June 20, 2017

Những công việc chưa hoàn thành của Helmut Kohl

Leonid Bershidsky

Phạm Nguyên Trường dịch

Ông cựu thủ tướng Đức vừa qua đời đã giúp định hình thế giới mà sau đó đã làm ông bối rối và hóa ra không phải là cái thế giới mà ông từng mơ ước.


Helmut Kohl (1930-2017)

Cựu thủ tướng Đức, Helmut Kohl, qua đời ở tuổi 87, ngày 16 tháng 6, là người đã kết liễu lịch sử Đức. Nhưng, do chủ nghĩa lý tưởng của mình mà ông cũng là người đã đặt nền móng cho sự đối đầu hiện nay giữa nước Nga và phương Tây.

Sau cuộc gặp với Kohl, người nói tiếng Đức vùng Rhineland-Palatinate, Margaret Thatcher đã thở dai và nói đúng có ba từ (tiếng Anh – ND): “Ông là người Đức chính hiệu”. Ông là chính trị gia địa phương và là nhà họat động của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo khi ông còn ở tuổi thanh niên, nhưng uy tín của ông đã bị tổn hại nghiêm trọng sau vụ bê bối quỹ đen bất hợp pháp. Nhưng trong những năm 1980, trái với ước nguyện của mình, ông đã được cộng đồng quốc tế chú ý tới vì cơ hội tái thống nhất nước Đức vừa xuất hiện. Ông đã làm tất cả vì đất nước mình, mặc dù, tương tự như những tay chơi lớn thời đó, các sự kiện diễn ra nhanh đến nỗi làm ông bất ngờ. Cái thế giới mà ông đã góp phần xây dựng đã làm ông bối rối và hóa ra không phải là cái thế giới mà ông từng mơ ước.

Ngày 10 tháng 11 năm 1989, tổng thống Mỹ, George H.W. Bush, đề nghị Kohl cho biết ấn tượng và những sự kiện đang xảy ra Berlin, nơi Bức tường không còn ngăn chặn người dân đi qua biên giới nữa, Kohl nói như sau:

"Trên biên giới, có hàng ngàn người đi qua đi lại mỗi ngày. Nhiều thanh niên sang thăm quan bên chúng tôi và tận hưởng cách sống cởi mở của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng chiều nay họ sẽ quay về nhà".

Thậm chí tại thời điểm đó, khi chủ nghĩa cộng sản đã chết hẳn, Kohl vẫn suy nghĩ theo kiểu hai nước Đức, theo kiểu Đông Đức sẽ sẽ tự chuyển hóa hay những người tốt nhất sẽ đi sang phương Tây. Nhưng chẳng bao lâu sau, mọi người đều hiểu rõ rằng Liên Xô đang tan rã không thể nào chống lưng cho Cộng hòa Dân chủ Đức được nữa.

Chưa tới một năm sau, Kohl bay sang Moskava để đàm phán với Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, về việc liệu nước Đức thống nhất có thể trở thành thành viên của NATO hay là không. Kohl nghĩ rằng Gorbachev có thể yêu cầu Đức trở thành nước trung lập – hay đòi phải trả tiền thì ông ta mới đồng ý cho Đức là thành viên NATO. Sau này, các cố vấn của Kohl đưa ra những con số khác nhau về khoản tiền mà Đức sẵn sang chấp nhận trả - 50 thậm chí 80 tỉ bảng Đức. Sau này chính Kohl cũng nói, thậm chí 100 tỉ cũng không phải là quá nhiều. Kohl ra về với lời hứa sẽ chi 300 triệu để đưa các quân nhân Liên Xô về nước và giúp xây nhà ở cho họ.

Việc rút các quân nhân Liên Xô về nước là sự kiện cực kì quan trọng đối với Kohl. Vợ ông, bà Hannelore, đã bị Hồng quân hiếp khi mới 12 tuổi. Bà không chấp nhận gặp Gorbachev hay nghe giọng nói của người Nga.

Cần phải quân tâm tới lịch sử. Kohl, một chính trị gia địa phương đã làm hết sức mình để chôn vùi nó. Ông đã thành lập quỹ để giúp đỡ Liên Xô, lúc đó đang yếu đi nhanh chóng và sau khi Liên Xô sụp đổ, thì giúp đỡ nước Nga đã phá sản. Năm 1992, ông tham gia đàm phán hiệp ước Maastricht, làm giảm căng thẳng để nước Đức vừa tái thống nhất có chế gia nhập châu Âu thống nhất. Theo hiệp ước này, đồng Mác Đức sẽ không còn tồn tại nữa. Nước Đức sẽ đơn giản là bắt đầu như một tờ giấy trắng và sống cuộc đời bình lặng của một tỉnh châu Âu dưới cái bóng của Mỹ. Đức sẽ là đất nước mãi mãi hòa bình, sau khi đã thanh tóan hết nợ nần.

Nhưng Kohl không tính được ảnh hưởng mà những cố gắng nhằm giải quyết những rạn nức của chiến tranh lạnh với phương Tây có ảnh hưởng như thế nào đối với người khổng lồ ở phương Đông.

