Pages

June 29, 2017

Con đường đưa Venezuela tới thảm họa được rắc đầy tiền của Trung Quốc

Christopher Balding

Phạm Nguyên Trường dịch

Các khoản tiền vay bị chính trị hóa đã làm cho đất nước xã hội chủ nghĩa Nam Mỹ này mắc kẹt dưới những khoản nợ cao như núi của Trung Quốc - nhưng bây giờ một số người lại muốn đăng ký xin được Bắc Kinh “ra tay tế độ”.

Người dân đất nước  XHCN Venezuela do lãnh tụ Hugo Chaves sáng lập và lãnh đạo

Nền kinh tế Venezuela và Trung Quốc dường như chẳng có gì chung. Chính phủ Nicolás Maduro đã cướp bóc công ty dầu khí Petróleos de Venezuela (PDVSA) để chi trả cho cuộc “cách mạng Bolivari”, phong trào xã hội chủ nghĩa được khởi động dưới thời Hugo Chávez. Khi giá dầu giảm, nước này thậm chí không thể tiến hành sửa chữa các giàn khoan hay trả lương cho người lao động để tiếp tục có thu nhập, và chính phủ hiện đang đối mặt với cuộc nổi dậy của quần chúng. Trong khi đó, cách nửa vòng trái đất, các trung tâm mua sắm của Trung Quốc sáng rực ánh đèn, trái ngược hẳn với những quầy hàng trống rỗng của Venezuela.

Nhưng, tình trạng đổ nát của Venezuela liên quan nhiều tới Trung Quốc hơn là người ta có thể nghĩ – đặc biệt là với kế hoạch khuếch trương ảnh hưởng trên toàn cầu của Trung Quốc thông qua nền ngoại giao tài chính của Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình. Sự sụp đổ của Venezuela là bài học thực tế về giá quá đắt của hoạch đó mà các đối tác của Trung Quốc – cũng như chính Trung Quốc cần phải học.

Trong vài năm, sau khi Chavez nắm được quyền lực vào năm 1999, Trung Quốc - coi nhà lãnh đạo mới là này đồng minh về ý thức hệ - bắt đầu cho Venezuela vay nhiều hơn. Đến năm 2006, các khoản nợ của chế độ Chavez đã làm người ta lo ngại – Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Paul Wolfowitz, khi nói đến Venezuela, đã nhận xét rằng “có nguy cơ thực sự khi chứng kiến các quốc gia được hưởng lợi từ việc cắt giảm nợ lại bị nợ thêm một lần nữa”.

Về mặt chính thức, những món tiền vay từ Bắc Kinh không kèm theo những điều kiện phi tài chính. Thực tế tế nhị hơn. Không ai nghi ngờ việc Bắc Kinh ít quan tâm tới những thứ như nhân quyền, bảo vệ môi trường và chống tham nhũng khi họ làm việc ở nước ngoài. Cho đến thời gian gần đây, thậm chí việc đưa cờ tới vị trí có giá trị địa chính trị cũng không phải là vấn đề quan trọng đối với các nhà kỹ trị Trung Quốc.

Nhưng người ta tập trung chú ý vào lợi ích của Trung Quốc. Từ năm 2.000, động cơ thúc đẩy các khoản đầu tư và cho vay của Trung Quốc đã là mở ra những thị trường xuất khẩu mới và đảm bảo việc tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Lợi ích của Trung Quốc trong việc lôi kéo bạn bè ở Tây bán cầu trong khi vẫn đảm bảo được việc tiếp cận với nguồn dầu khí trùng hợp với sự quan tâm của Venezuela đối với việc đa dạng hóa khách hàng, chứ không chỉ tập trung vào Mỹ như trước. Nhưng quyền lợi trùng hợp không có nghĩa là Trung Quốc giảm một phần lãi suất cho vay. Trung Quốc cho Venezuela với giá cắt cổ. Hiện nay, Trung Quốc không chịu đàm phán lại những khoản nợ đó, ngay cả khi nền kinh tế và ngành dầu khí của quốc gia Nam Mỹ này đã sụp đổ.

