Pages

August 19, 2017

LUẬT PHÁP- Frédéric Bastiat (3)



Dịch theo bản tiếng Anh The Law do Dean Russell dịch, Foundation for Economic Education, Irvington-on-Hudson, New York; tham khảo bản dịch tiếng Nga của S. A. Nikolaev.

Luật pháp

Luật pháp đã bị bóp mép! Và quyền giám sát của nhà nước cũng bị tha hóa cùng với nó! Luật pháp, tôi nói, không chỉ đi chệch khỏi mục đích đúng đắn của nó, mà còn bị người ta sử dụng để thực hiện những mục đích hoàn toàn ngược lại! Luật pháp trở thành vũ khí của lòng tham đủ mọi kiểu! Không những không ngăn chặn được tội ác, mà chính luật pháp lại trở thành điều ác mà đáng lẽ nó phải trừng phạt!


Nếu thật như thế, thì đây là sự kiện hết sức nghiêm trọng, và trách nhiệm đạo đức buộc tôi phải kêu gọi đồng bào của tôi chú ý đến nó.


Cuộc sống là quà tặng của Chúa

Chúng ta nhận được từ Chúa một món quà, món quà này chứa đựng tất cả những thứ khác. Món quà này là đời sống - đời sống vật chất, đời sống trí tuệ và đời sống đạo đức.

Nhưng đời sống không thể tự duy trì. Chúa trao cho chúng ta trách nhiệm giữ gìn, phát triển và hoàn thiện nó. Để chúng ta có thể thực hiện điều này, Chúa đã cung cấp cho chúng ta một tập hợp những năng lực kì diệu. Và Chúa đã đặt chúng ta vào giữa những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác nhau. Bằng năng lực của mình, ta xử lí những nguồn tài nguyên thiên nhiên này, biến chúng thành các sản phẩm, và sử dụng chúng. Đây là quá trình cần thiết để sự sống có thể đi theo con đường đã được vạch ra.
Đời sống, năng lực, sản xuất - nói cách khác, cá tính, tự do, tài sản - chính là con người. Và bất chấp sự xảo quyệt của các nhà lãnh đạo chính trị khéo léo, ba món quà của Chúa vẫn có trước và đứng trên luật lệ do con người đặt ra. Cuộc sống, quyền tự do và tài sản tồn tại trên đời không phải vì con người đã làm ra luật pháp. Ngược lại, cuộc sống, quyền tự do và tài sản đã có từ trước, và điều đó buộc người ta phải coi luật pháp là tối thượng.

Luật pháp là gì?

Vậy thì luật pháp là gì? Nó là tổ chức mang tính tập thể quyền bảo vệ một cách hợp pháp các quyền của cá nhân.

Mỗi người chúng ta đều có quyền tự nhiên -do Chúa ban cho - để bảo vệ con người, quyền tự do và tài sản của mình. Đây là ba yêu cầu cơ bản của cuộc sống và việc gìn giữ mỗi quyền hoàn toàn phụ thuộc vào hai quyền còn lại.

Năng lực của chúng ta không phải là phần mở rộng của cá nhân chúng ta hay sao? Và tài sản không phải là phần mở rộng của năng lực chúng ta hay sao? Nếu mỗi người đều có quyền bảo vệ, thậm chí bằng vũ lực - con người, quyền tự do và tài sản của mình - thì có nghĩa là một nhóm người có quyền tổ chức và ủng hộ lực lượng chung nhằm bảo vệ những quyền này một cách thường xuyên và liên tục. Do đó, nguyên tắc của quyền tập thể - lí do cho sự tồn tại và tính hợp pháp của nó - là dựa trên quyền của cá nhân. Và lực lượng chung nhằm bảo vệ quyền tập thể này về mặt logic không có bất kì mục đích hay nhiệm vụ nào khác ngoài nhiệm vụ và mục đích mà nó hành động như lực lượng thay thế. Như vậy, vì cá nhân không thể sử dụng vũ lực một cách hợp pháp nhằm chống lại con người, quyền tự do hay tài sản của cá nhân, thì lực lượng chung - với cùng lí do đó - không thể được sử dụng một cách hợp pháp nhằm giết người, làm mất quyền tự do hoặc tài sản của một cá nhân hay một nhóm người.

