Pages

April 26, 2017

Thi ca xứ này

Trần Ngọc Cư

Đôi lời phi lộ: Không ngờ, câu NGƯỜI VIỆT NAM NÊN ÍT LÀM THƠ ĐI THÌ HƠN, mà tôi viết trên facebook cá nhân cách vài ngày lại tìm được một tâm hồn đồng điệu ở cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất: bác Trần Ngọc Cư, hiện đang sống ở Mỹ. Chẳng những đồng điệu, bác còn gửi cho bài viết khá công phu về tình hình thơ ở Mỹ. Xin đăng lên đây để mọi người cùng tham khảo.

Tổng thống Barack Obama trích dẫn truyện Kiều ở Hà Nội

Chúng ta thường nghĩ rằng ở trong mỗi tâm hồn Việt Nam đều có một thi sĩ, hay nói cách khác, người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong bầu khí văn hoá ra-ngõ-gặp-thi-nhân. Đầu đời là những câu ca dao mẹ hát ru con, cuối đời là câu kinh tiếng kệ, những lời nguyện cầu, đều là thơ cả. Làm thơ và thưởng thức thơ là một sinh hoạt trí thức phổ biến trong nếp sống văn hóa Việt Nam. Người Việt khi ra định cư ở nước ngoài cũng mang theo ít nhiều hành trang văn hoá này, mặc dầu hiện nay lòng yêu thích thi ca chỉ còn được biểu hiện rõ nét ở những người lớn tuổi, nói chung là những người khi rời quê hương cũng đã được trang bị một ít vốn liếng Việt văn, tiếp thu được từ chương trình trung học, khả dĩ cảm nhận thấm thía khi nghe câu hát "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời..." của nhạc sĩ Phạm Duy. Nhan nhản trong các tạp chí bày bán hoặc tặng biếu ở các khu thương mại hoặc trên các báo điện tử của người Việt đều có trang thơ. Trong các cộng đồng người Việt rải rác trên đất Mỹ, nếu chịu tò mò một chút chúng ta cũng có thể phát hiện một số hội thơ.


Nắm bắt được tấm thịnh tình người Việt dành cho thi ca, nhiều lãnh đạo Mỹ, từ Bill Clinton, đến Joe Biden, và gần đây Barack Obama, đã trích dẫn truyện Kiều mỗi khi có dịp tiếp xúc với lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.[1]

Với tình yêu nồng nàn đối với thi ca của một tâm hồn Việt Nam, liệu chúng ta có thể "suy bụng ta ra bụng người" được không? Trong bài này chúng tôi sẽ điểm qua tình hình thi ca hiện nay tại Mỹ, hay đặt vấn đề một cách cụ thể: Người Mỹ có còn thích đọc thơ hay không?

Nói ra thì nghe thật bẽ bàng, nhưng đối với người Mỹ, dù là người ở ngoài đường phố hay là một trí thức chuyên gia, thi ca là một loại hình văn chương đang trên đường đi tới chỗ diệt vong. Nàng Thơ đang vào cõi chết, nhưng chẳng mấy ai “sẵn mối động tâm”. Khó mà tưởng tượng được người Mỹ có thể sống trong một thế giới không có phim ảnh, kịch nghệ, hài, tiểu thuyết và âm nhạc; nhưng nếu phải ở trong một thế giới thiếu vắng thi ca thì họ vẫn điềm nhiên theo đuổi hạnh phúc trần thế, chẳng có gì băn khoăn thắc mắc. Sau khi rời ghế nhà trường, là nơi bị cưỡng chế phải học Thơ, cả hàng chục năm trong cuộc đời trưởng thành của một người Mỹ chưa chắc đã có mấy ai chịu cầm lấy một tập thơ hay một bài thơ để “thưởng thức”. Từ người lao động đến các nhà khoa bảng, chẳng mấy ai có đủ tự tin để kể được tên một thi sĩ lớn hiện đang còn sống, mặc dù ai cũng có thể nói vanh vách cho bạn nghe tên các cầu thủ, các tài tử điện ảnh, các tỉ phú, các tiểu thuyết gia mà họ hâm mộ.

