Pages

February 25, 2017

Thực trạng giáo dục – Không chỉ vì bệnh thành tích

(Lạm bàn với tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục)

Ông Nguyễn Thiện Nhân, từng là Bộ trưởng Giáo dục

Trong bài trả lời thư của một độc giả [1] , ông Nguyễn Thiện Nhân, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo viết: "Tôi chưa có điều kiện để đánh giá bệnh thành tích này phổ biến đến đâu, nặng nề đến đâu vì không tham gia quản lý ở một trường hay sở GD-ĐT đã chín năm”. Thật cứ như một chuyên gia nước ngoài hay một Việt kiều xa nước lâu ngày mới trở về vậy. Thưa ông Bộ trưởng, bệnh hám thành tích ở nước ta đâu phải là mới, là lạ, là chỉ xảy ra phổ biến trong ngành giáo dục mà phải là người quản lí một ngành cụ thể mới biết, và thực trạng nền giáo dục của ta đâu chỉ tại bệnh thành tích của riêng những người làm trong ngành này. Và lời hứa của ông: “trong 10 năm tới nền giáo dục Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới, xứng đáng với đòi hỏi của sự nghiệp hiện đại hoá - công nghiệp hoá đất nước, với mong muốn và tin cậy của nhân dân cả nước, với truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam”, có trở thành hiện thực hay không? Tôi xin được nghi ngờ lời hứa đó, tôi cho rằng nó cũng chỉ là một lời nói, nghe qua rồi bỏ mà thôi. Nhưng xin được trình bày theo thứ tự, rất hân hạnh nếu được chỉ giáo.

Lại nói về bệnh thành tích

Bệnh thành tích không phải là một căn bệnh mới xuất hiện gần đây và không chỉ trong lĩnh vực giáo dục. Hẳn ông Bộ trưởng còn nhớ cái thời chưa xa, một gia đình nuôi hai con gà, đứa con út khai hai con gà đó trong thành tích tăng gia của đội thiếu niên, anh nó khai trong đoàn thanh niên, mẹ nó thì khai trong hội phụ nữ, còn ông chủ gia đình thì khai… Nhiều chỗ để khai, nhiều chỗ thống kê lắm, phải không ông? Số gà đã tăng thêm mấy lần? Nếu các chuyên gia kinh tế nước ngoài cộng các số đó lại thì hẳn họ phải vô cùng kinh ngạc là vì sao người Việt Nam mình chưa bội thực thịt gà mà chết hết rồi. Nếu cứ cộng như thế và cứ tin những gì các ông đã nói thì người Việt mình sẽ chết vì bội thực nhiếu thứ, chứ không chỉ thịt gà!

Trong tác phẩm Liên Xô - Một nhà nước phong kiến [2] , giáo sư Anatoli Tille có viết về những chuyện tương tự như thế ở Liên Xô cũ. Hoá ra ở đó người ta cũng làm như thế, ông ạ. Xin trích dẫn một đoạn: “Lấy thí dụ lĩnh vực kinh tế: các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố nói chung đều là số liệu giả. Sau khi Stalin chết, người ta thông báo cho chúng ta biết rằng tất cả các số liệu về thành tích trong nông nghiệp đều là giả, sản lượng nông nghiệp chưa bao giờ đạt được mức năm 1914 (trước Thế chiến I – ND). Như thế có nghĩa là các số liệu được công bố sau này là đúng ư? Có mấy năm các số liệu về nông nghiệp hoàn toàn không được công bố. Nhưng nếu ta tìm được các số liệu đó thì sao? Vô ích, vì báo cáo láo diễn ra trong mọi lĩnh vực, mọi cấp, từ nông trang đến huyện rồi lên tỉnh. Lên nước cộng hoà và Tổng cục Thống kê. Nhưng nếu giả sử ta có thể biết được số lượng giao nộp của từng nông trang thì sao? Cũng vô ích: báo chí đã từng đăng hàng chục năm liền việc các nông trang, thí dụ, để hoàn thành sản lượng giao nộp, họ đã đi mua bơ của các cửa hàng rồi sau đó giao lại cho nhà nước. Như vậy là một sản phẩm đã được nộp và thống kê đến mấy lần. Có một thời (chính xác là dưới thời Khrushchev) Larionov, bí thư tỉnh ủy Riazan, nơi chuyện giao nộp vượt quá “ngưỡng chấp nhận được”, đã phải tự sát”.

