Pages

May 10, 2017

Tai hoạ của thế kỷ. Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít và tính đặc thù của thảm hoạ (Kì cuối)

Alain Besançon


Bài đã đăng trong cuốn: Những tiểu luận về chính quyền, NXB Vô Danh, 2016


Chương III 

Phá hoại về mặt chính trị


Tôi đã xem xét việc thủ tiêu về mặt thể xác, đã xem xét việc phá hoại môi trường đạo đức của con người, phá hoại cái môi trường của những sinh thể có lý trí biết phân biệt thiện ác. Cần phải xem xét việc phá hoại môi trường chính trị, nghĩa là năng lực xây dựng các quan hệ gia đình và xã hội, khả năng tạo dựng các mối quan hệ giữa người cai trị và kẻ bị trị và bằng cách đó tạo ra nhà nước.


Chính sách phá hoại chính trị

Trước khi cướp được chính quyền và để cướp được chính quyền, các đảng Quốc xã và cộng sản đã sử dụng tất cả các phương tiện chính trị hiện có lúc đó. Họ tham gia vào trò chơi chính trị nhưng chính họ thì lại đứng ngoài cuộc, họ chỉ tuân thủ các tiêu chí do chính mình đặt ra và kỷ luật đảng mà thôi. Thí dụ, khi đảng Bolshevik đòi chia ruộng cho nông dân và ký ngay hiệp ước hoà bình thì không có nghĩa là họ sẽ hài lòng khi các đòi hỏi đó được đáp ứng. Đấy là lúc những người Bolshevik cần lôi kéo nông dân và binh lính để bắt đầu tiến trình cách mạng. Nhưng khi cách mạng thành công thì ruộng đất của nông dân lại bị thu hồi và việc chuẩn bị chiến tranh lại được tăng cường. Đảng không nhận thấy một chút mâu thuẫn nào ở đây cả. Công việc không dừng lại khi đã đạt được mục đích đặt ra, nó lại tiếp tục vận động và mục tiêu kia chỉ tồn tại như là vật hy sinh cho một công việc khác nằm đằng sau cái mục đích đã được tuyên bố trước đây.

Sau khi nắm được chính quyền, đảng thực hiện một chính sách phá hoại chính trị chưa hề có tiền lệ trong lịch sử. Tất cả các quan hệ vốn có của xã hội đều bị loại bỏ: gia đình (nếu đảng có đủ sức làm điều đó; gia đình ở đâu cũng chống lại, nhưng dù sao vẫn bị xói mòn và thoái hoá), giai cấp, các tổ chức xã hội và các cơ quan nhà nước. Con người bị tước mọi quyền tự tổ chức, tự tập hợp, quyền có đại diện, con người bị hạ xuống thành các đinh ốc và bị lùa vào các hình thức tổ chức mới. Các hình thức này được xây dựng theo khuôn mẫu của những tổ chức đáng lẽ phải tồn tại nếu chủ nghĩa xã hội tồn tại và được khoác cho những cái tên như: xô viết, liên hiệp, công xã. Vì chủ nghĩa xã hội chỉ tồn tại trong tưởng tưởng cho nên các tổ chức trên chỉ sống được nhờ bộ máy đàn áp. Quyết định để cho các tổ chức và cơ quan này mang tên mới phản ánh cái chủ nghĩa xã hội tưởng tượng hay giữ nguyên tên cũ để có vẻ như thế giới cũ ít nhiều vẫn còn tồn tại, tất cả phụ thuộc vào nhu cầu chính trị tại thời điểm đó: trong trường hợp giữ như cũ thì chúng được gọi là công đoàn, viện hàn lâm, quốc hội, hợp tác xã – các từ đồng âm dị nghĩa như thế có thể “sử dụng được về mặt chính trị”. Biết bao đoàn đại biểu quốc hội hay hội đồng thành phố các nước phương Tây đã bị xỏ mũi khi họ tin rằng đã được các đại biểu quốc hội hay hội đồng thành phố tiếp chứ không phải là các cán bộ đảng tự nhận các danh hiệu như thế!

Về đại thể, đảng Quốc xã đã bắt chước chính sách phá hoại chính trị của cộng sản. Họ cũng cố tình che giấu mục đích thật sự khi cướp chính quyền, cũng lừa bịp các đồng minh tạm thời (có cả những người bảo thủ cánh hữu) để sau đó đàn áp họ. Họ cũng thành lập các tổ chức mới, chiêu nạp thanh niên và “quần chúng” vào các tổ chức này. Tư tưởng Quốc xã không đòi hỏi phải tiêu diệt ngay lập tức các hình thức quan hệ xã hội cũ, trung lập hoá và buộc các tổ chức này phục tùng là họ đã thoả mãn rồi. Vì vậy, dưới thời Quốc xã, các doanh nhân, thị trường, quan toà, công chức cũ, những người đã làm những việc ấy trước khi Quốc xã nắm quyền đã không bị bãi chức và vẫn tiếp tục áp dụng các nguyên tắc làm việc cũ. Chiến tranh đã đẩy nhanh quá trình thiết lập và củng cố chính quyền toàn trị. Chúng ta không thể biết nếu chủ nghĩa Quốc xã chiến thắng thì chính quyền ấy sẽ phát triển theo hướng nào.


Các hoạt động chính trị còn sót lại

Führerprinzip (Tôn sùng lãnh tụ) là một chi tiết quan trọng của cái lý luận trở về với tự nhiên của chủ nghĩa Quốc xã. Cốt lõi của toàn bộ xã hội là phải giống như một kim tự tháp gồm các cấp lãnh đạo hứa hẹn trung thành, tận tâm với đế chế, đỉnh tháp là lãnh tụ, sùng bái lãnh tụ là một phần không thể tách rời của toàn bộ hệ thống.

Đảng cộng sản cũng tổ chức theo thang bậc nhưng về nguyên tắc, tổ chức này được xây dựng trên cở sở bầu cử và dân chủ. Tính đặc thù của đảng do Lenin sáng lập là ngay từ khi mới hình thành, trung ương đã chỉ đạo cho các tổ chức đảng “bên dưới” cần bầu cho ai. Như vậy, những cuộc bầu cử dân chủ chỉ tạo điều kiện cho trung ương thấy được sức mạnh toàn năng của chính mình. Vấn đề ở đây là về mặt lý thuyết thì ý thức giác ngộ và nhận thức khoa học mà đảng dựa vào là tài sản độc quyền của lãnh đạo đảng, các kiến thức được đưa từ đây xuống “dưới”. Sau khi đã giao quyền cho “trung ương”, cấp “dưới” thể hiện thành tích của mình bằng cách tiếp thu học thuyết và “đường lối” của đảng. Kết quả là ngay từ thời Lenin, đã có hiện tượng sùng bái lãnh tụ và đỉnh cao của nó là dưới trào Stalin. Sự sùng bái vẫn còn ngay cả sau khi Stalin chết, nhưng dưới thời Brezhnev, mọi người đều hiểu rõ rằng bức tượng hoá ra chỉ là một khúc gỗ rỗng. Sùng bái lãnh tụ mâu thuẫn với học thuyết Mác-xít, những người đòi bảo vệ sự trong sáng của học thuyết theo phái Trotsky đã kiên quyết bác bỏ hiện tượng này. Nhưng thực tế đã tự thể hiện mình trong hệ thống được xây dựng trên hiện-thực-bịa-tạc: con người dễ dàng tôn thờ một kẻ giống mình hơn là tôn thờ cái học thuyết trừu tượng và rõ ràng là giả dối kia.