Xin đừng vội nghĩ người Mỹ không thích đọc sách, mà nên nghĩ ngược lại. Trên ghế đá công viên, trên máy bay, trên các phương tiện di chuyển công cộng, số người có quyển sách giấy hay một máy vi tính trên tay vẫn là con số đáng kể. Mỗi lần đi xa bằng phương tiện máy bay hay xe lửa, tôi luôn luôn có ấn tượng về không khí yên ắng chung quanh, trong đó đa số hành khách chăm chú đọc sách chứ không chuyện trò trao đổi ồn ào với người ngồi bên cạnh. Do nhu cầu đọc sách của đại chúng một best seller (sách bán chạy nhất) được phát hành hàng triệu cuốn là chuyện bình thường.

Nếu Nàng Thơ xứ Cờ Hoa đã chết thì ai là thủ phạm? Văn học sử cho thấy Thế kỷ 19 vẫn còn là một thời hoàng kim của Thi ca. Những nhà thơ như Byron và Tennyson nổi tiếng chẳng khác gỉ các siêu sao nhạc rock bây giờ. Theo Dana Gioia, Chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ Nghệ thuật Quốc gia (The National Endowment of Arts), “[mỗi] tờ báo Mỹ đều có đăng thơ. Vào cuối đời của thi sĩ Longfellow, ngày sinh nhật của ông được ăn mừng như một ngày lễ quốc gia.”[2]Các tác phẩm thơ của Walt Whitman giữa Thế kỷ 19 được ca ngợi là những thiên anh hùng ca của tinh thần tự do, bình đẳng và dân chủ Mỹ.

Nhưng thế kỷ 20 chứng kiến sự ra đời của Chủ nghĩa Hiện đại (Modernism) cùng với các thi sĩ sáng giá nhưng bí hiểm như T. S. Eliot và Ezra Pound. Từ đó thi ca không còn là nhạc thịnh hành cấp cao mà càng ngày mỗi bài thơ càng trở thành một bài toán chờ người giải đáp. Thi ca trở thành tài sản của những kẻ rởm đời và của các vị giáo sư. Người ta bắt đầu cảm thấy đọc thơ cũng nhọc nhằn như học sinh làm bài tập. Do đó, Thi ca trở thành một bộ môn được giảng dạy chứ không còn là một bộ môn nghệ thuật để thưởng thức. Trong tuần báo Newsweek, số ra ngày 5 tháng 5, 2003, Bruce Hexter đã bày tỏ nỗi bức xúc với các nhà thơ: "Là một người ham mê đọc sách, tôi thậm ghét việc đọc thơ. Mỗi lần phải cày qua các ngụ từ, các biểu tượng là một lần tôi lại thắc mắc là tại sao các ông thi sĩ mắc dịch (the damn poets) không nói huỵch toẹt cái điều họ muốn nói ra.” Người trí thức Mỹ đâm ra ngại ngùng khi phải ngồi giải mã một bài thơ.

Sự chuyển biến trong đời sống văn hóa của xã hội Mỹ trong mấy thập niên qua không mấy thuận lợi cho thi ca. Đã xa rồi cái thời người ta trải chiếu hoa cho các nhà thơ. Hình ảnh thi sĩ Robert Frost được mời đọc thơ trong ngày John F. Kennedy nhậm chức Tổng thống đi vào lịch sử như một biểu tượng của nỗ lực "chiêu hiền đãi sĩ," xiển dương văn hóa, khoa học kỹ thuật, hướng về một “tân biên cương”, qui tụ dưới trướng cuả mình những "người tài giỏi nhất và thông minh nhất" (“the best and the brightest"). Các nhà phê bình thường gọi Chính quyền Kennedy là một Camelot, theo tên triều đình Camelot của vua Arthur trong huyền sử nước Anh, ở đó ý thức thẩm mỹ và giác ngộ trí tuệ được đề cao và lý tưởng hoá. Thi ca được coi là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự vận dụng của một tri thức tổng hợp, theo đó người thưởng thức phải có trình độ nắm bắt các biểu tượng, hiểu được các điển tích, các ngụ từ mới có thể tiếp thu thông điệp của một bài thơ và thưởng thức cái ý vị của nó.

