Pages

April 20, 2017

CUỘC THẢO LUẬN PHẠM NGUYÊN TRƯỜNG – NGUYỄN HOÀNG ĐỨC VỀ DANH XƯNG TÁC GIẢ-DỊCH GIẢ

Đôi lời phi lộ: Cuộc thảo luận này diễn ra trên Facebook cách đây 2 năm. Nay đọc lại thấy cũng có một vài điểm thú vị, lưu lại ở đây làm tài liệu tham khảo. Các đề mục do chủ blog đặt.

Phạm Nguyên Trường – Dịch giả không phải là tác giả


Nhân việc friend Paul Nguyễn Hoàng Đức nói có thể coi một số dịch giả là đồng tác giả, xin trình bày ý kiến như sau. Tác phẩm lớn là ở chỗ có tư tưởng, có triết học trong đó. Vì có triết học cho nên tác phẩm mới chinh phục được người đọc thuộc nhiều thế hệ, chinh phục được người đọc ở những nền văn hóa khác nhau, ở những thời đại khác nhau. Thế mà theo đánh giá của mình thì nước Nam ta nói chung là không có triết học, không có tác phẩm triết học và cũng chẳng có người nào thực sự xứng đáng để gọi là triết gia. Ví không có triết học cho nên chúng ta mới hành động như những kẻ say rượu, ta hết tự hào là tiền đồn của phe này phe kia, lại chuyển sang tự hào là đánh thắng hai đế quốc to… rồi khi biết rõ là “Chân dép lốp bay vào vũ trụ/Khi trở về ta lại là ta” thì ta lại tự hào về cái bánh trưng to nhất, tô hủ tiếu to nhất, lá cờ phật to nhất, hay VN là cường quốc thơ… Nói chung là nhảm nhí cả. Còn văn thơ của chúng ta, nói chung cũng đều thuộc loại “Thơ ông tang tính tang tình/Cây đa bến nước mái đình vườn dâu”, chẳng có gì nhiều để mà đem khoe với thiên hạ. Trong cái tình hình như thế, hiểu được một phần hay vài phần các tác giả lớn đã là quý hóa lắm rồi, đã là đáng tự hào lắm rồi. Xin hỏi: người dịch nào dám tự nhận là đồng tác giả với Shakespeare, Lev Tolstoy, Dostoevsky, Kafka, G. Orwell, Marquez, Gunter Grass… ? Cho nên mình nghĩ khen một người dịch giỏi cũng chỉ nên nói: giỏi, giỏi quá, thậm chí: cực kì giỏi.. chứ không nên gọi là đồng tác giả. Còn những người tự nhận là đồng tác giả (của những tác phẩm lớn) thì e rằng, nói một cách nhẹ nhàng là có sự tự tin thái quá. Người sáng tác, dù có tang tính tang tình kiểu nào đi nữa thì đấy cũng là tang tính tang tình của anh ta, chưa ai tang tính tang tình như thế, cho nên vẫn là tác giả; còn người dịch thì chỉ là dịch giả thôi, không thể là đồng tác giả được.

Mình chẳng ưa gì cái ông Khổng Khâu, nhưng câu này thì ông ấy nói đúng: “Danh có chính thì ngôn mới thuận, ngôn có thuận thì việc mới thành”. Theo mình chính danh là rất quan trọng các friends ạ.

Paul Nguyễn Hoàng Đức - ĐỐI THOẠI VỚI DỊCH GIẢ PHẠM NGUYÊN TRƯỜNG
VỀ DỊCH GIẢ CÓ PHẢI LÀ TÁC GIẢ ?



Người có học thì cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói, thế mới là người có học, còn nói nhăng cuội không chịu trách nhiệm về mình là hạng “lời nói gió bay” hay tùy tiện. Tùy tiện là bạ đâu âu đấy, nói lấy được, hạng này chém to kho mặn không nên chấp.

Khi tôi comment gọi dịch giả Phạm Nguyên Trường là tác giả, anh viết lại cả một bài, đánh giá bản thân trong môi trường văn học Việt Nam, và chỉ nhận là Dịch giả thôi. Anh thật cẩn trọng, mang trách nhiệm của người có học. Rất cám ơn anh. Giờ tôi xin bàn cụ thể với anh việc tại sao tôi gọi anh như vậy?

Tác giả là gì? Nghĩa là người có Sáng tác. Sáng tác là làm ra cái mới, chứ không phải dịch, tức là người ta có sẵn rồi, ta chuyển sang tiếng khác.

Nhưng về học thuật “Sáng tác là gì?” theo triết gia Aristote bậc thầy về mỹ học, thì: Sáng tác là Mô phỏng, nói thẳng tưng là Bắt chước.