Như vậy, vì chính quyền cộng sản và chính quyền Quốc xã hiện diện trong những con người cụ thể nên các hoạt động chính trị chỉ còn là các hoạt động trong nội bộ đảng, một tổ chức hiện thực duy nhất còn tồn tại mà thôi. Hoạt động chính trị chỉ còn là, như Montesquieu mô tả về triều đình đế chế Ottoman và Ba Tư, hỗn hợp của lòng hận thù và âm mưu giữa những cá nhân và phe nhóm để tạo ra những liên minh tạm thời nhằm tranh giành quyền lực cá nhân, mà những vụ móc ngoặc như thế có thể dựa hoặc không cần dựa vào sự thay đổi đường lối của đảng. Trotky, Bukharin, Zinoviev, Stalin đều có chung mục đích là chủ nghĩa xã hội nhưng phải có một người nào đó làm lãnh tụ tối cao. Trong cái hộp chứa đầy nhện độc như thế đã diễn ra vô số những vụ giết người và phản bội.


Không tưởng

Những hoạt động không ngừng, đầy mưu mô và đôi khi rất sôi động của ban lãnh đạo trung ương không thể được coi là hoạt động chính trị vì đấy là những hoạt động nhằm thực hiện một ảo tưởng.

Cả hai chế độ mà ta đang khảo sát đều vin vào quá khứ huyền thoại, họ đã dựa vào những huyền thoại đó để phác hoạ tương lai trong trí tưởng tượng. Đã có một thời của người thượng đẳng, những người về bản chất là ưu việt hơn tất cả, ngày mai những người thượng đẳng này sẽ lại lên ngôi và đứng đầu là những người trong sạch nhất. Chủ nghĩa cộng sản không ước mong phục hồi quá khứ, tức là chế độ công xã nguyên thủy, mà muốn tái lập nó “trên bình diện cao hơn”. Như vậy, khái niệm về sự tiến bộ, thừa kế từ thời Khai sáng và được các nhà văn trường phái lãng mạn ca tụng hết lời, chiếm vị trí quan trọng trong học thuyết này. Tư tưởng của Marx, theo cách nói rất hay của Raymond Aron, là sự di chuyển từ Rousseau đến Rousseau thông qua Saint-Simon, nghĩa là thông qua tiến bộ kỹ thuật và công nghiệp. Chủ nghĩa Hitler là chủ nghĩa duy ý chí: đây là sự sáng tạo của ý chí, cái ý chí chỉ có thể tạo ra những khu rừng rậm trong trạng thái quân bình sinh học của chúng mà thôi. Chủ nghĩa Lenin lại dựa vào tiến trình lịch sử để tạo ra vùng Arcady [1] (với đèn điện và sự dư thừa), Aufhebung (chữ dùng của Hegel - cải tạo) cái vùng Arcady nguyên thủy ấy. Nhưng đảng, đóng vai trò bà đỡ, lại điều khiển chính tiến trình lịch sử này, vì vậy, chủ nghĩa duy ý chí cũng cần thiết cả ở đây nữa, nhưng nó vừa được người ta ca ngợi lại vừa bị bác bỏ vì rằng đảng chỉ thể hiện cái tất yếu được nhận thức, được người ta coi ngang (Lenin còn viện dẫn cả Spinoza) với tự do!

Hiện thực nằm giữa cái quá khứ huyền thoại và tương lai lý tưởng như thế đã chẳng còn chút giá trị gì. Nghệ thuật làm chính trị, nghĩa là việc sắp xếp hiện tại dựa vào việc quản lý những di sản có giá trị và sống động của quá khứ và những dự báo ngắn hạn về tương lai, cái nghệ thuật đó đã không còn ý nghĩa gì đối với lãnh đạo của cả chế độ Quốc xã lẫn chế độ cộng sản. Quá khứ vừa qua là địch thủ, hiện tại không có giá trị gì, tất cả là để phục vụ cho tương lai, cho mục đích cuối cùng.


Mục tiêu vô giới hạn của chủ nghĩa Quốc xã

Cần phải nghĩ xem liệu môi trường hoạt động và bành trướng của chủ nghĩa Quốc xã có giới hạn nào không hay về bản chất, môi trường của chúng là vô bờ bến. Chính sách hoà hoãn của Chamberlan và trong một chừng mực nào đó, chính sách phân chia mà Stalin theo đuổi vào năm 1940 là dựa trên giả thiết rằng Hitler sẽ thoả mãn với cái mà hắn nhận được. Hắn xoá bỏ hiệp ước Versailles, hắn chiếm các “vùng đất phía đông” liệu đã đủ chưa? Hắn tổ chức lại nước Đức, hắn tiêu diệt những người không có khả năng lao động, hắn giết người Do Thái, người bất thành nhân nhưng hắn cần đi tiếp. Để chiếm Ba Lan, hắn sẵn sàng chấp nhận chiến tranh với phương Tây. Sau đó, hắn sẵn sàng chấp nhận chiến tranh thế giới. Có thể hắn không biết các kế hoạch đó sẽ đưa đến đâu nhưng hắn chấp nhận hậu quả, cứ như là một người bị số mệnh đưa đẩy phải liên tục khởi sự những cuộc chơi mới vậy. Stalin là người duy nhất có thể cùng hắn phân chia thế giới một cách ổn định, ông ta cho rằng hắn cũng khôn ngoan như mình và là người nhận thức được mối liên hệ tự nhiên giữa hai chế độ đã lấy làm tự hào về liên minh mới được thành lập. Nhưng Hitler đã phản bội và Stalin không thể nào hiểu được vì sao lại như thế. Sau đó, người ta cũng không thể nào hiểu nổi vì sao hắn lại dễ dàng tuyên chiến với Mỹ như thế. Từ giờ phút đó, hắn đã chơi một ván cờ mà thắng thì sẽ được cả thế giới, thua thì nước Đức sẽ tan hoang.

Chủ nghĩa Quốc xã đã bộc lộ sứ mệnh của mình trong cuộc chiến tranh này, đấy là tiêu diệt dần toàn bộ loài người theo từng lớp lang. Đối với họ, thế giới càng kháng cự mạnh bao nhiêu thì sự đối kháng giữa chủng tộc thượng đẳng và người Do Thái càng quyết liệt thêm bấy nhiêu. Người Do Thái được coi là chỉ dấu của sự cản trở việc thực thi kế hoạch vĩ đại của họ. Họ chiến đấu chống lại chủ nghĩa Bolshevik, lúc này đã thành “Bolshevik-Do Thái”, họ chiến đấu chống lại chủ nghĩa tư bản, lúc này đã thành “tư bản – Do Thái”. Nghĩa là người Do Thái đã làm băng hoại toàn thế giới, đã vấy bẩn lên tất cả, đã “Do Thái hoá” tất cả. Toàn thể nhân loại cần phải trong sạch hoá, nghĩa là cần phải giết hết. Theo Sebastien Haffner (Sebastien Haffner, Un certain Adolf Hitler, Gasset, Paris., 1979, trang 242) thì những cố gắng cuối cùng của Hitler chính là để điều khiển sao cho sự thất bại không thể tránh khỏi sẽ dẫn đến việc phá hủy toàn bộ nước Đức. Theo lý giải của Haffner, cuộc tấn công ở Ardenne là nhằm kìm chân quân Mỹ để toàn bộ đất nước rơi vào tay quân đội Liên Xô. “Những mệnh lệnh tiến hành chiến tranh hủy diệt do Hitler đưa ra vào các ngày 18 và 19 tháng 3 năm 1945 không phải là nhằm đánh một trận anh hùng cuối cùng như hồi mùa xuân năm 1944 nữa. Việc đưa hàng ngàn người Đức vào chỗ chết ở ngay trong lòng nước Đức cũng như việc hạ lệnh phá hoại một cách có hệ thống tất cả những thứ có thể giúp cho sự tồn tại khiêm nhường nhất là việc làm vô nghĩa. Vụ diệt chủng cuối cùng này của Hitler chỉ có một mục đích duy nhất: trừng phạt người Đức vì họ đã không tự nguyện lên đường đánh một trận cuối cùng, vì họ đã từ chối đóng vai trò mà Hitler đã phân cho họ. Trong mắt của Hitler thì đây là tội tử hình. Một dân tộc không thực hiện được vai trò đã được phân công sẽ phải chết.”

