Pages

May 16, 2017

Chủ nghĩa tự do cá nhân và chủ nghĩa tự do cổ điển – Một dẫn nhập ngắn

Daniel Klein

Phạm Nguyên Trường dịch

Adam Smith (1723-1790), người khơi mào cho triết lí tự do

Quyền tự do là vấn đề quan trọng nhất đối với những người theo phái tự do cá nhân (libertarian) và những người theo phái tự do cổ điển (classical liberal). Có thể tóm tắt như là cá nhân, tài sản và sự thỏa thuận, là quyền của mỗi cá nhân mà những người khác được giả định là không được can thiệp vào.


Giả sử người hàng xóm của bạn khẳng định rằng anh ta được quyền nhận 25% thu nhập của bạn và giơ khẩu súng lên để chứng tỏ anh ta muốn gì. Hay, giả sử anh ta nói rằng bạn không được thuê người làm với mức lương thấp hơn ngưỡng nào đó, hay bạn chỉ có thể thuê các thợ làm đường ống nước trong danh sách những người thợ đặc biệt do anh ta đưa ra. Chúng ta sẽ coi người hàng xóm đó là tội phạm vì đã có những hành động cưỡng bức. Những người theo phái tự do cá nhân và những người theo phái tự do cổ điển nói rằng nếu chính phủ làm như thế thì đấy cũng là cưỡng bức.

Vâng, chính phủ là loại tay chơi đặc biệt trong xã hội, hành động cưỡng bức của nó khác với hành động cưỡng bức của bọn tội phạm. Hành động cưỡng bức của chính phủ diễn ra một cách công khai, được thiết chế hóa, được hợp lí hóa một cách công khai, thậm chí còn được phần đông dân chúng ủng hộ. Những vụ cưỡng bức này được gọi là can thiệp hay hạn chế hay quy định hoặc thuế khóa chứ không phải là tống tiền, tấn công, trộm cắp hay lạm dụng. Nhưng, những người theo phái tự do cá nhân nói, đấy vẫn là cưỡng bức.

Đây là điều quan trọng vì công nhận nó giúp người ta giữ vững giả định này trong cuộc đấu tranh nhằm chống lại sự cưỡng bức của chính phủ, giữ vững niềm tin vào tự do. Những người theo phái tự do cá nhân cho rằng nhiều biện pháp cưỡng bức, trên thực tế, không có đủ chứng cớ để có thể vượt qua được giả định này. Nhiều biện pháp can thiệp phải được rút lại, bãi bỏ, hay hủy bỏ.


Tự do hóa

Do đó, những người theo phái tự do cá nhân và tự do cổ điển ủng hộ tự do hoá các công việc xã hội. Đấy là giả định tổng quát: không chí đối với lĩnh vực kinh doanh, việc làm và thương mại, mà còn đối với việc sở hữu súng và các vấn đề “xã hội” như ma túy, tình dục, ngôn luận và hiệp hội tự nguyện. Nó làm cho người theo phái tự do cá nhân khác những người cánh tả - ủng hộ những hạn chế về “kinh tế” - và người bảo thủ - ủng hộ những hạn chế về “đạo đức”.

Những người theo phái tự do cá nhân và những người theo phái tự do cổ điển ủng hộ chính phủ gọn nhẹ hơn. Các hoạt động của chính phủ, như trường học, dựa vào các khoản thuế khóa hay đặc quyền đặc lợi (và đôi khi thu phí). Ngay cả nếu không nói đến bản chất cưỡng bức của thuế khóa thì những ngưới theo phái tự do cá nhân cũng không thích chính phủ đóng vai trò to lớn như thế trong các vấn đề xã hội, vì những ảnh hưởng không lành mạnh về đạo đức và văn hoá của những hoạt động đó. Họ ủng hộ những cuộc cải cách về lựa chọn trường học và có xu hướng chống lại việc tái phân phối và chống lại nhà nước phúc lợi.

Người người theo phái tự do cá nhân có thể là những người cấp tiến đến mức cực đoan, đến mức tin rằng tự do là một loại đạo và một tiên đề. Một số người còn mường tượng ra nơi chốn thuần túy tự do. Nhưng thuật ngữ tự do cá nhân (libertatian) có thể dùng để mô tả quan điểm tôn trọng hiện trạng (status quo) và nhưng vẫn hướng tới tự do hoá, tức là hướng hướng tới củng cố tự do, ngay cả khi đấy chỉ là những cuộc cải cách nhỏ hay ôn hòa. Như vậy là, những người theo phái tự do cá nhân có thể là người ôn hòa hay cấp tiến, có tính định hướng hay định mệnh. Họ có thể thỏa thuận và họ cũng có thể thách thức.