Có nhiều anh gà mờ lại cãi với tôi thế này: nếu sáng tác là bắt chước thì tôi là con khỉ à?
Đó là ngôn ngữ chầy cùn của hạng tùy tiện, sống theo cảm xúc mà không bao giờ muốn có tinh thần học thuật.

Khi Aristote nói hai từ Mô phỏng, là ông nói: Con người phải mô phỏng thiên nhiên để mà sáng tạo. Chỉ có Thượng Đế sáng tạo ra vũ trụ này với động từ Create được biến thành Creator – được gọi là Đấng Sáng tạo. Đấng sáng tạo làm ra con chim nó bay được liền. Nhưng khi con người vẽ con chim thì nó không bay được, và nó là bản mô phỏng của thiên nhiên. Nhưng nhân danh cái thuộc về sáng tạo, chúng ta vẫn gọi những bản sao của thiên nhiên là sáng tạo.

Về tên gọi, người châu Âu thường thể hiện tính hào hiệp, chẳng hạn: ai đó làm sinh viên y khoa người ta liền giới thiệu “bác sĩ”, ai là tu sinh họ giới thiệu là “linh mục”, ai học trường sĩ quan họ giới thiệu “sĩ quan”… Cái đó là lòng hào hiệp có mất gì đâu mà không tặng người khác.

Người làm thơ chúng ta gọi là “nhà thơ”, người viết văn chúng ta gọi là “nhà văn”, còn người dịch chúng ta gọi là “nhà dịch”, nhưng như vậy âm khẩu không được hay lắm nên chúng ta gọi là “dịch giả”.

Vậy người viết sách triết học thì có là nhà triết học không? Ông Karl Marx chẳng viết cuốn sách triết học nào, chỉ cuốn 2 cuốn “Tư bản luận” (Capitalisme), hơn thế ông còn là người chống lại triết học khi tuyên bố : Triết học xưa nay chỉ xoay quanh việc diễn giải thế giới, cái cần hơn chúng ta phải cải tạo thế giới. Vào năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh Karl Marx, nhiều chuyên gia đánh giá ông không phải là “triết gia thuần khiết”, nhưng trái lại có rất nhiều chuyên gia lại đánh giá ông là: nhà triết học có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20. ( Theo đánh giá của mình thì Lenin cũng không coi Duy vật là triết học, trong nhật ký triết học của mình, ông viết: triết học liên quan đến tư duy trừu tượng. Còn cải tạo thế giới không phải là triết học. Nói thẳng tưng cải tạo thế giới là việc của cơ bắp. Còn lý thuyết là đặc ưu của người có tư tưởng. Trong Kinh Thánh, Chúa Trời nói “ở đâu không có bàn định thì không có mưu sâu”. Có mấy người cứ gân cổ cãi nhau với tôi là, họ thích câu nói của Goethe “Khởi thủy là hành động”, nhưng họ đâu có biết, câu đó và câu “mọi lý thuyết đều mầu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi” là của quỉ Faust, nó nói thế để dụ dỗ người ta sống thụ hưởng vội vàng những thú vui trần tục, chẳng cần tư duy làm gì cho mệt cứ xốc tới mà ái ân, cũng chẳng cần lý thuyết làm gì cho rườm rà hãy lăn xả vào bàn tiệc của thể xác. Marx là nhà triết học duy vật có ảnh hưởng bậc nhất trong thế kỷ 20, nhưng mà Marx cùng các loại duy vật, thực chứng, thực dụng là những thứ triết học phản tâm trí đã chết yểu bậc nhất khi không lê qua nổi thế kỷ 20).

Cách đây khoảng 10 năm, tôi được mời nói chuyện trực tiếp trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình nói chuyện với những tay lái xe đêm. Tôi có hỏi anh phóng viên “Anh sẽ giới thiệu tôi là ai?”

Anh ta trả lời: “Em sẽ giới thiệu anh là nhà triết học với nhiều cuốn sách trong đó đặc biệt cuốn ‘Người Việt tự ngắm mình’” Sự việc diễn ra đúng như vậy, nhưng bài phát thanh của tôi chỉ được phát 1 lần mà lẽ ra phải được phát 3 lần, và dự định lần sau nói chuyện về tôn giáo và đức tin đã bị cắt do con người và vấn đè nhạy cảm).

Có người hỏi tôi “Nếu anh tự coi mình như triết gia, thì anh sáng tác chủ thuyết nào mới chưa?”

Anh ta hỏi thế, nhưng tôi biết chắc trình độ của anh ta nếu có đưa những sách của ông tổ triết học ra, anh ta cũng không cách gì tìm thấy cái mới trong đó. Còn triết gia Nietzsche thì tuyên bố: “Chúng ta chẳng làm gì hơn các tổ sư của mình”. Triết học bám vào một Hữu thể luận, hay còn gọi là Bản thể luận đã được các cụ tổ Socrate, Platon, Aristote nghĩ ra rồi, còn những người đi sau làm sao có thể nghĩ ra môn Bản thể luận mới?!

Trong triết học, người ta mặc định sự ngang nhau giữa người sáng tác vấn đề mới và người Tổng hợp.

Trong âm nhạc có khoảng mười nhạc sĩ bậc thầy như Bach, Mozart hay Beethoven… nhưng có hàng triệu người khác cũng được gọi là nhạc sĩ – vì có sáng tác nhạc.

Có người bảo tôi “Sách anh viết tổng hợp những điều người khác viết trước rồi, vì thế anh có sáng tác gì đâu?”

Tôi chỉ còn biết im lặng, nhưng xin các vị nhớ cho người có học chính là “Nói có sách mách có chứng”, tất cả các ông tổ khi viết sách cũng đều có phần “sách tham khảo dài dằng dặc”, và chẳng ai khác hơn ngoài triết gia Platon vẫn trở thành vĩ đại khi tuyên bố “tôi chỉ là người chép lại những lời của Socrate thôi”.

Nhà thơ Đỗ Hoàng có nói với tôi: “Trình độ của Việt Nam là thế này, Mỹ nó gọi sang cho hẳn chiếc tầu sân bay đấy, xem có lái được về không”.

Nếu Socrte chỉ phác thảo bản vẽ và nguyên lý tên lửa, còn Platon đã hoàn thành bản vẽ lại phóng lên trời, vậy ông có ngang đẳng cấp không? Chúa Jesus còn nói “Trò không hơn thầy, nhưng ai hoàn thành chức phận của mình thì ngang Thầy”.

Mới đây, tôi vào Sài Gòn, câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng có hỏi “nên giới thiệu anh là gì?”

Tôi nhớ lời trong Kinh Thánh “Miệng con chớ nên ca ngợi con mà hãy để miệng người khác làm việc ấy”. Tôi bèn bảo anh cứ giới thiệu tôi là “nhà nghiên cứu triết học”. Đó là ngôn ngữ giao tiếp có tính khiêm tốn của tôi. Còn trong thực tế, với 7 cuốn sách cứng trong đó có sách như “Hành trình nhận thức duy niệm của nhân loại”, “Hành trình tâm linh linh nhân loại”… ở mức hàng đầu châu Á, tôi hoàn toàn có thể tự tin ứng cử nhân danh mình như một nhà triết học.

Việc giới thiệu ai, trước hết phải chính xác, sau đó là hoài vọng và hào hiệp, hơn nữa nó cũng bao hàm cả những trừu tượng chưa thể minh định rõ ràng… với tất cả so sánh ấy, tôi thấy những người dịch những tác phẩm lớn không thể bị loại ra khỏi hai từ “tác giả”, bởi tôi thấy, anh bạn họa sĩ nhà thơ kia vênh vênh lắm khi coi thường mọi người chỉ có học vấn còn anh ta thì “sáng tác” – có vẻ như thần thánh. Anh ta không hiểu một điều căn bản rằng: trong tất cả lịch sử qua các thế kỷ, con người đều sáng tác, nhưng chỉ có đến thế kỷ 20, con người mới đủ trưởng thành để được gọi là “Thế kỷ của phê bình” (the age of analysis).

Còn với những bạn đã bàn về Truyện Kiều có dịch hay copy hoặc sáng tạo của Nguyễn Du. Báo Văn Nghệ đã đăng bài chỉ rõ:
1- Kim Vân Kiều Truyện là loại hạng hai, hạng ba của Tàu
2- Có một cuộc hội thảo văn học đã diễn ra tại Trung Quốc, đã nhất trí khẳng định: về mọi mặt Truyện Kiều của Nguyễn Du không thể hơn bản chính.

Tóm lại, anh Phạm Nguyên Trường là người học rộng, biết nhiều thứ tiếng, lại khiêm tốn rất thận trọng khi nhận mình chỉ là Dịch giả. Còn tôi cũng rất thận trọng vẫn giới thiệu và coi anh như một Tác giả dịch thuật. Mong anh hiểu tấm lòng của tôi (trong thời gian này tôi đang ưu tiên đọc cuốn ‘Là người Nhật’ do anh dịch, sách do Bùi Quang Minh Chungta.com cho mượn).

Chúc anh mạnh khỏe, viết nhiều!

Paul Đức 17/4/2015






No comments:

Post a Comment