Nhưng cơ cấu chỉ huy Quốc xã với quyền quyết định hoàn toàn thuộc về lãnh tụ đã tạo cho lịch sử của nó một bước ngoặt không ai dự đoán trước được. Về lý thuyết, có thể cho rằng Hitler có khả năng đạt được thoả thuận với nước Anh sau khi đã thoả mãn với những điều khoản nhượng bộ của Stalin. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra, Hitler không chấp nhận xây dựng chế độ Quốc xã trong “một nước riêng lẻ”. Tương tự như thế, đảng Quốc xã và đế chế SS không cần phải làm thay vai trò của các trung tâm chỉ huy nền công nghiệp Đức, bản thân các trung tâm này đã rất ngoan ngoãn và rất có kỷ luật rồi. Thế nhưng họ vẫn giành lấy các vị trí chỉ huy và bằng cách đó, họ đã nhập khẩu hình mẫu kinh tế thiếu hiệu năng của Liên Xô vào nước Đức, tạo ra nhiều hậu quả tai hại trong những cố gắng duy trì chiến tranh của đế chế.

Việc cải tạo thế giới có thể được thực hiện lần lượt theo từng giai đoạn, còn việc phá hoại và giết người cũng được thực hiện theo một trình tự nhất định. Đúng là Quốc xã đã sử dụng “chiến thuật ngoạm từng miếng” (theo cách nói mà người ta gán cho là của Rákosi) vì những chủng tộc “sống sót” qua giai đoạn đầu sau đó mới nhận ra rằng đến lượt họ. Nhưng rồi ngay lập tức, phong trào này đã biến thành một cuộc tắm máu mang tầm nhân loại. Tuy nhiên, người Quốc xã không thể làm như Stalin, thí dụ hứa cho Ukraine độc lập để rồi sẽ “giải quyết” sau chiến thắng. Không, họ cần giết ngay lập tức và như thế là kích động người Ukraine đứng lên chống lại. Nguyên nhân của việc “giải quyết tất một lúc” để cuối cùng dẫn đến thất bại có lẽ có bắt nguồn từ tính duy mỹ của học thuyết. Hitler coi mình là một nghệ sĩ, tức là người có nhận thức thẩm mỹ lãng mạn của một thiên tài. “Thiên tài”, Kant viết, “không thể mô tả hay chứng minh một cách khoa học ông ta đã viết tác phẩm của mình như thế nào (…), và vì thế, tác giả của tác phẩm mà ông ta tạo ra nhờ thiên tài của mình không biết tư tưởng của ông ta đã được thực hiện như thế nào, ông ta không đủ sức nghĩ ra hay truyền đạt các tư tưởng đó cho người khác một cách tùy tiện hay theo kế hoạch trong những bản hướng dẫn mà theo đó những người khác có thể tạo ra những tác phẩm tương tự.” (Kant, Phê bình lý tính thuần túy, Chương 46, trích theo I. Kant, Toàn tập, gồm 6 tập, M. 1966, tập 5, trang 323-324). Theo đó, chính Hitler cũng không biết rõ hắn đang làm gì và cảm hứng cũng như các quyết định của hắn đến từ đâu. Hắn tự coi mình là thần linh như kiểu Promete và một phần sự say sưa đó đã được truyền xuống cho dân chúng. Hắn tin rằng hắn là người cổ động thiên tài tinh thần dân tộc, tin rằng các mệnh lệnh của hắn, lúc đầu còn thận trọng, sau này là những mệnh lệnh điên rồ, đều được ban từ trên xuống. Đấy là lý do vì sao có những sự vội vàng, hấp tấp mà Stalin không thể hiểu nổi. Đấy cũng là lý do của quyết định phi lý trong việc tiến hành cuộc chiến. Một số quyết định, do những viên tướng tài giỏi của hắn đề nghị đã có thể, nếu không thắng thì chí ít cũng có thể dẫn đến hoà, với điều kiện không thể nào có được là cuộc chiến chỉ theo đuổi những mục tiêu giới hạn. Nhưng do lỗi của Hitler mà cuộc chiến đã thất bại.



Mục tiêu vô giới hạn của chủ nghĩa cộng sản

Dự án cộng sản ngay từ đầu đã mang tính toàn trị. Nó nhắm đến một cuộc cách mạng trên toàn thế giới, còn về nội dung thì đấy là một sự cải tạo triệt để xã hội, văn hoá và cả con người. Nhưng để thực hiện những mục tiêu xa lạ với lý trí của con người như thế, nó lại cho phép sử dụng những phương tiện hợp lý. Lenin, một người mơ tưởng viển vông, trong giai đoạn chiến tranh, đã đưa những khái niệm trừu tượng như chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa cơ hội cùng đủ thứ “ism” khác để giải thích thế giới và theo ông ta, có thể giải thích được tất cả mọi thứ. Ông ta áp dụng các khái niệm này cho Thụy Sĩ, cho Đức và cho cả nước Nga nữa. Nhưng khi ông ta trở về nước Nga thì việc cướp chính quyền của ông ta lại hoàn toàn mang tính “chính trị”, theo nghĩa mà Machiaveli vẫn dùng.

Đảng cộng sản đã giành được chính quyền bằng con đường đấu tranh chính trị trong một xã hội bình thường về mặt chính trị. Ở đây, đảng đã tập dượt những chiến thuật khác nhau, những chiến thuật này sẽ được đem ra áp dụng sau khi đảng giành được chiến thắng. Thí dụ, “chiến thuật…” nghĩa là liên kết với những lực lượng không cộng sản, buộc họ tham gia vào việc tiêu diệt kẻ thù: đầu tiên là dựa vào những người cánh tả để tiêu diệt “bọn cực hữu”; sau đó là cánh tả ôn hoà, v.v… cho đến khi những người còn lại bị buộc phải thần phục và “kết hợp” nếu không muốn bị tiêu diệt hoàn toàn. Ưu việt của chủ nghĩa Lenin là tính chuyên nghiệp bao gồm sự khôn khéo, tính kiên trì và sự hợp lý nhằm đạt cho bằng được mục tiêu đã đặt ra. Nhưng đấy là nói về sự phá hoại, còn xây dựng thì không thể, vì mục tiêu của nó là phi lý.

Sau khi đã trở thành một nhà độc tài mà chính ông ta không nhận thức được, Lenin tiếp tục áp dụng những tiêu chí viển vông của mình vào những tình huống đầy biến động của nước Nga và dùng các tiêu chí đó để ra quyết định. Hoạt động cộng sản không phải được cổ vũ bởi chủ nghĩa duy mỹ mà xuất phát từ thảo luận “khoa học”. Cái giả khoa học này đã vay mượn của khoa học chân chính thuyết tam đoạn luận và tính trực quan giả tạo. Chính vì thế mà việc họ làm càng trở thành điên rồ, các quyết định càng tàn nhẫn, việc sửa chữa càng khó khăn thêm vì giả khoa học không phải là khoa học thực nghiệm, không thể xác nhận kết quả của thí nghiệm.

