telemachus, chứng minh điều đó. Tôi đề xuất với độc giả tác phẩm này, về phần mình tôi cảm thấy hài lòng khi trích dẫn một cách ngẫu nhiên tác phẩm nổi tiếng mà về những khía cạnh khác tôi rất tôn trọng này.

Những người xã hội chủ nghĩa coi thường nguyên nhân và sự kiện

Fenelon, với sự nhẹ dạ làm người ta ngạc nhiên, đã lờ đi giá trị của nguyên nhân và sự kiện khi ông cho rằng người Ai Cập được hạnh phúc là do trí huệ của các vị hoàng đế của họ chứ không phải trí huệ của họ:

Chúng ta không thể rời mắt khỏi bờ sông với những thị trấn giàu có, cũng không thể rời mắt khỏi những điền trang nằm ở các vị trí rất thuận lợi; những cánh đồng không bao giờ bị bỏ hoang, năm nào cũng có mùa vàng bội thu; những cánh đồng cỏ đầy bò ngựa; những người lao động trĩu vai gánh đầy hoa trái mà đất đai hào phóng tặng cho người trồng trọt; những người chăn cừu với tiếng tiêu, tiếng sáo từ xa vọng lại. “Hạnh phúc thay khi người dân được đức vua anh minh cai trị…”, ông thầy nói.

Sau đó ông thầy muốn tôi nhìn thấy sự hài lòng và sung túc tràn ngập đất nước Ai Cập, nơi có tới hơn hai mươi hai ngàn thành phố. Ông thán phục những quy định của cảnh sát trong các thành phố; thán phục công lí ủng hộ người nghèo chống lại người giàu; thán phục nền giáo dục lành mạnh, dạy trẻ con vâng lời, lao động, điềm tĩnh, yêu nghệ thuật và văn học; thán phục sự chính xác của các nghi lễ tôn giáo; thán phục sự hồn nhiên, trọng danh dự, tôn trọng con người và kính trọng thần linh mà tất cả các ông bố đều dạy cho con của mình. Ông không ngớt thán phục sự thịnh vượng của đất nước này: “Hạnh phúc thay khi người dân được đức vua anh minh cai trị như thế”, ông thầy nói.

Những người xã hội chủ nghĩa muốn tổ chức dân chúng thành các đơn vị

Phong cảnh đảo Crete dưới ngòi bút của Fenelon thậm chí còn hấp dẫn hơn. Ông thầy được cho là đã nói như sau:

Tất cả những điều bạn thấy trên hòn đảo tuyệt vời này đều là kết quả của các đạo luật của Minos. Nền giáo dục mà ông quy định phải dạy cho trẻ em làm cho cơ thể của chúng trở nên mạnh mẽ và tráng kiện. Ngay từ đầu, người ta đã cho trẻ em làm quen với cuộc sống tiết kiệm và lao động, vì người ta cho rằng tất cả những trò giải trí đều làm cho cơ thể và tâm hồn trở nên yếu đuối. Do đó, người ta không cho chúng tham gia vào bất kì trò giải trí nào, ngoài niềm vui được trở thành người bất khả chiến bại vì dũng cảm và giành được vinh quang... Ở đây người ta trừng phạt ba thói xấu mà các dân tộc khác thì không: thói vô ơn, đạo đức giả, và lòng tham. Không cần trừng phạt những người vung tay quá trán và hoang phí vì ở Crete không có những hiện tượng như thế... Không có những món đồ nội thất đắt tiền, không có những bộ quần áo lộng lẫy, không có những bữa tiệc ngon, không có cung điện mạ vàng.

Ông thầy chuẩn bị tư tưởng cho học trò của mình - những người dân Ithaca - để đưa vào khuôn phép và uốn nắn, chắc chắn là với những ý định tốt nhất. Và muốn thuyết phục các học trò của mình về sự khôn ngoan của những ý tưởng này, ông thầy đọc cho họ nghe ví dụ về Salentum. Đấy là triết lí giúp chúng tôi có những ý tưởng chính trị đầu tiên! Người ta dạy chúng tôi đối xử với con người y như là người ta hướng dẫn nông dân cách làm và chăm sóc ruộng vườn vậy.

(Đón đọc kì sau)

Tôi đang quyên góp 1.000 USD để in bản dịch tác phẩm Tinh thần dân chủ của Larry Diamond. Xin cám ơn. Bạn có thể ủng hộ qua Patreon https://www.patreon.com/phamnguyentruong

No comments:

Post a Comment