Sử dụng sai vũ lực như thế, trong cả hai trường hợp, đều trái với tiền đề của chúng ta. Chúng ta được ban cho vũ lực là để bảo vệ các quyền cá nhân của chính chúng ta. Ai dám nói rằng vũ lực được ban cho chúng ta là để hủy hoại các quyền như thế của những người đồng bào của chúng ta? Vì không người nào hành động riêng rẽ mà lại có thể sử dụng vũ lực một cách hợp pháp nhằm hủy hoại các quyền của những người khác, thì nếu nguyên tắc đó cũng được áp dụng cho lực lượng chung, tức là sự kết hợp có tổ chức các lực lượng của từng cá nhân, có hợp logic hay không?

Nếu đúng như thế, thì không có gì hiển nhiên hơn là: Luật pháp là tổ chức để bảo vệ một cách hợp pháp các quyền tự nhiên. Đấy là dùng lực lượng chung thay thế cho lực lượng của cá nhân. Và lực lượng chung này chỉ làm những việc mà lực lượng của cá nhân có quyền tự nhiên và hợp pháp để làm: bảo vệ con người, bảo vệ quyền tự do và tài sản; để giữ gìn quyền của mỗi người và làm cho công lí ngự trị trên tất cả chúng ta.

Chính phủ công chính và bền vững

Nếu quốc gia được xây dựng trên cơ sở như thế thì tôi nghĩ rằng trật tự sẽ giữ thế thượng phong trong quan hệ giữa người với người, cả trong suy nghĩ cũng như trong hành động. Tôi nghĩ rằng quốc gia như vậy sẽ có chính phủ cực kì đơn giản, dễ được chấp nhận, không tốn kém, nhỏ gọn, không áp bức, công chính và bền vững nhất mà ta có thể tưởng tượng được - dù hình thức chính trị của nó có như thế nào đi nữa.

Dưới một chính quyền như vậy, mọi người sẽ hiểu rằng mình có tất cả các đặc quyền cũng như trách nhiệm về cuộc sống của mình. Nếu người ta được tôn trọng, được tự do làm việc và thành quả lao động của mình được bảo vệ, không bị tấn công một cách bất công thì không ai có thể có bất cứ phàn nàn gì về chính phủ hết. Khi thành công, chúng ta sẽ không phải cảm ơn nhà nước vì sự thành công của chúng ta. Và ngược lại, khi thất bại, chúng ta sẽ không còn nghĩ đến việc đổ lỗi cho nhà nước vì sự bất hạnh của mình, cũng như người nông dân sẽ không đổ lỗi cho nhà nước vì mưa đá hay sương giá. Người ta chỉ cảm nhận được nhà nước vì phúc lành vô giá của sự an toàn do chính phủ được hình thành dựa trên khái niệm như thế.


Có thể nói thêm rằng do nhà nước không can thiệp vào những vấn đề riêng tư, nhu cầu của chúng ta và việc thỏa mãn những nhu cầu đó sẽ tự diễn ra theo đúng logic. Chúng ta sẽ không thấy những gia đình nghèo theo đuổi con đường học vấn trước khi tìm được bánh mì. Chúng ta sẽ không thấy các thành phố đông dân sống bám vào vùng nông thôn, cũng không thấy những vùng nông thôn đông dân sống bám vào các thành phố. Chúng ta sẽ không thấy những vụ dịch chuyển lớn về vốn, lao động và dân cư do những quyết định của cơ quan lập pháp gây ra.

Những vụ dịch chuyển do nhà nước tạo ra làm cho nguồn sống của chúng ta trở thành không chắc chắn và không ổn định. Hơn nữa, những hành động này làm cho chính phủ phải gánh thêm trách nhiệm.

Luật pháp bị bóp méo hoàn toàn

Nhưng đáng tiếc là, luật pháp không tự giới hạn trong những chức năng phù hợp của nó. Và một khi đã vượt quá chức năng phù hợp của mình, thì nó không chỉ làm như vậy trong một số vấn đề vụn vặt và còn gây tranh cãi. Luật pháp đi xa hơn thế, nó đã hành động trái ngược hẳn với mục đích của chính mình. Luật pháp được người ta sử dụng nhằm tiêu diệt những mục tiêu của chính nó: Nó được người ta sử dụng nhằm tiêu diệt công lí mà đáng lẽ nó phải giữ gìn, nó được sử dụng nhằm hạn chế và tiêu diệt các quyền mà mục đích của nó là phải tôn trọng. Luật pháp đặt các lực lượng tập thể vào tay những kẻ vô đạo đức, những kẻ muốn bóc lột con người, bóc lột quyền tự do và tài sản của người khác mà không phải chịu bất cứ rủi ro nào. Nó biến cướp bóc thành quyền nhằm bảo vệ nạn cướp bóc. Và biến việc bảo vệ hợp pháp thành tội ác, nhằm trừng phạt quyền bảo vệ hợp pháp.