Dần dần, sự tàn phá lan sang mọi lĩnh vực và trở thành toàn triệt, nói theo Bakunin, là tương đương với ý chí sáng tạo. Ở nước Nga, sự tàn phá đã diễn ra theo những giai đoạn sau đây:
• Đầu tiên là tiêu diệt kẻ thù về chính trị tức là các cơ quan của chính phủ và cơ quan hành chính. Việc này được thực hiện ngay sau đảo chính.
• Sau đó, tiêu diệt các ổ đề kháng thực sự hoặc tiềm năng: các đảng phái, quân đội, công đoàn, hợp tác xã, trường đại học, trường học, viện hàn lâm khoa học, nhà in, báo giới.

Nhưng sau đó, đảng mới phát hiện ra rằng chủ nghĩa xã hội, như một xã hội tự do và tự quản, vẫn chưa hình thành và để xây dựng nó thì phải áp dụng các biện pháp cưỡng bức chưa từng có trước đây. Trong khi đó, theo lý thuyết thì chỉ có hai hiện thực: chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Nghĩa là, hiện thực là tư bản chủ nghĩa, vì vậy, sang bước thứ ba, sẽ phải phá hủy tất cả những gì đang hiện hữu: làng xóm, gia đình, tàn dư của nền giáo dục tư sản và cả tiếng Nga nữa. Cần phải kiểm soát từng người, những con người cô đơn và không còn phương tiện tự vệ vì tất cả các mối liên hệ xã hội đã bị phá hoại rồi, buộc người đó vào một nếp sống mới, trong đó, anh ta sẽ được cải tạo và sẽ hình thành những phản ứng có điều kiện mới. Và cuối cùng là tiêu diệt những kẻ thù bí mật.

Nhưng thất bại trong xây dựng chủ nghĩa ở trong nước còn do môi trường thù địch ở bên ngoài tạo ra nữa. Dù có mang màu sắc nào: dân chủ tư sản, xã hội-dân chủ, chủ nghĩa Quốc xã thì chính sự tồn tại của nó đã là nguy hiểm rồi. Nghĩa là, trong bước thư tư, phải thành lập tại mỗi nước các tổ chức theo kiểu Bolshevik, phải thành lập các đảng cộng sản và một cơ quan trung ương, Comintern, để phối hợp hành động và bảo đảm sao cho các tổ chức địa phương hành động theo đúng mô hình do trung ương đưa xuống. Khi hoàn cảnh cho phép, chủ nghĩa cộng sản lan truyền sang các khu vực mới, liên kết với “khối xã hội chủ nghĩa” thì các khu vực này cũng sẽ trải qua các giai đoạn phá hoại tương tự.

Mặc dù vậy, ngay trong khối xã hội chủ nghĩa, đảng lại tuyên bố (bằng tiếng nói của Stalin) rằng chủ nghĩa tư bản vững chắc chưa từng có. Nó đã thâm nhập vào và mở rộng ảnh hưởng ở trong đảng, đảng đã đánh mất tính chính danh của mình. Như vậy là lãnh tụ của đảng và chỉ một mình ông ta có trách nhiệm giải tán đảng (giai đoạn 5) để rồi tạo dựng nên một đảng mới. Để thực hiện ca phẫu thuật nguy hiểm này, phải sùng bái lãnh tụ hơn nữa, lãnh tụ lúc này đã chẳng khác gì Führer của đảng Quốc xã nữa rồi. Khi đã là người đại diện cho tinh thần của thời đại, cũng như lãnh tụ Quốc xã là đại diện của tinh thần dân tộc, ông ta, trong hoàn cảnh cách ly với môi trường xung quanh nhưng lại “liên hệ trực tiếp” với đám đông, có thể tiêu diệt ngay đảng, tức là trở thành tên đao phủ tập thể của quần chúng. Stalin đã làm như thế một lần, chắc chắn là có xem xét kinh nghiệm của Hitler và “đêm của những con dao dài” của hắn ta. Ông ta chuẩn bị làm điều đó một lần nữa (đồng thời đưa tất cả người Do Thái đi đầy) nhưng chưa kịp thì đã chết. Mao Trạch Đông thì làm những hai lần: một lần là trong giai đoạn “Đại nhảy vọt”, sau đó thì quyết liệt hơn, trong “Đại cách mạng văn hoá vô sản”.


Suy nhược và tự tan rã

Logic của cả hai hệ thống, nếu được đưa đến cùng, là sự tiêu diệt toàn bộ loài người. Nhưng cái logic này không được và không thể được vận dụng đến thắng lợi cuối cùng.

Nguyên tắc của chủ nghĩa cộng sản là tất cả phải phục tùng cho việc giành và giữ chính quyền vì chính quyền có trách nhiệm thực thi đề án. Để bảo vệ chính quyền thì buộc lòng phải tha những gì cần thiết cho chính sự sống còn của nó.

Đã có lúc sự phá hoại đã gây ra những thiệt hại mà quyền lực của đảng gặp nguy hiểm – nhưng đây không phải là nguy cơ khởi nghĩa toàn dân, đảng đủ sức ngăn chặn chuyện đó, mà là nguy cơ biến mất ngay chính vật liệu mà đảng tiến hành thí nghiệm, tức là con người. Điều đó đã xảy ra vào giai đoạn cuối của “chủ nghĩa cộng sản thời chiến”: Nước Nga đang tan rã và sắp biến mất, Lenin buộc phải đưa ra chính sách kinh tế mới, thực chất là một cách giải lao.

Khi cách mạng chưa thu được thắng lợi trên toàn thế giới thì thế giới bên ngoài, dù chỉ còn là một hòn đảo nhỏ, vẫn là một mối đe doạ chết người. Nó có tư tưởng thù địch như đã từng thù địch dưới thời Hitler hay chỉ muốn được yên và giữ nguyên trạng thái như phương Tây sau Thế chiến thứ hai - đó không phải là vấn đề quan trọng, chỉ cần có sự hiện diện của nó là bong bóng xà phòng xã hội chủ nghĩa có nguy cơ nổ tung bất cứ lúc nào. Để giữ cho cái thế giới hiện thực đó đứng ở khoảng cách nhất định và trong trường hợp cần thiết thì có thể tiêu diệt được nó, đảng phải có lực lượng, mà lực lượng này lại chỉ có thể được lấy từ cái hiện thực nằm dưới sự kiểm soát của đảng. Đảng cần có một nền kinh tế tối thiểu để nuôi dân và một nền công nghiệp, công nghệ tối thiểu để trang bị cho quân đội. Chính vì vậy mà những người sản xuất, các kỹ thuật viên, các nhà bác học được tha mạng. Đảng không thể đưa tất cả về “thế giới bên kia” vì nếu làm như vậy thì chính đảng cũng bị cuốn vào dây chuyền tự hủy đó của mình.

Cuối cùng, giai đoạn chót, sự phá hoại đảng va chạm với bản năng tự bảo vệ. Sau những vụ thanh trừng vĩ đại của Stalin và Mao Trạch Đông, đảng đã tự đặt ra các biện pháp bảo đảm và bảo vệ cho sự tồn tại của chính mình. Cộng sản không còn giết cộng sản nữa, nạn nhân chỉ bị thất sủng mà thôi.