Tự do hoàn toàn

Tuyệt đại đa số những người theo phái tự do cá nhân và những người theo phái tự do cổ điển công nhận rằng, đôi khi phải hi sinh tự do vì lợi ích của chính tự do. Một chính sách thu hẹp một cách trực tiếp tự do có thể làm cho tự do gia tăng. Những người theo phái tự do cá nhân thường tranh cãi với nhau về những vấn đề như nhập cư, chính sách đối ngoại, chính sách vũ trang, nạn ô nhiễm và các hoạt động tài chính mà người đóng thuế phải gánh chịu.

Ở đây, chúng ta có thể giải thích một số khác biệt giữa những người theo phái tự do cá nhân và những người bảo thủ, tức là những người cũng trân trọng tự do: Những người theo phái tự do cá nhân cho rằng những người bảo thủ cường điệu sự bất đồng giữa tự do trực tiếp và tự do hoàn toàn, còn những người bảo thủ thì cho rằng những người theo phái tự do cá nhân cường điệu sự hòa hợp của chúng. Những người bảo thủ thường ủng hộ, ví dụ, những biện pháp hạn chế nhập cư hay gia tăng các khoản chi tiêu cho lĩnh vực quân sự hơn là những người theo phái tự do cá nhân.

Điểm khác biệt quan trọng nữa giữa những người theo phái tự do cá nhân và những người bảo thủ là từ bảo thủ (conservative) được nhiều người cho là luật của đảng Cộng hòa (Republican). Những người bảo thủ tham gia nhiều hơn vào cuộc tranh giành quyền lực. Những người theo phái tự do cá nhân đôi khi gặp gỡ nhau như những lý thuyết gia, không quan tâm đến cuộc đấu tranh giành quyền lực và quá trình tiến hành cải cách. Họ bị cáo buộc là thỏa mãn với việc ủng hộ tự do hóa, nhưng không giúp thực hiện các cuộc cải cách. Những người theo phái tự do cá nhân đáp lại bằng cách nói rằng quan điểm thấu triệt và hiểu biết là điều kiện tiên quyết cho cải cách, và nghiên cứu và học tập là điều kiện cực quan trọng để có thể lãnh đạo một cách khôn khéo.

Nguyên tắc tự do có những lỗ hổng, những khu vực xám và những ngoại lệ; nó không nói đến tất cả những vấn đề quan trọng của chính phủ, và đây không phải là tự biện minh. Mặc dù có những hạn chế như thế, quan điểm này vẫn có sức thuyết phục và là xương sống cho tư tưởng tự do cá nhân và tự do cổ điển.

Chủ nghĩa tự do chưa bị từ bỏ

Ý nghĩa chính trị ban đầu của từ tự do (liberal) xuất hiện trong những năm 1770, nổi bật nhất trong số những người khơi mào cho luồng tư tưởng này là Adam Smith. Nhưng, trong giai đoạn từ năm 1880 đến năm 1940, nhiều từ tiếng Anh bị mất hoặc thay đổi ý nghĩa, trong đó có thuật ngữ tự do. Thời hậu chiến, quá trình phục hồi những tư tưởng tự do cổ điển, do những người như như Friedrich Hayek và Milton Friedman dẫn dắt - hiện nay đôi khi được gọi là tự do cá nhân (libertarian). Nổi bật nhất trong số những người ủng hộ chủ nghĩa tự do cá nhân là Murray Rothbard, ông cũng chính người đã đưa ra thuyết chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism).

Nhưng, một lần nữa, thuật ngữ libertarian lại có ý nghĩa quan trọng đối với tư duy mang tính công thức của Murray Rothbard và tư duy ít tính công thức hơn của Hayek, Friedman, Richard Epstein, Deirdre McCloskey và các tổ chức như Quỹ Giáo dục Kinh tế (FEE), Học viện Cato (Cato Institute), Lí tính (Reason) và một số nhóm ở Đại học George Mason (George Mason University).

Mỹ có hệ thống bầu cử lưỡng đảng, trong đó các các đảng thứ ba tự gây ra thiệt hại cho chính mình. Vì lý do đó, nhiều người theo phái tự do cá nhân và tự do cổ điển không ủng hộ Đảng Tự do Cá nhân (Libertarian Party). Không nên coi sự nhỏ bé của Đảng Tự do Cá nhân là chỉ dấu về tình cảm đối với thuyết tự do cá nhân.

Nhiều người có cảm tình với tự do cá nhân hoàn toàn không tham gia bầu tử, có người bầu cho Cộng hòa, có người bầu cho Dân chủ. Hầu hết những người theo phái tự do cá nhân nghĩ rằng Đảng Cộng hòa không đến nỗi tệ như Đảng Dân chủ, nhưng một số người theo phái tự do cá nhân lại nghĩ ngược lại.

Daniel Klein là giáo sư kinh tế học ở Đại học George Mason (George Mason University), và cộng sự tại Viện Ratio (Ratio Institute - Stockholm). Ông là tác giả cuốn Knowledge and Coordination: A Liberal Interpretation biên tập viên tờ Econ Journal Watch.

Nguồn: https://fee.org/articles/libertarianism-and-classical-liberalism-a-short-introduction/

No comments:

Post a Comment