Nhưng bước qua hai thập niên 70 và 80, văn hoá Mỹ trở nên chân phương (prosaic) hẳn ra so với thời kỳ hào nhoáng và đỏm dáng của J. F. Kennedy. Tính hàm hồ, phức tạp và nghịch lý bị thất sủng, trong khi sự trong sáng giản dị được đề cao trong lãnh vực truyền thông. Đây là thời đại của Ronald Reagan, “nhà Truyền thông Vĩ đại” (the Great Communicator), trong đó văn hoá Mỹ ôm lấy nghĩa đen hơn là chạy theo nghĩa bóng -- the literalization of America (chân phương hóa nước Mỹ). Người ta đâm ra dị ứng với quan niệm “ý tại ngôn ngoại”, ý thơ nằm ngoài ngôn ngữ, mà trước đó thường được các nhà thơ hiện đại rao giảng, tiêu biểu là ý kiến của William Butler Yeats (1865-1939) cho rằng: “Những gì có thể giải thích thì không còn là thơ” (What can be explained is not poetry)[3] hay như quan điểm của Archibald MacLeish (1892-1982): “Một bài thơ phải là vô ngôn/ Như đàn chim bay qua" (A poem should be wordless/ As the flight of birds)[4]. Cũng nên nói thêm, trong quan niệm thi ca hiện đại, mỗi bài thơ được coi như một hiện thể có đời sống riêng của nó, không cần phải nói lên một điều gì. “A poem should not mean/ But be.”[5] Lối tư duy này về thi ca không phục vụ nhu cầu truyền thông đại chúng (mass media) từ cuối Thế kỷ 20 cho đến nay. Mà thực vậy, không mấy chính trị gia trong thời kỳ này còn trích dẫn thơ của các thi sĩ đương thời trong diễn văn của mình và một thiểu số rất nhỏ các thi sĩ thành danh cũng dần dần khuất bóng trên văn đàn. Thật vậy, thập niên 60 đã chứng kiến sự ra đi của ba nhà thơ lớn là Robert Frost (1874-1963), Carl Sandburg (1878-1967) và Langston Hughes (1921-1967); tiếng chuông chiêu hồn của những vị này cũng là hồi chuông báo tử cho thi ca Mỹ.

Vào khoảng thập niên 90, Nàng Thơ coi như trút xong hơi thở cuối cùng trong văn học Mỹ. Trong các loại hình văn nghệ hiện nay, thi ca có số người viết vượt quá xa so với số người chịu bỏ tiền ra mua và bỏ thì giờ ra đọc. Một tập thơ bán chừng 30 bản (copy) được coi là best seller. Trong đẳng cấp của các bộ môn văn hoá, thi ca nằm gần chót bẹt, dưới nhạc cổ điển và chỉ trên môn nhảy giậm chân (clogging) của mấy thế kỷ trước. Tuy vậy, công bình mà nói, thỉnh thoảng vẫn có một số bài thơ tìm được ánh hào quang của một thời xa xưa, nhưng phải nằm trong thân phận của một kẻ quá giang. Chẳng hạn, bài thơ “Funeral Blues” của W. H. Auden là một viên ngọc trong phim Four Weddings and a Funeral. Thi ca trong trường hợp này được ví như một loại rau được nấu chung với những món khác cho hợp khẩu vị, chứ ít khi được thưởng thức riêng biệt.

Có lẽ bất cứ ai cũng viết được một bài thơ "con cóc". Nhưng muốn thưởng thức một bài thơ hay, theo quan điểm hiện đại, người đọc phải có một trình độ tri thức tổng hợp và phải có đủ đam mê. Trong thời đại thông tin Internet này, không ai có đủ kiên trì để ngồi đọc một bài thơ đến hàng chục lần trước khi âm điệu thấm vào cảm quan và ý nghĩa đi vào tâm thức. Người đọc không cho phép những con chữ đến với mình như nước đổ lá môn, không để lại một dấu ấn nào cả; người ta kỳ vọng ý nghĩa một bài thơ phải triển khai mạch lạc, vừa rõ ràng vừa xâm nhập tâm tư nhanh nhạy. Điều mà mọi người mong muốn là một thể văn kể chuyện (narrative-driven), một loại hình nghệ thuật tự đứng một mình (stand-alone art), không đòi hỏi người thưởng ngoạn phải có trình độ vừa bao quát vừa sâu sắc để nắm bắt một văn cảnh quá rộng lớn như thi ca.