Ở nước Nga, giai đoạn suy thoái bắt đầu từ đấy. Đảng ngày một già đi vì nói cho cùng, bảo vệ chính quyền đồng nghĩa với việc bảo vệ các vị trí và chức vụ. Chiến thuật hình thành trong những thời kỳ gian khó bây giờ được dùng để làm mỗi việc đó mà thôi. Trên đỉnh cao quyền lực, Brezhnev đang rữa ra một cách chậm chạp. Đảng rơi vào tình trạng tha hoá: nó không còn tuyệt đối trung thành với các mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản nữa, nó chỉ muốn hưởng thụ quyền lực và tài sản. Nó đã thoát khỏi thế giới siêu thực và trở về với hiện thực, cái hiện thực đã bị nó làm cho tan hoang, nơi chỉ có những thú vui sơ đẳng: rượu, nhà nghỉ và xe ô tô con. Còn quần chúng thì vẫn sống qua ngày đoạn tháng trong thân phận vẫn dành cho họ, cố gắng sắp xếp cuộc sống được thế nào hay thế ấy; họ không còn quan tâm đến chế độ nữa, chế độ cũng không còn tổ chức cho họ xem cảnh lên voi xuống chó của những kẻ quyền thế mà cũng chẳng dành cho họ một chút hi vọng nào trong việc thay thế những kẻ kia. Sự xuống cấp của toàn xã hội đạt đến đỉnh điểm. Khi một tiếng động nhỏ làm sụp đổ ngôi nhà xếp bằng những quân bài, cái ngôi nhà có thể sụp bất cứ lúc nào thì trước mắt chúng ta bỗng hiện lên quang cảnh hậu cộng sản: những tên mafia và những người sống gần mức nghèo khổ, những người chẳng còn đủ sức lực để nhớ về quá khứ nữa.

Ở Trung Quốc, những người thoát được những cuộc thanh trừng của Mao đã đi theo con đường khác. Để giữ quyền lực, người ta buộc phải đưa ra nhiệm vụ xây dựng nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa hùng mạnh và chủ nghĩa dân tộc đầy sức sống đã thâm nhập vào cái xác không hồn của chủ nghĩa cộng sản. Là người chứng kiến cảnh điêu tàn của nhà nước Liên Xô, họ cảm thấy hối tiếc vì đã đi theo một hình mẫu phát triển sai lầm trong khi những người Trung Hoa khác hay các dân tộc gần gũi với người Trung Hoa đã đi theo mô hình hay hơn. Từ đây, xuất hiện tính chất hai mặt của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa: nước này đang phát triển rất mạnh trong khi đảng tiếp tục nắm chặt quyền lực và không ai biết nó có còn là đảng cộng sản nữa hay không. Hiện nay, trên thế giới chỉ còn một nước cộng sản duy nhất, một nước vẫn tiếp tục đi theo logic tự hủy diệt, đấy là Bắc Triều Tiên.

*


Chúng ta không biết chủ nghĩa Quốc xã sẽ tiến hoá như thế nào. Nó không đạt được đỉnh điểm và đã bị lật đổ ngay khi bắt đầu cuộc chinh phục của mình. Trong chế độ Quốc xã, việc phá hoại chính trị được thực hiện theo một trật tự khác với chế độ cộng sản Liên Xô. Chủ nghĩa Quốc xã hướng ra bên ngoài trước khi nó kết liễu xong xã hội Đức. Trong khi đó, Liên Xô lại coi trọng công việc phá hoại có tổ chức, công việc phá hoại một cách có kế hoạch tinh thần kẻ thù “bên ngoài”, Hồng quân chỉ xuất hiện để khẳng định chiến thắng về mặt chính trị, còn chủ nghĩa Quốc xã lại tiến hành chiến tranh ngay lập tức. Chiến tranh đã gia tốc việc thực hiện các kế hoạch của chủ nghĩa Quốc xã nhưng cũng làm gia tăng sức kháng cự bách chiến bách thắng trên toàn thế giới.

Thành tố không dự đoán trước được trong chủ nghĩa Quốc xã cho phép ta giả định rằng Hitler có thể, thí dụ, thoả hiệp và kí hiệp ước hoà bình mà vẫn giữ được một phần lãnh thổ rộng lớn và an toàn. Trong trường hợp đó, sau khi Hitler chết, chế độ sẽ trải qua giai đoạn suy nhược tương tự như chế độ của Lenin. Về vấn đề này, Leszek Kolakovsky đã viết một tiểu phẩm hài hước nhại một bài báo trên tờ New York Times hồi đầu những năm 80 theo phong cách mà báo này viết về Liên Xô thời Brezhnev. Tác giả chào mừng sự nới lỏng về chính trị, chào mừng những thành công của chủ nghĩa Quốc xã mang bộ mặt con người. Tất nhiên, tác giả viết tiếp, những điều khủng khiếp trong quá khứ, trong đó có số phận kinh hoàng của người Do Thái, là đáng tiếc. Nhưng đấy đã là quá khứ xa xôi và nó không thể cản trở chúng ta trong việc ghi nhận những thành quả tuyệt vời, những thành quả do chế độ, trên đường bình thường hoá, mang lại…

Ý nghĩa của những tác nhân bên ngoài đối với quá trình suy nhược và sụp đổ của các chế độ toàn trị có thể khác nhau. Đối với nước Đức Quốc xã thì đấy là tác nhân quyết định: nước Đức đã bị quân đồng minh đánh tan. Nhưng thế giới “tư bản chủ nghĩa” ít khi là mối đe doạ đối với chế độ cộng sản. Chủ nghĩa Quốc xã đã nêu cao tính chính danh của chủ nghĩa cộng sản trong mắt phương Tây. Trong thời “Chiến tranh lạnh”, chính sách roll back (quay lại quá khứ, nghĩa là quay lại các quan hệ trước chiến tranh) đã nhanh chóng nhường chỗ cho chính sách containment (kiềm chế). Bước ngoặt đó cũng không ngăn chặn được sự phát triển rộng khắp của phong trào cộng sản ở châu Á, châu Phi và cả châu Mỹ nữa. Cuối cùng thì đảo Grenada là nơi duy nhất mà chủ nghĩa cộng sản bị lật đổ, tương tự như chủ nghĩa Quốc xã, nghĩa là bằng một cuộc đổ quân ồ ạt, dù bị một số nước phi cộng sản phản đối quyết liệt.



Phụ lục

Chủ nghĩa Bolshevik: Nhớ và quên


Có một sự đồng thuận rộng rãi về sự tương đồng giữa chủ nghĩa cộng sản kiểu Bolshevik và chế độ Quốc xã, ít nhất thì trong giới các nhà sử học hàn lâm đã có một sự đồng thuận như thế. Tôi coi thuật ngữ “hai anh em sinh đôi cùng trứng” thể hiện được bản chất của hai chế độ này. Đấy là hai hệ tư tưởng đã giành được quyền lực trong thế kỷ XX. Mục đích của chúng là xây dựng một xã hội hoàn hảo và để làm điều đó thì trước hết phải loại bỏ hoàn toàn cái bất thiện, tức là những trở ngại trên con đường dẫn đến xã hội hoàn hảo đó. Đối với chủ nghĩa cộng sản thì bất thiện chính là tài sản tư nhân, cũng có nghĩa là tầng lớp hữu sản. Nhưng hoá ra cái bất thiện không biến mất sau khi giai cấp hữu sản đã bị tiêu diệt, từ đây tất cả mọi người dân, những người đã bị “tinh thần của chủ nghĩa tư bản” làm cho thoái hoá biến chất, đều bị coi là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, thậm chí kẻ thù còn thâm nhập vào bộ máy của đảng nữa. Đối với chế độ Quốc xã thì các dân tộc bị coi là hạ đẳng, mà trước hết là người Do Thái, chính là cái bất thiện. Nhưng sau khi người Do Thái bị tiêu diệt thì cái bất thiện cũng không biến mất, cần phải loại trừ cái bất thiện trong cả các chủng tộc khác, kể cả chủng tộc thượng đẳng vì chính họ cũng đã bị vấy bẩn. Cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa Quốc xã đều dựa vào uy tín của khoa học để nêu cao tính chính danh của mình. Cả hai chế độ đều có tham vọng tạo dựng con người mới và cải tạo lại toàn bộ nhân loại.