Nguyễn Minh Triết và Hugo Chavez

Từ năm 2007 đến năm 2014, Trung Quốc cho Venezuela vay 63 tỷ USD - 53% tất cả các khoản vay mà Bắc Kinh dành cho khu vực Mỹ Latin trong giai đọan này. Sự hào phóng đi kèm theo một cái bẫy; để đảm bảo việc trả nợ, Bắc Kinh khăng khăng đòi trả bằng dầu hỏa. Hầu hết các khoản vay được thỏa thuận khi giá dầu ở mức hơn 100 USD/thùng, như đã từng xảy ra trong giai đọan 2007 - 2014, và dường như cả hai bên đều được lợi. Tuy nhiên, tháng 1 năm 2016, giá dầu giảm xuống còn 30 USD/thùng, làm cho khoản nợ của Venezuela trở thành quá lớn. Để trả nợ cho Bắc Kinh, nếu theo thỏa thuận truớc đây, Venezuela phải chuyển một thùng thì nay phải chuyển hai thùng.

Nếu Venezuela sụp đổ và Maduro ra đi không kèn không trống thì Trung Quốc sẽ gặp rủi ro lớn về ngoại giao và tài chính. Các nhà chính trị đối lập nhận thức rõ rằng Trung Quốc đang chống lưng cho chế độ Maduro. Chính phủ Venezuela mới có thể từ chối thẳng thừng việc thực hiện nghĩa vụ do chế độ Maduro để lại và quay sang Washington để tìm sự giúp đỡ. Điều đó có thể làm cho Trung Quốc lúng túng, cả về kinh tế lẫn chính trị. Trong quá khứ, Trung Quốc từng ủng hộ mạnh mẽ quyền không trả nợ - nếu đấy là nợ các nước phương Tây.

Nhưng việc Venezuela vỡ nợ có thể gây ra những hậu quả không chỉ đối với Caracas và Bắc Kinh. Là một phần của sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường (BRI), Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng cách làm với Venezuela sang nhiều nước trên thế giới. Lợi dụng sức mạnh tài chính và chuyên môn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội để đẩy mạnh ảnh hưởng, lôi kéo bạn bè và đồng thời vẫn bảo vệ được tài sản.

Việc Mỹ, dưới thời Donald Trump, rút khỏi vai trò lãnh đạo lịch sử đã tạo điều kiện cho Trung Quốc trong việc thúc đẩy tầm nhìn địa chiến lược vĩ đại này, đặc biệt là sau khi chính quyền Barack Obama không theo đuổi đến cùng việc “xoay trục sang châu Á”. Nhiều nước châu Á đang nói thầm, và một số nói công khai, về việc muốn Mỹ can dự nhiều hơn vào khu vực này chứ không lặng lẽ đầu hàng trước ưu thế của Bắc Kinh. Nhưng nếu phải lựa chọn là thỏa thuận đầy rủi ro với Bắc Kinh hay không có thỏa thuận nào với phương Tây, nhiều người đã cho thấy rằng họ sẽ chọn Bắc Kinh.

Venezuela sụp đổ là do chế độ độc tài xấu xa thi hành những chính sách kinh tế đầy tai họa, lại được mạnh thường trợ giúp bằng những khỏan tín dụng gần như vô giới hạn. Hỗn hợp độc hại này cũng hiện diện tại nhiều quốc gia đang nhận những khoản vay lớn của qua dự án Một Vành Đai, Một Con Đường (BRI) của Trung Quốc. Lo lắng về sự trì trệ của nền kinh tế, các nhà độc tài trên khắp thế giới tìm cách thúc đẩy tăng trưởng bằng những khoản vay của Trung Quốc nhằm tài trợ cho các dự án tốn kém nhưng không có hiệu quả, bất chấp những hậu quả trong dài hạn.

Trong khi Trung Quốc có thể khẳng định rằng các quyết định đầu tư của họ là hòan tòan mang tính thương mại, thì lịch sử của nước này với Venezuela lại khẳng định ngược lại. Điều đó đã được xác nhận bởi những vấn đề xuất hiện trong các dự án liên quan đến BRI. Trong khoảng thời gian ngắn, từ năm 2016, chúng ta đã chứng kiến những vấn đề nợ nần lớn từ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Sri Lanka và Pakistan. Trung Quốc đã đàm phán để đổi khoản nợ của mình lấy hợp đồng thuê 99 năm trong dự án xây dựng cảng ở Sri Lanka cùng với khu vực kinh doanh xung quanh hải cảng này. Trung Quốc đã cấp những khoản tài trợ khẩn cấp cho Pakistan trong năm vừa qua, nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tiền tệ có khả năng xảy ra, nhưng vẫn có kế hoạch đầu tư 52 tỷ USD trong vài năm tới vào các dự án cơ sở hạ tầng của nước này.