Cuộc sống ngày càng đa dạng và con người bị phân tán mỏng bởi nhiều lực hấp dẫn khác nhau, ngay cả trong sinh hoạt văn nghệ. Điện ảnh, âm nhạc, tiểu thuyết, kịch nghệ, thông tin Internet và sự nở rộ các phương tiện truyền thông bằng văn nói đã giành mất chỗ đứng của thi ca. Đối với tuyệt đại đa số độc giả Mỹ, có lẽ thi ca đã làm xong vai trò lịch sử của nó và đang đi vào màn đêm dĩ vãng. Thi ca được thiết kế cho một thời đại trong đó người ta có đủ nhàn tản và tập trung để trau chuốt, nâng niu, nhâm nhi từng con chữ, mà nhiên hậu đã đưa nghệ thuật này đến dạng thức cao nhất của văn viết. "Thi ca là nghệ thuật lựa chọn và sắp đặt những biểu tượng theo một cung cách có thể kích thích trí tưởng tượng mạnh mẽ và kỳ thú nhất", như William Current Bryant nhận xét[6]. Thi ca trên hết là nơi tập trung sức mạnh của ngôn ngữ, có khả năng diễn đạt mối quan hệ thiết tha nhất giữa nội tâm và ngoại giới. Nếu đọc những bài thơ giá trị được viết ra trong thời vàng son của thi ca, nhiều người vẫn cảm nhận sức mạnh đích thực của thi ca - những bài thơ có khả năng đánh động tim óc của người đọc trong những cách thế mà các nhà làm phim hiện nay chỉ biết mơ tưởng mà thôi. Thi ca là phương tiện chuyển tải con người đến những tầng cao của cảm thức, cao hơn bất cứ một loại hình nghệ thuật nào có thể làm được trong chức năng này. Nhưng chính trên đỉnh cao, thi ca trở nên cô đơn và đánh mất người đọc, vì thi ca đòi hỏi quá nhiều ở người làm thơ cũng như người đọc thơ.

Một nguyên nhân khác giải thích lý do Thi ca mất tính đại chúng là các thi sĩ Hiện đại quá chú trọng đến việc thể nghiệm các hình thức thi ca, “nghệ thuật vị nghệ thuật”, chứ không thiết tha chuyển tải một thông điệp nào đó đến người đọc hay phục vụ nhu cầu thưởng thức của họ. John Barr, một nhà thơ và là giảng viên dạy viết văn tại Sarah Lawrence College, New York, lên tiếng chỉ trích những chương trình của Viện Bảo tàng Mỹ thuật (Museum of Fine Arts), cho rằng cơ quan này đã sản sinh ra những thi sĩ háo danh và thiếu cá tính, “được nuôi dưỡng bởi một mạng lưới tài trợ và bao cấp, mà người thụ hưởng khỏi phải viết ra những tác phẩm để độc giả không chuyên môn có thể thưởng thức và chịu bỏ tiền ra mua”.[7]

Nàng Thơ đã chết, nhưng chẳng phải là với “cảnh hương tàn bàn lạnh” đâu nhé. Trong môn Văn ở trung học vẫn còn một đề tài mà học sinh không mấy ưa, đó là Thi ca. Trong văn giới vẫn còn lác đác một số nỗ lực, dù vô vọng, nhằm giành lại chỗ đứng cho thi ca trên bầu trời nghệ thuật Mỹ.

Tháng 11 năm 2003 bà tỉ phú Ruth Lilly, 87 tuổi, người thừa hưởng gia tài kếch sù của nhà đại tư bản ngành dược Eli Lilly, đã làm một nghĩa cử vô tiền khoáng hậu là trao tặng 100 triệu đô-la cho nguyệt san Thi Ca (Poetry Magazine), một tờ báo có uy tín nhưng đã từ chối đăng thơ của bà suốt nhiều năm. Nhưng bà không lấy đó làm điều, mục đích của bà là phục sinh một loại hình nghệ thuật đã mất hậu thuẫn và sự quan tâm của quần chúng. Trước khi có được quà tặng này, tờ báo trả nhuận bút mỗi dòng thơ được đăng là 2 đô-la, dù tác giả là một nhà thơ từng được giải Nobel đi nữa. Sự thù lao này quả đã phản ánh lời than thở của thi sĩ Tản Đà ở nước ta vào đầu Thế kỷ 20, "Văn chương hạ giới rẻ như bèo."

Dù có những tấm lòng vàng như bà Lilly, nhưng không mấy ai tin tưởng tiền bạc có thể thay đổi bộ mặt của một loại hình nghệ thuật không đáp ứng yêu cầu thưởng thức của đại chúng.