Cả hai hệ tư tưởng đều tự nhận là có lòng nhân ái. Chủ nghĩa Quốc xã thì muốn mang lại hạnh phúc cho nhân dân Đức và tuyên bố rằng giết người Do Thái là làm điều thiện đối với loài người. Chủ nghĩa cộng sản-chủ nghĩa Lenin thì mong muốn đem hạnh phúc đến cho toàn thể loài người. Tính ưu việt của chủ nghĩa cộng sản chính là ở đó, trong khi cương lĩnh của chủ nghĩa Quốc xã thì không thể nào xuất khẩu được. Cả hai học thuyết đều đưa ra “những lý tưởng cao cả”, đủ sức động viên người ta thực hiện những hành động anh hùng và giữ lòng trung thành tuyệt đối. Nhưng cả hai đều cho người ta quyền được giết và buộc người ta phải giết. Xin dẫn ra đây những lời được coi là tiên tri của Chateaubriand: “Hai hệ thống khác nhau này có cùng một phương tiện anh hùng, được tuyên bố công khai hay hiểu ngầm thì cũng thế, đấy là: giết người”. Còn Hugo thì nói: “Ngươi có thể giết tên này”. Hoặc loại người này. Sau khi giành được chính quyền, họ đã thực hiện chương trình giết người với một mức độ chưa từng có trước đây. Tội ác của hai hệ thống có tương đương nhau hay không? Sau khi đã tìm hiểu cả hai hệ thống, sau khi đã biết những kỷ lục của chủ nghĩa Quốc xã về cường độ (buồng hơi ngạt) và kỷ lục của chủ nghĩa cộng sản về số lượng (hơn 80 triệu nạn nhân), sau khi đã biết sự phá hoại về mặt lý trí và tình cảm mà cả hai hệ thống đã gây ra cho nhân loại, tôi nghĩ rằng chẳng nên thảo luận vấn đề này làm gì, ta phải trả lời một cách đơn giản và dứt khoát: chúng đều có tội như nhau.

Vấn đề là tại sao hôm nay, nghĩa là vào năm 1997, trí nhớ lịch sử của nhân loại lại đối xử với chúng khác nhau đến nỗi có cảm giác như chủ nghĩa cộng sản đã bị người đời bỏ quên.

Cách đối xử bất bình đẳng rõ ràng đến nỗi chẳng cần phải chứng minh. Ngay từ năm 1989, phe đối lập ở Ba Lan cùng với Nhà thờ đã đề nghị mọi người cùng quên đi quá khứ và cùng tha thứ. Tại phần lớn các nước vừa thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản, không thấy ai nói đến việc trừng phạt các nhà lãnh đạo cũ, những người đã giết người, đã tước quyền tự do, đã cướp bóc và lừa đảo các thần dân của họ suốt hai ba thế hệ. Trừ Tiệp và Đông Đức, tại tất cả các nước khác, các đảng viên cộng sản vẫn được tiếp tục tham gia vào các trò chơi chính trị và nhờ thế, đôi khi họ lại nắm được quyền lực. Tại Nga và các nước cộng hoà khác, các quan chức cảnh sát và ngoại giao vẫn được giữ nguyên chức vụ. Phương Tây đánh giá tích cực cuộc đại ân xá này. Chỉ một thời gian sau, các phương tiện thông tin đại chúng lại sẵn sàng nói đến “thiên anh hùng ca của chủ nghĩa cộng sản”. Tuy quá khứ của Đảng Cộng sản Pháp đã được trình bày một cách rõ ràng và có đủ cứ liệu chứng minh, nó vẫn chẳng gặp khó khăn gì trong việc hội nhập vào phong trào dân chủ của nước Pháp.

Ngược lại, damatio memoriac (sự nguyền rủa đời đời) chủ nghĩa Quốc xã không những không có thời hạn nào mà có vẻ như lòng căm thù của người đời đối với nó càng ngày lại càng lớn lên thêm. Các thư viện nói về tội ác của chủ nghĩa Quốc xã đã và đang được bổ sung thêm mỗi năm. Các viện bảo tàng và các cuộc triển lãm tiếp tục nhắc nhở người ta, mà như thế là đúng, về “sự khủng khiếp của tội ác”.

Xin theo dõi một số đề tài của một tờ báo lớn từ năm 1990 đến năm 1997 là năm tôi viết tác phẩm này. Chủ nghĩa Quốc xã được nhắc tới 480 lần, Chủ nghĩa Stalin – 7 lần, Oswiecim – 105 lần, Kolyma – 2 lần, Majdanek – 1, Kurpatư – 0 lần nào, Nạn đói ở Ukraine (năm 1933 có từ 5 đến 6 triệu người bị chết vì đói) – 0 lần nào.

Khi nói về cuốn sách mang tên Nhớ và quên của mình, Alfred Grosse tuyên bố: “Tôi đề nghị: phải áp dụng cùng một tiêu chí cho tất cả mọi người khi đánh giá trách nhiệm về những tội lỗi mà họ đã phạm trong quá khứ.” Dĩ nhiên là như thế, nhưng đây là điều rất khó, không phải với tư cách một quan toà mà với tư cách một nhà sử học bình thường, hôm nay tôi xin cố gắng giải thích các sự kiện sine ira et studia (một cách bình tĩnh và không thiên vị). Tôi không nghĩ là mình sẽ giải quyết được toàn bộ vấn đề. Chỉ xin đưa ra một số nhân tố:

1. Chủ nghĩa Quốc xã được nhiều người biết hơn là chủ nghĩa cộng sản vì các lực lượng đồng minh đã mở rộng cửa “các chỗ giấu xác người” và vì nhân dân nhiều nước Tây Âu đã trải qua giai đoạn nô dịch của chủ nghĩa Quốc xã. Tôi đã nhiều lần hỏi các sinh viên xem họ có biết gì về nạn đói do chính con người tạo ra ở Ukraine vào năm 1933 không. Hoá ra họ chưa nghe nói đến chuyện đó bao giờ. Tội ác của chủ nghĩa Quốc xã trước hết là việc thủ tiêu về mặt thể xác. Nạn nhân và nhân chứng, những người không buộc phải chấp nhận chủ nghĩa Quốc xã, không bị nó tiêm nhiễm về mặt đạo đức. Như vậy là tội ác của nó rất rõ ràng, ai cũng thấy. Các lò hơi ngạt được lập ra để giết một phần nhân loại là một sự kiện rõ ràng, trực tiếp. Còn GULag và lao cải thì lại dường như bị chìm trong sương mù và chỉ được biết đến qua những chứng cớ gián tiếp. Chỉ có một trường hợp ngoại lệ, đấy là nước Cămpuchia, ở đấy những nấm mồ tập thể đang được khai quật.

2. Nhân dân Do Thái tự nhận trách nhiệm ghi nhớ thảm hoạ. Đối với họ, ghi nhớ những cuộc đàn áp là trách nhiệm mang tính đạo đức, trách nhiệm tôn giáo liên quan đến sự vinh danh và lời thỉnh cầu Đức Chúa, Người đã hứa bảo vệ Dân Mình, Người trừng phạt sự bất công và tội ác. Nhân loại phải mang ơn trí nhớ của người Do Thái, họ chính là những người bảo vệ các kho lưu trữ về thảm hoạ. Điều bí mật nằm ở các dân tộc đã quên mà tôi sẽ nói tới sau.

3. Chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa cộng sản nằm trong một từ trường bị phân cực bởi các khái niệm tả khuynh và hữu khuynh. Đây là một khái niệm cực kỳ phức tạp. Một mặt, tư tưởng tả khuynh đồng nghĩa với việc các tầng lớp xã hội được tham gia dần dần vào các tiến trình chính trị dân chủ. Đồng thời cần phải ghi nhận rằng sự phát triển của giai cấp công nhân Mỹ đã làm cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa không còn hấp dẫn nữa, giai cấp công nhân Anh, Đức và các nước vùng Scadinavia đã lớn mạnh, với đa số các đại diện của mình trong nghị viện, đã quay lưng lại với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Ngay trước chiến tranh thế giới thứ II, chỉ có ở Pháp và Tiệp Khắc, cũng như sau này ở Italy, chủ nghĩa cộng sản có thể giành được chiến thắng cùng với phong trào công nhân và như vậy là có toàn quyền tham gia vào lực lượng cánh tả mà thôi. Xin nói thêm rằng: ở Pháp, có một số nhà sử học, thí dụ như Matier, những người hâm mộ cuộc Cách mạng vĩ đại Pháp đã làm việc so sánh Cách mạng tháng Mười năm 1917 với Cách mạng năm 1792 và so sánh cuộc khủng bố do những người Bolshevik và những người Jacobin tiến hành.

Mặt khác, nhiều nhà sử học sinh ra và trưởng thành trước chiến tranh vẫn giữ được cảm giác sống động về cội nguồn xã hội chủ nghĩa hay vô sản của chủ nghĩa phát xít Italy và Quốc xã Đức. Chứng minh cho điều đó là cuốn sách Lịch sử chủ nghĩa xã hội ở châu Âu của Eli Galevi xuất bản năm 1937. Tác giả dành hẳn chương ba của phần năm của tác phẩm để nói về chủ nghĩa xã hội ở nước Italy phát xít. Còn chương bốn là để nói về chủ nghĩa xã hội ở nước Đức Quốc xã. Chế độ này tự tuyên bố là theo đường lối chống tư bản, đã tịch thu tài sản của tầng lớp tinh hoa hay tiêu diệt chính tầng lớp này; như vậy là ngày hôm nay, chiếu theo một số tiêu chí, chế độ này có thể chiếm được vị trí mà nó không thể ngờ được, tức là vị trí trong lịch sử của phong trào xã hội chủ nghĩa.

4. Chiến tranh đã đưa các nước dân chủ tham gia liên minh quân sự với Liên Xô, và vì vậy đã làm giảm sức đề kháng đối với tư tưởng cộng sản mà vào lúc Stalin kí hoà ước với Hitler đã rất mạnh, cũng như đã tạo ra một sự rối loạn tri thức nhất định. Để một nước dân chủ chiến đấu hết mình thì đồng minh của nó phải được tôn trọng ở một mức độ nhất định, khi cần thiết người ta buộc phải gán cho nó một sự tôn trọng như thế. Với sự tiếp tay của Stalin, lòng dũng cảm của các chiến binh Liên Xô được coi là biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước, còn tư tưởng cộng sản thì được người ta cố tình che giấu đi. Khác với các nước Đông Âu, các nước phương Tây không phải chịu cảnh xâm lăng của quân đội Xô viết. Vì thế, người ta coi Hồng quân là quân đội giải phóng, tương tự như quân đội của các nước đồng minh khác, nhưng điều này trái ngược hẳn với quan niệm của người Ba Lan hay người dân các nước Baltic. Đại diện Liên Xô cũng tham gia vụ xét xử ở Nuremberg. Các nước dân chủ đã chịu nhiều tổn thất trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít. Sau đó, họ chỉ có thể đồng ý chịu những hi sinh tối thiểu để ngăn chặn sự bành trướng của chế độ Xô viết và khi nó sắp cáo chung, nhằm giữ sự ổn định, họ đã giúp đỡ để cho nó sống còn. Chế độ này đã tự sụp đổ, đã biến mất, vai trò của các nước dân chủ trong chuyện đó là không đáng kể.

5. Một trong những thành tựu của chế độ Xô viết là nó đã tuyên truyền và dần dần áp đặt được cách phân loại các chế độ chính trị hiện nay theo quan điểm tư tưởng của mình. Lenin đã giản lược thành sự đối đầu của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Cho đến những năm 30 của thế kỷ trước, Stalin vẫn giữ quan điểm về một thế giới lưỡng phân như thế. Chủ nghĩa tư bản hay còn gọi là chủ nghĩa đế quốc bao gồm các chế độ tự do và dân chủ-xã hội, phát xít và Quốc xã. Điều đó đã tạo điều kiện cho những người cộng sản Đức đánh đu giữa những người “phát xít – xã hội” và “Quốc xã”. Nhưng sau khi đưa ra nghị quyết về cái gọi là chính sách Mặt trận dân tộc thì các nước được phân thành: chủ nghĩa xã hội (nghĩa là Liên Xô), dân chủ tư sản (các nước tự do và dân chủ-xã hội) và cuối cùng là phát xít. Các chế độ như Quốc xã, phát xít Mussolini, các chế độ độc tài ở Tây Ban Nha, Áo, Hung, Ba Lan… và cuối cùng là các lực lượng cực hữu ở các nước dân chủ tự do đều bị coi là phát xít cả. Người ta đã xâu chuỗi Hitler với Jean Sharp (một quan chức cao cấp trong chính quyền Pháp trước chiến tranh và sau này có tham gia chính quyền tay sai phát xít Đức, có cảm tình với cánh cực hữu), Franco, Mussolini ..v..v.. Tính đặc thù của chế độ Quốc xã đã bị xoá nhoà. Thêm vào đó, chế độ này bị xếp vào cánh hữu và phủ bóng đen lên tất cả các lực lượng thiên hữu. Chế độ này trở thành cực hữu, trong khi Liên Xô trở thành lực lượng cực tả.

Điều đáng ngạc nhiên là cách phân loại như vậy đã thâm nhập và củng cố được vị trí của mình trong tư duy lịch sử ở nước Pháp. Xin xem mấy cuốn sách giáo khoa về lịch sử dành cho các trường trung và đại học. Cách phân loại thường được viết như sau: Chế độ Xô viết; các nước dân chủ tự do với các lực lượng cánh tả và cánh hữu; các chế độ phát xít, nghĩa là chế độ Quốc xã, chế độ phát xít ở Italy, chế độ của Franco ở Tây Ban Nha..v..v.. Đấy chỉ là cách trình bày “đã được mềm hoá” sự phân loại của Liên Xô mà thôi. Ngược lại, trong các cuốn sách giáo khoa này thật khó tìm thấy cách phân loại đúng đắn, đã được Hannah Arendt đề xuất vào năm 1951 và được tất cả các sử gia đương đại tán thành: Hai hệ thống toàn trị là chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Quốc xã, các chế độ tự do, các nhà nước chuyên chế (Italy, Tây Ban Nha, Hungary, các nước Mỹ La tinh). Cách phân loại như thế sẽ đưa chúng ta trở về với các tiêu chí cổ điển về các chế độ độc tài và áp bức, được mọi người biết đến từ thời Aristotle.

6. Số người có khả năng gìn giữ trí nhớ về chủ nghĩa cộng sản quả thật không nhiều. Chế độ Quốc xã chỉ tồn tại có 12 năm, trong khi chế độ cộng sản châu Âu kéo dài 50 đến 70 năm, tùy nước. Thời gian dài đã tạo ra hiệu ứng ân xá tự động. Trên thực tế, trong thời gian dài như thế xã hội công dân đã bị thủ tiêu, các tầng lớp tinh hoa đã bị tiêu diệt, bị thay thế hoặc bị cải tạo hết. Tất cả mọi người, từ trên xuống dưới đều đã tự thích nghi, đã phản bội, đã suy đồi về mặt đạo đức. Hơn thế nữa, đa số những người có khả năng tư duy đã không có kiến thức về lịch sử nước mình, đã không còn khả năng phân tích nữa. Khi đọc các tác phẩm đối lập, nghĩa là nền văn học chân chính duy nhất của nước Nga, ta chỉ nghe thấy những lời khẩn cầu đau xé tim gan, những mô tả đầy xúc động về cái thảm hoạ bất tận đó, nhưng không bao giờ gặp một sự phân tích mang tầm lý tính, mang tầm trí tuệ. Các nhà sử học trẻ Nga hiện nay không quan tâm đến giai đoạn đó, một giai đoạn đã được cho vào quên lãng và khinh khi. Xin nói thêm là nhà nước còn đóng cửa các kho lưu trữ. Môi trường duy nhất còn giữ được trí nhớ về chủ nghĩa cộng sản là phong trào gọi là dissident [2] , xuất hiện khoảng năm 1970. Nhưng phong trào này đã tan rã vào năm 1991 và không có khả năng tham gia vào chính quyền mới.

Khôi phục trí năng và nhận thức về đạo đức của nhân dân sau khi chế độ toàn trị tan rã là việc cực kỳ khó. Theo ý nghĩa này thì công việc ở nước Đức Quốc xã có nhiều thuận lợi hơn so với nước Nga hậu cộng sản. Ở Đức, xã hội công dân chưa bị phá sập hoàn toàn. Việc lên án, trừng phạt, phi phát xít hoá do quân đội đồng minh tiến hành đã giúp xã hội công dân tìm được sức mạnh để tham gia vào phong trào thanh tẩy lương tâm, lên án chính mình, giúp nó người ta ghi nhớ những việc đã làm và sám hối.

Đông Âu thì không như thế, phương Tây phải chịu một phần trách nhiệm trong chuyện này. Khi những người cộng sản Nga biến việc nắm giữ toàn bộ tài sản quốc gia thành tài sản tư nhân hợp pháp của chính họ, khi họ hợp thức hoá quyền lực của mình bằng một cuộc phổ thông đầu phiếu, khi họ thay chủ nghĩa Lenin bằng chủ nghĩa xô vanh nước lớn thì phương Tây đã im lặng, cho rằng đòi hỏi họ phải chịu trách nhiệm là không đúng chỗ. Không nên giúp nước Nga theo cách tồi tệ như thế. Việc những bức tượng của Lenin còn đứng trên tất cả các quảng trường của nước Nga là biểu hiện rõ ràng về sự ngộ độc của tâm hồn con người, phải nhiều năm nữa mới chữa được. Ở phương Tây, lời “giáo huấn” của Comintern đưa ra cho Mặt trận dân tộc vẫn chưa được được xoá bỏ hẳn. Việc đưa các tư tưởng của Lenin vào hàng ngũ cánh tả chắc chắn sẽ làm cho Kautsky, Bernstein, Léon Blum, Bertrand Russell, thậm chí ngay cả Rosa Luxemburg cũng sẽ tỏ thái độ khinh bỉ nếu các vị đó còn sống cho đến hôm nay. Chính vì việc làm sai lầm như thế mà hiện nay người ta vẫn coi đó là một sự hiểu lầm hay một trường hợp đáng tiếc trong phong trào cánh tả. Bây giờ, sau khi biến mất, nó lại tiếp tục được coi như là một dự án xứng đáng thực thi nhưng đã bị đưa vào con đường lầm lạc.

7. Việc quên chủ nghĩa cộng sản lại thúc đẩy người ta càng nhớ đến chủ nghĩa Quốc xã nhiều hơn và ngược lại, một trí nhớ trung thực và đơn giản cũng đủ để kết án cả hai chế độ này. Ở đây có cả đặc trưng của cái lương tâm không trong sáng đã tồn tại nhiều thế kỷ ở phương Tây: nguồn gốc của cái ác tuyệt đối bao giờ cũng xuất phát từ phương Tây. Nay quan niệm về vị trí địa lý của họ đã thay đổi. Nguồn gốc của cái ác bây giờ là Nam Phi với nạn phân biệt chủng tộc, là Mỹ với cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng trung tâm động đất vẫn là nước Đức Quốc xã. Nga, Triều Tiên, Trung Quốc, Cuba được coi là bên ngoài hay bị đẩy ra bên ngoài vì người ta đã nhắm mắt làm ngơ. Sự cắn rứt lương tâm đi kèm với quá trình này được bù trừ bằng sự cảnh giác không khoan nhượng, sự chú tâm không mệt mỏi vào tất cả những gì có liên quan đến chủ nghĩa Quốc xã mà trước hết là chính quyền Vichy ở Pháp trước đây và tất cả những tư tưởng sai lầm đang thối rữa trong một vài tổ chức cánh hữu ở phương Tây hiện nay.

Thế kỷ XX không chỉ có một lịch sử sát nhân kinh hoàng mà còn có đặc điểm là nhận thức lịch sử phải trải qua nhiều khó khăn mới lựa chọn được hướng đi đúng. Cái này là nguyên nhân của cái kia. G. Orwell đã nhận xét rằng nhiều người trở thành Quốc xã vì nỗi kinh hoàng có thể lý giải được khi thấy những việc mà cộng sản đã làm và nhiều người đã trở thành cộng sản vì nỗi kinh hoàng khi thấy những việc mà Quốc xã đã làm. Điều đó cảnh giác chúng ta về nguy cơ của những sự xuyên tạc lịch sử. Một sự xuyên tạc như thế đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta, và thật đáng buồn nếu cái lịch sử bị xuyên tạc như thế sẽ là di sản mà chúng ta để lại cho thế kỷ sau.

Nhưng tôi vẫn hy vọng. Phải cần nhiều năm, người ta mới nhận thức được đầy đủ chủ nghĩa Quốc xã vì nó là cái bất khả tưởng tượng, là cái mà trí não con người không thể hiểu được. Điều đó cũng có thể sẽ xảy ra với chủ nghĩa cộng sản, công việc mà nó đã làm cũng tạo ra một hố sâu đen ngòm mà con người không thể nào hiểu được, và giống như Oswencim, công việc đó đã được che giấu bởi sự khó tin, khó tưởng tượng và không thể hình dung nổi. Thời gian, một trong các chức năng của nó là phát hiện ra sự thật, có thể sẽ làm được nhiệm vụ của mình.



Bản tiếng Việt © 2007 talawas

________________________________________
[1]Arcady, vùng đất thuộc Hy Lạp, nơi dân chúng chỉ làm nghề trồng trọt và chăn nuôi, không quan tâm đến công nghiệp và khoa học, nghệ thuật (ngoại trừ ca nhạc) và rất hiếu khách. Được các nhà thơ sau này ví với thiên đường trên cõi thế.

[2]Dissident, nghĩa rộng là để chỉ những người chống lại các quan điểm, các nguyên tắc, các cơ chế đã đứng vững, nhưng thường được dùng theo nghĩa hẹp để chỉ những nhà hoạt động chính trị chống lại các chế độ độc tài, toàn trị.

Nguồn: Dịch từ bản tiếng Nga, МИК” – “Русская мысль; Москва-Париж, 2000.

No comments:

Post a Comment