Võ Nguyên Giáp và Hugo Chavez

Bắc Kinh thích trích dẫn Kế hoạch Marshall khi nói về BRI, nhưng việc làm của họ thì gian xảo và vị kỉ hơn. Chương trình BRI không cung cấp những khoản vay ưu đãi hay viện trợ quốc tế, mà dựa trên lãi suất trên thương trường, các khoản cho vay có lãi suất cao. Sau đó, các nước vay vốn phải sử dụng các công ty, đầu vào và công nhân Trung Quốc để xây dựng đường sắt và cảng ở nước mình. Trung Quốc cho vay không phải vì có tầm nhìn dài hạn về trật tự thế giới hoàn hảo hơn, như những người ủng hộ họ thích tuyên bố, mà do những tính toán về tài chính: Họ cần giữ cho các công ty đã bị nợ lút đầu lút cổ tiếp tục sống và người lao động của họ có việc làm.

Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt. Hiện đã có các báo cáo nói rằng các quan chức Trung Quốc tin là sẽ bị thua lỗ đáng kể từ các khoản đã cho các nước Nam Á và Trung Á vay – những nước này có thể không trả được. Xin xem xét trường hợp Sri Lanka, nước này không trả nổi khoản vay trị giá 2 tỷ USD của Trung Quốc, nhưng sau đó lại được Bắc Kinh cho vay thêm khoản tiền 32 tỷ USD để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Cũng có những lý do chính đáng để tin rằng Pakistan sẽ không thể hấp thụ được các khỏan đầu tư lớn của Trung Quốc mà không gây ra lạm phát, và do đó, làm xói mòn khả năng trả nợ.

Theo các tuyên bố chính thức, Trong 10 đến 15 năm tới, Trung Quốc có kế hoạch đầu tư 5 ngàn tỷ USD vào dự án BRI. Nếu số tiền này được vật chất hóa trên thực tế, thì đây là khoản tiền rất lớn, ngay cả đối với Trung Quốc, dù là tính theo giá trị tuyệt đối hay trong tương quan với GDP thì cũng thế. Điều đó có nghĩa là, ngay cả việc mất khả năng thanh tóan những khoản nợ tương đối nhỏ cũng có thể gây ra những thiệt hại to lớn, cả về kinh tế lẫn chính trị.

Cho vay những khoản tiền lớn có tính phá hoại, làm cho các nước đang phát triển lâm vào tình trạng đổ nát là cách tốt nhất để Trung Quốc đánh mất sự tín nhiệm trên toàn thế giới. Ở Sri Lanka đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình và bạo loạn về những khoản nợ của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh dựa vào phe đối lập Venezuela để không bị nước này xù nợ. Tất cả những việc này là giá đắt đối với uy tín của Trung Quốc. Chứng kiến những hậu quả của những khoản vay của Bắc Kinh đối với Venezuela, Sri Lanka và Pakistan, những con nợ tiềm tàng khác dường như đã không còn nhiệt tình vay Bắc Kinh nữa – hay chí ít cũng nhận thức rõ hơn về những rủi ro có thể gặp.

Các dự án vay quy mô lớn mà không tập trung vào khả năng sống sót về mặt kinh tế của dự án và khả năng trả nợ của bên vay, hầu như không phải là cơ sở vững chắc nhất cho nền ngoại giao tài chính mà Trung Quốc đang tìm cách thực hiện. Trong trường hợp tốt nhất, nó sẽ dẫn đến nghi ngờ và căng thẳng giữa chủ nợ và con nợ. Trong trường hợp xấu nhất, nó sẽ cho thấy sự tàn phá về mặt tài chính đối với những nước đang oằn lưng duới gánh nặng nợ nần mà họ không thể trả được bằng ngoại tệ mà chính họ cũng không có. Nếu việc cho vay của Trung Quốc không trở nên thông minh hơn, nước này có thể phát hiện ra rằng chẳng còn ai quan tâm tới số tiền mà họ có thể cung cấp.

-----------------------

Christopher Balding hiện là phó giáo sư về kinh doanh và kinh tế học tại trường HSBC Business School ở Thâm Quyến và là tác giả cuốn Sovereign Wealth Funds: The New Intersection of Money and Power.

Đã đăng trên Viêt Nam Thời Báo


Nguồn: http://foreignpolicy.com/2017/06/06/venezuelas-road-to-disaster-is-littered-with-chinese-cash/

No comments:

Post a Comment