Do đó, một nỗ lực khác được đề xuất là tạo tính tiêu khiển hoặc chức năng sử thi của Thơ để lấy lại sự ái mộ của người đọc. Theo quan điểm này, điều mà thi ca thật sự cần đến là một nhà thơ có thể đạt được những thành tích mà Andy Warhol[8] đã thể hiện trong phong trào nghệ thuật thị giác (the visual art movement), còn gọi là nghệ thuật quần chúng (pop art), trong thập niên 1960. Đấy là làm cho Nàng Thơ trở nên khêu gợi, tươi mát và dễ tiếp cận, chứ không còn đỏm dáng, bí ẩn, và cô đơn trên một chiếc bệ quá cao, vượt lên trên tầm ngắm của mọi người.


Cước chú:

[1] Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton trích dẫn hai câu Kiều sau đây trong tiệc chiêu đãi do Chủ tịch nước Trần Đức Lương chủ trì: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.” Khi tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng tại Washington năm 2015, Phó Tổng thống Joe Biden trích dẫn hai câu Kiều đặc biệt có ý nghĩa đối với tiến trình cải thiện quan hệ đối tác giữa hai nước cựu thù: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngỏ vén mây giữa trời.” Tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tháng Năm 2016, Tổng thống Barack Obama kết thúc bài phát biểu như gửi gắm lòng mình với giới trẻ Việt Nam qua hai câu: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin còn một chút này làm ghi.” Nghịch lý là, ngay tại Mỹ các chính khách ngày nay không còn trích thơ trong các bài diễn văn đọc trước hội trường hay công chúng.

[2]Time Magazine, 7 tháng Sáu 2007.

[3]William Butler Yeats. Nhớ lại lời cha của ông. Trích dẫn trong Carl Sanburg, “Notes for a Preface,” Complete Poems, 1950.

[4]Archibald MacLeish. “Ars Poetica,” Streets in the Moon, 1926.

[5]Như trên.

[6]William Cullen Bryant. “The Nature of Poetry,” lecture [bài giảng], tháng Tư 1825.

[7]Time Magazine, 7 tháng Sáu 2007.

[8]Andy Warhol (1928-1987): hoạ sĩ và nhà làm phim, nổi tiếng với nghệ thuật đại chúng (pop art). Ông vẽ lại hình các sản phẩm của hãng Campell Soup, Coca Cola, chân dung Marylyn Monroe, Troy Donahue và Elizabeth Taylor… Ông lấy đề tài hội hoạ từ hình ảnh của báo chí, như đám mây hình nấm do bom nguyên tử tạo ra, hay chó của cảnh sát tấn công những người biểu tình đòi nhân quyền. Người thưởng ngoạn nhìn vào tác phẩm là nhận ra ngay ông muốn nói gì, vì thế tác phẩm của ông có sức thu hút rộng rãi. Những nhận định sau đây của ông đối với Coca Cola cũng thường được trích dẫn như triết lý nghệ thuật dân chủ của ông: “Điều kỳ vĩ về quốc gia này là, Mỹ quốc đã khởi động một truyền thống theo đó kẻ giàu nhất cũng tiêu thụ cùng một sản phẩm với người nghèo nhất. Nếu bạn xem TV và thấy quảng cáo về Coca Cola, bạn sẽ biết ông Tổng thống uống Coca Cola, Liz Taylor uống Coca Cola, và bạn cứ nghĩ đi, chính bạn cũng uống Coca Cola. Một chai coke là một chai coke; không có một món tiền nào có thể mua cho bạn một chai coke ngon hơn cái chai coke mà thằng du côn đang uống ở góc đường. Tất cả các chai coke đều giống nhau và tất cả các chai coke đều ngon như nhau. Liz Taylor biết điều đó, ông Tổng thống biết điều đó, tên vô lại biết điều đó, và chính bạn cũng biết điều đó”. Nguyên văn: “What's great about this country is that America started the tradition where the richest consumers buy essentially the same things as the poorest. You can be watching TV and see Coca Cola, and you know that the President drinks Coca Cola, Liz Taylor drinks Coca Cola, and just think, you can drink Coca Cola, too. A coke is a coke and no amount of money can get you a better coke than the one the bum on the corner is drinking. All the cokes are the same and all the cokes are good. Liz Taylor knows it, the President knows it, the bum knows it, and you know it.”


2 comments:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete