Pages

March 27, 2017

DIỄN TỪ NHẬN GIẢI GIẢI VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH 2017 Nữ dịch giả Nguyễn Hồng Nhung (Giải Dịch thuật)

Dịch giả Nguyễn Hồng Nhung

Kính thưa các Quý vị thành viên Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh cùng toàn thể quý vị quan khách đang có mặt tại đây.

Vào một ngày đầu thu năm 1972, từ biệt đất nước Việt nam đang chìm trong khói lửa chiến tranh sang du học tại Hungary- Đông Âu, tôi không bao giờ mường tượng nổi sẽ có một ngày như trong mơ đến với mình - Ngày được nhận giải thưởng dịch thuật cao quý từ Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh, một tổ chức văn hóa Việt nam mà tôi ngưỡng mộ, bởi đã tôn vinh những học giả Việt nam mà tôi kính trọng và yêu quý.

Tôi cũng như phần lớn lưu học sinh Việt nam đi du học năm đó, được phân công học ngành Xây Dựng để chuẩn bị về xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, nhưng thật may mắn nguyện vọng được theo học một ngành Khoa học Xã Hội của tôi đã được sứ quán lúc đó chấp nhận và tôi chính thức trở thành sinh viên khoa Văn học và Ngôn ngữ Hungary tại trường đại học Tổng Hợp Budapest Hungary khóa học 1972-1978.

Xin được nói thêm vì sao tôi may mắn, bởi trong mười năm học phổ thông tôi đã có sáu năm học lớp chuyên Văn của sở Giáo dục Hà nội, đã từng đoạt giải thưởng trong các kỳ thi văn và sáng tác dành cho học sinh phổ thông nên tôi chỉ có thể hình dung sự nghiệp của mình phải gắn với văn chương chữ nghĩa mà thôi.

Khi tôi đang du học, Hungary vẫn đang còn là một quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu, và tôi không hề biết rằng những gì mình được học trên trường đại học lúc đó chưa phải là toàn bộ nền văn hóa Hungary, nhất là của thời hiện đại.

Tôi đã có mặt tại đất nước tôi coi như tổ quốc thứ hai của mình vào những ngày đất nước ấy trải qua một biến động lịch sử lớn: sự thay đổi thể chế chính trị năm 1989 tại các nước Đông Âu. Biến động lịch sử - chính trị lớn này cho phép văn hóa Hungary bộc lộ toàn bộ những gì bị cất giấu gần nửa thế kỷ không chỉ với nhân loại mà với chính nhân dân của quốc gia ấy.

Những nhân vật, những cá nhân lỗi lạc của một nền văn hóa đặc biệt với một ngôn ngữ hết sức đặc thù lần lượt xuất hiện, trong đó có Hamvas Béla, người mà dân Hungary gọi là “nhà thông thái thời hiện đại của chúng ta”.

Từ đâu tôi biết đến một nhà văn, nhà triết học đương thời xuất sắc nhất của Hungary?

Trước khi dịch Hamvas Béla, tôi đã dịch gần một chục tác phẩm của các nhà văn cổ điển cũng như hiện đại của Hungary như Csáth Géza, Karinthy Frigyes, Marai Sándor, Kertész Imre (nhà văn được giải Nobel) và dịch thơ của một số nhà thơ Hungary nổi tiếng như Pilinszky János, Szabó Lörinc, Wass Albert, nhưng tôi chưa hề biết đến Hamvas Béla.

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20 chính những người Hung đều kêu lên khi được hỏi: Hamvas Béla? Làm gì có nhà văn Hungary nào tên như thế?

Tiểu sử cuộc đời của nhà thông thái biết 13 ngoại ngữ này ly kỳ như chính thời đại của ông. Trước năm 1945 ông đã được biết đến như một học giả bắt đầu nổi tiếng trên lĩnh vực triết học, mỹ học, sau năm 1945 sự kiện nổi bật nhất, mang tính chất bước ngoặc hoàn toàn đối với ông là sau nhiều sự kiện, ông trở thành địch thủ của nhà triết học mác-xit Lukács György, người sau cách mạng vô sản ở Hungary đã trở thành Bộ trưởng Bộ Văn Hóa của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Hungary đương thời.

Chính vị Bộ Trưởng này đình chỉ không cho in một tác phẩm mỹ học Hamvas Béla viết chung với vợ lúc bấy giờ.

Cuộc đời của Hamvas Béla sau biến cố lịch sử đó là cuộc đời của một vị thánh bị đày lên một hòn đảo xa xôi cách biệt để chứng minh một chân lý ông đề cao trong các tác phẩm của mình: cuộc sống không có mục đích mà cuộc sống có ý nghĩa.

Ba lần ông bị gọi ra mặt trận, nhà của vợ chồng ông bị một quả bom rơi trúng phá hủy tan tành, và tất cả sách vở cùng bản thảo của ông cũng không còn nữa, ông trở thành một kẻ tay trắng hoàn toàn theo đúng nghĩa đen.

Từ một trí thức giỏi giang, sau 1945 Hamvas Béla bị liệt vào danh sách B-bị chính quyền đương thời quản lý gắt gao và chỉ được phép làm công việc chân tay để kiếm sống, ông bị buộc phải trở thành một người làm vườn, rồi thành thủ kho trong một nhà máy nhiệt điện. Bắt đầu từ đây cả phần đời còn lại của ông là một tác phẩm cuộc đời vĩ đại dù trong nhiều thập kỷ ông chỉ viết cho cái ngăn kéo của mình.

Tôi bắt đầu biết đến Hamvas Béla chỉ từ sau khi đọc bài tiểu luận chấn động của ông: Thời Kỳ Bảo Bình- nói về chính thế kỷ 21 này của chúng ta- cho dù ông viết năm 1943 trong tập tiểu luận triết học duy nhất ông được in trong đời, tập Câu Chuyện Vô Hình Và Đảo - mà tôi đã chọn làm tác phẩm đầu tiên in ở Việt Nam của Hamvas Béla.

Đọc xong bài tiểu luận xuất sắc này tôi đi tìm ông Dúl Antal- người thừa kế di sản của Hamvas Béla- và tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của ông Dúl Antal trong suốt thời gian dịch một trong những tác phẩm cơ bản nhất của Hamvas Béla: Minh Triết Thiêng Liêng - trọn bộ ba tập. Xin cảm ơn Giám đốc nhà xuất bản Medio chuyên chỉ in tác phẩm của Hamvas Béla- ông Dúl Antal, một nhà thần học, một người bạn lớn thông thái của tôi.

Tôi còn nhớ khi biết tôi có ý định dịch tác phẩm lớn này của Hamvas Béla ra tiếng Việt, ông Dúl Antal đã cười và nói với tôi: vậy là chị sẽ đem tinh hoa phương Đông trả lại châu Á qua một nhà học giả châu Âu. Bởi tác phẩm này như một thư mục lớn về những cuốn sách cổ nổi tiếng của nhân loại, trong đó có những tác phẩm kinh điển vĩ đại của phương Đông.

Hamvas Béla đã được công nhận là một triết gia đương đại của thế giới, tất cả các tác phẩm của ông bắt buộc phải dịch sang tiếng Đức, nhưng cho đến ngày hôm nay bộ Minh Triết Thiêng Liêng chưa dịch xong ra tiếng Đức và chưa hề dịch sang tiếng Anh, cũng như rất nhiều tác phẩm khác của Hamvas Béla cũng thế.

Dịch giả Nguyễn Hồng Nhung đọc diễn từ tại lễ nhận Giải Phan Châu Trinh - Ảnh: L.Điền

Cho đến ngày hôm nay ngoài bản gốc tiếng Hungary ra, Minh Triết Thiêng Liêng mới chỉ có một bản dịch ra tiếng Việt của tôi và một bản dịch ra tiếng Serbia của một dịch giả huyền thoại tên là Sava Babic người Serbia. (Tôi gọi ông là dịch giả huyền thoại bởi chỉ riêng của Hamvas Béla ông đã dịch được 50 tác phẩm - một tấm gương lớn khó có thể noi theo - đối với tôi). Ít nhất, giờ đây ta có quyền tự hào là một tác phẩm lớn như Minh Triết Thiêng Liêng đã có thể đọc bằng tiếng Việt và là bản dịch đầu tiên ở châu Á.

Tôi cũng gặp may mắn lớn khi anh Bùi Văn Nam Sơn nhận lời đồng ý viết lời giới thiệu cho tập sách lớn của Hamvas Béla. Phải nói rằng không thể có một bài giới thiệu nào đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, xuất sắc và nhiệt huyết hơn bài giới thiệu này. Tôi đặc biệt biết ơn anh Bùi Văn Nam Sơn, người đã cổ vũ tôi đến với việc dịch sách triết ngay từ buổi đầu tiên quen biết anh khoảng năm 2008.

Cũng như tôi cũng rất cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của anh Chu Hảo Giám đốc nxb Tri Thức, cùng đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên của nhà xuất bản, nơi những tác phẩm của Hamvas Béla đã được in ra rất đẹp với chất lượng cao. Công việc dịch và in những tác phẩm khác của Hamvas Béla vẫn đang tiếp tục ở nơi đây.



Kính thưa các Quý vị!

Vinh dự được nhận giải thưởng cao quý của Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh, là một người Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài, tôi nghĩ rằng có lẽ phần nào mình đã hiểu và thực hiện được tinh thần của câu danh ngôn nổi tiếng của Phan Châu Trinh: „ CHI BẰNG HỌC” chăng?

Học từ các quốc gia tiến bộ về văn hóa, học những gì dân ta còn thiếu, còn chưa tiếp cận từ các nền văn hóa thế giới do các cuộc chiến tranh liên tiếp xảy ra trên đất nước ta. Học bằng nhiều cách, trong đó có một cách thức quan trọng tuy khó khăn là con đường dịch thuật những tác phẩm tinh hoa của nhân loại ra tiếng Việt.

Tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để mình có thể đóng góp chút gì đó vào công cuộc thực hiện nội dung tinh thần Phan Châu Trinh”CHI BẰNG HỌC”, cũng là một sự tri ân đối với quê hương chỉ có thể là việc sử dụng tốt nhất tiếng mẹ đẻ của mình, kết hợp với việc khai thác nhiều tác giả, tác phẩm, truyền tải cho được những tri thức từ nền văn hóa thế giới mình được học nhiều nhất, sâu nhất là văn hóa Hungary.

Tôi cần và sẽ tiếp tục công việc dịch thuật của mình một cách sâu rộng, hoàn hảo nhất, như cần hoàn thành một tác phẩm cuộc đời trong lĩnh vực chuyên môn của mình, để góp chút sức lực nhỏ bé của mình cho quê hương đất nước, và đền đáp lại những tấm lòng thương mến của Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh và tất cả các Quý vị đã dành cho tôi hôm nay.

Tôi xin chân thành cảm ơn và gửi lời chào trân trọng đến tất cả các Quý vị!

Budapest ngày 14 tháng Ba năm 2017

Dịch giả tiếng Hungary Nguyễn Hồng Nhung

Nguồn: Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh

1 comment:

  1. Mỹ Anh Shop chuyên bán cung cấp  đồng hồ định vị trẻ em chính hãng – giá rẻ hàng đầu Việt Nam
    --------------------------------
    Giá rẻ nhất – Thay nhanh nhất – bền nhất – Liên hệ ngay:
    Web:   đồng hồ định vị trẻ em
    ( Xem tai day):   đồng hồ định vị trẻ em
    ( xem tai day ): dong ho dinh vi tre em

    ReplyDelete