Ông không bao giờ tin Gorbachev – ông cho rằng Gorbachev là một người cộng sản không thể nào cải tạo được, đơn giản là ông ta buộc phải cúi đầu trước những hòan cảnh bất như ý mà thôi. Nhưng ông lại trở thành bạn với vị tổng thống Nga đầu tiên, Boris Yeltsin – thậm chí hai người còn cùng đi vào nhà tắm hơi với nhau. Yeltsin muốn châu Âu chấp nhận Nga làm thành viên, cũng như đã từng chấp nhận Đức. Năm 1998, trong một buổi gặp gỡ không chính thức với tổng tống Pháp, Jacques Chirac và Kohl, Yeltsin đã tìm cách thảo luận với họ quan điểm về “Đại Âu”, trong đó có hành lang vận tải nối London với Mosakva và thậm chí những bước đi nhằm tiến tới thị trường lao động chung. Trong cuốn hồi kí của mình, Yeltsin viết rằng, lúc đó Kohl đã nói:

"Pháp và Đức có trách nhiệm đặc biệt đối với chính sách của EC và muốn làm mọi việc để không có ai – trên toàn thế giới cũng như ở Moskva – có cảm giác là những tiến trình đang diễn ra ở châu Âu sẽ dẫn tới việc cô lập nước Nga".

Nhưng Yeltsin nhanh chóng nhận ra rằng người châu Âu không quan tâm tới việc hội nhập Nga. Họ chỉ muốn ông ta mặc nhận dự án của họ mà thôi. Cơ hội bị bỏ lỡ này là nguyên nhân chính của sự căng thẳng giữa Nga và châu Âu hiện nay.

Tổng thống Nga, Vladimir Putin, nhiều lần nhắc lại lời hứa của phương Tây là không mở rộng NATO ra quá biên giới của nước Đức thống nhất. Người ta cho rằng lời hứa đó – phải công nhận là khá mơ hồ - là do Kohl và bộ trường ngọai giao của ông này, Hans-Dietrich Genscher, đưa ra. Nhưng, trên thực tế, Đức không thể ngăn chặn được quá trình mở rộng NATO, Kohl cũng thể mở rộng EU đến mức có thể cho Nga tham gia. Nước Đức trầm lặng, hậu lịch sử, mà ông xây dựng không làm những việc như thế. Ông không chịu trách nhiệm về việc phương Tây hắt hủi nước Nga nghèo đói, tham nhũng, thô lỗ và ngây thơ của Yeltsin – nhưng đến nay người ta vẫn lên án ông vì không thực hiện lời hứa này.

Năm 1998, năm ông gặp không chính thức Yeltsin và Chirac, cũng là năm ông mất chức vào tay đảng viên Dân chủ-Xã hội, Gerhard Schroeder. Một năm sau thì xảy ra vụ bê bối về tài chính của đảng, Kohl rút khỏi mọi họat động chính trị. Angela Merkel, học trò và người được ông bảo trợ, nắm quyền lãnh đạo đảng và năm 2005 thì đánh bại Schroeder. Trong những năm cuối đời, Kohl, phải ngồi xe lăn và nói năng khó khăn, không được vui khi phải chứng kiến phong cách có tính thù địch của bà này, trong đó có quan hệ với Nga. Ông phán nàn rằng Merkel đang “phá hoại châu Âu của ông”. Năm 2014, người viết tiểu sử cũ của Kohl cho công bố cuốn sách ghi lại những bài phỏng vấn của ông, trong đó có đoạn hồi tưởng đầy miệt thị về việc Merkel không biết dùng thìa dĩa trong một buổi tiếp tân chính thức. (Hai tháng sau, ông được tác giả cuốn sách đền bù 2 triệu euros: ông không phủ nhận điều mình đã nói, mà chỉ khẳng định rằng chưa bao giờ cho phép công bố cuốn sách).

Thực vậy, dưới thời Merkel, lịch sử Đức lại tái tục dòng chảy của mình, mặc dù có thể bà và cả Kohl đều không hứng thú với vai trò tác nhân của lịch sử. Dù sao mặc lòng, thủ tướng Đức ngày càng được người ta coi là lãnh tụ của châu Âu thống nhất, một vai trò gần như đã được thiết chế hóa sau khi nước Anh rời khỏi EU. Cuộc phỏng vấn gần đây của Pew Research cho thấy rằng hầu hết người châu Âu đều có cái nhìn tích cực về nước Đức và tin tưởng Merkel, mặc dù đa số ở Hi Lạp, Italy, Tây Ban Nha và Ba Lan tin là Đức đã có quá nhiều ảnh hưởng đối với châu Âu. Đấy là điều mà Kohl đã cố hết sức để tránh. Gần đây ông đã kêu gọi người châu Âu, nhất là người Đức, không được trừng phạt Anh vì nước này ra khỏi EU.

Di sản của Kohl: hòa bình và quyền lực mềm vẫn còn giữ được nhiều ảnh hưởng. Nhưng, tương tự như Yeltsin, người ra đi trước ông, ông chưa kịp hoàn thành khá nhiều việc. Tôi không thể không lấy làm tiếc, mặc dù, tôi hiểu rằng như thế có thể là không công bằng.

------------------------

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

Nguồn: https://www.bloomberg.com/view/articles/2017-06-16/helmut-kohl-obituary-the-german-chancellor-s-unfinished-business

No comments:

Post a Comment