Việc bóp méo luật pháp được thực hiện như thế nào? Và kết quả sẽ ra sao?

Luật pháp bị bóp méo vì hai nguyên nhân hoàn toàn khác nhau: tham lam một cách ngu ngốc và lòng từ bi sai lầm. Xin nói về cái thứ nhất.

Khuynh hướng sai lầm của nhân loại

Tự bảo tồn và tự phát triển là khát vọng chung của tất cả mọi người. Và nếu như mọi người đều được sử dụng không hạn chế năng lực của mình và tự do định đoạt thành quả lao động của mình thì tiến bộ xã hội sẽ diễn ra liên tục, không bị gián đoạn và không bao giờ ngừng.

Nhưng có một khuynh hướng khác cũng là khuynh hướng chung của mọi người. Khi có điều kiện thì bao giờ họ cũng muốn được sống và phát đạt mà người khác phải trả giá. Đây không phải là một lời buộc tội thiếu căn cứ. Nó cũng không phải là do tâm hồn tăm tối và thiếu khoan dung nói ra. Những cuốn lịch sử về loài người là vật chứng cho sự thật đó: những cuộc chiến tranh liên miên, di dân hàng loạt, ngược đãi tôn giáo, chế độ nô lệ ở khắp mọi nơi, gian lận thương mại và những cơ sở độc quyền. Những ham muốn chết người này bắt nguồn từ ngay trong bản chất của con người - trong bản năng nguyên thủy, phổ quát và không cưỡng lại được, tức là cái bản năng thúc đẩy người ta thỏa mãn dục vọng của mình với ít đau đớn nhất.

Tài sản và cướp bóc

Người ta chỉ có thể sống và đáp ứng nhu cầu của mình bằng cách lao động không ngừng, bằng cách không ngừng áp dụng những năng lực của mình vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây chính là nguồn gốc của tài sản.

Nhưng còn có sự thật là người ta có thể sống và đáp ứng nhu cầu của mình bằng cách tước đoạt và tiêu thụ sản phẩm lao động của người khác. Đây là nguồn gốc của cướp bóc.

Bây giờ, vì con người tự nhiên là có xu hướng trốn tránh đau đớn - và vì lao động chính là đau đớn - cho nên người ta tìm cách cướp bóc khi cướp bóc nhẹ nhàng hơn là lao động. Lịch sử cho thấy điều này khá rõ. Và trong những điều kiện như thế, tôn giáo cũng như đạo đức đều không thể chặn đứng được nó.

Vậy, khi nào thì cướp bóc chấm dứt? Cướp bóc chấm dứt khi nó đau đớn hơn và nguy hiểm hơn là lao động.

Trong trường hợp như thế, rõ ràng là mục đích đúng đắn của luật pháp là sử dụng sức mạnh của lực lượng tập thể để ngăn chặn xu hướng sai lầm chết người là cướp chứ không làm. Tất cả các biện pháp của luật pháp là phải bảo vệ tài sản và trừng phạt cướp bóc.

Nhưng, nói chung, pháp luật được một người hay một giai cấp làm ra. Và vì luật pháp không thể hoạt động nếu không được lực lượng thống trị cho phép và ủng hộ, cho nên lực lượng này phải được giao vào tay những người làm ra luật.

Sự kiện này, cùng với xu hướng sai lầm chết người vốn có sẵn trong tim của mỗi người là thỏa mãn nhu cầu của mình với ít nỗ lực nhất có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bóp méo luật pháp diễn ra hầu như ở khắp nơi. Vì vậy, dễ hiểu vì sao luật pháp, đáng lẽ phải ngăn chặn bất công thì lại trở thành vũ khí bất khả chiến bại của bất công. Dễ hiểu vì sao luật pháp lại được chính các nhà lập pháp sử dụng nhằm thủ tiêu - ở mức độ khác nhau, trong số những người dân nằm dưới quyền cai trị của họ - sự tự chủ của cá nhân bằng chế độ nô lệ, quyền tự do của cá nhân bằng bộ máy áp bức và tài sản cá nhân bằng cách cướp bóc. Người ta làm như thế là vì lợi ích của những người làm ra luật và tương xứng với quyền lực mà người đó nắm giữ.

(Đón đọc kỳ sau)


No comments:

Post a Comment