Xin dẫn một thí dụ nóng bỏng tại Việt Nam. Trong cuộc họp kì họp thứ 7 HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khoá VII, ông Phạm Văn Hải, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, cho biết có phường niêm yết thủ tục hành chính nhiều đến mức… dân kiếm không ra. Khi dân hỏi thì cán bộ không hướng dẫn hoặc hướng dẫn một nửa, giấu một nửa. “Thủ tục thì đơn giản hoá mà dân cứ phải xì tiền cho cán bộ, cải cách chỗ nào?”. Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo góp vào bằng giọng khá hài hước: “Vậy mà theo báo cáo khảo sát CCHC các nơi tỉ lệ hài lòng cao ngất, có nơi đạt đến 100%, nơi thấp nhất cũng 75%”. Bà Thảo kết luận đó là những con số ảo [3] !

Thế hoá ra đấy là căn bệnh của hệ thống, là thói dối trên lừa dưới, là kết quả của một chế độ nói theo ngôn ngữ dân gian là “treo đầu dân chủ, bán thịt độc tài”. Chúng ta sống trong nó, sống cùng với nó, đã quen với nó nên thấy nó là chuyện bình thường. Ấy, cứ giả sử như tất cả những người trong ngành giáo dục từ nay quyết tâm không coi đó là chuyện bình thường nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi mường tượng ra cảnh ở một huyện nọ tỉ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp chỉ là 50%. Người ta, tức là các đồng chí của ông trưởng phòng giáo dục huyện sẽ nhìn ông ta với ánh mắt như thế nào nếu tỉ lệ học sinh tốt nghiệp của huyện khác là 95%? Người ta sẽ nhìn ông ta như thế nào nếu phòng văn hoá thông tin huyện vừa được xếp nhất tỉnh vì giành được nhiều giải cao trong cuộc thi “khắp nơi ca hát” trong toàn tỉnh và mang về mấy huy chương vàng? Đơn giản là ông trưởng phòng giáo dục sẽ không được bầu vào cấp ủy trong lần đại hội tới và con đường hoạn lộ của ông ta sẽ chấm dứt. Ở tỉnh và trung ương tình hình cũng tương tự như thế mà thôi.

Câu hỏi đặt ra là: có thể sống bình thường trong một xã hội bất bình thường được không? Hỏi để cho vui hoặc hỏi là đã trả lời.


Bằng giả và bao thuốc lá lậu

Báo chí đã viết rằng thuốc lá nhập lậu gây thất thu cho nhà nước 100 triệu USD mỗi năm, nhưng là người hút thuốc lá, tôi chẳng bao giờ quan tâm đến việc nó là thuốc lậu, thuốc buôn bán chính ngạch hay được sản xuất trong nước, tôi chỉ quan tâm đến “gu” của mình cũng như giá cả và chất lượng của bao thuốc là mà mình sẽ phải móc hầu bao ra trả mà thôi. Tức là tôi, một người tiêu dùng bình thường, khi mua hàng sẽ chỉ quan tâm đến lợi ích của chính mình, còn lợi ích của đất nước thì đã có công an, thuế vụ, toà án… Chúng tôi đã đóng thuế để nuôi các cơ quan đó rồi.

Quan hệ của chúng ta với cái bằng đại học của mình hay của con mình thì cũng tương tự như thế. Nếu ông có một người cháu ở quê và nếu người đó chỉ có bằng tốt nghiệp lớp 9, một cái bằng thực sự, một cái bằng mà ngay chuyên gia của các nước nổi tiếng là trung thực nhất kiểm tra cũng phải công nhận là bằng thật thì sao? Tôi tin rằng người cháu đó chỉ có thể ở nhà giúp mẹ làm ruộng hoặc may lắm thì có thể xin đi lao động phổ thông ở Hàn Quốc là cùng. Cái bằng thật đó cũng giống như bao thuốc lá VINATABA thật, do Việt Nam sản xuất, nó là thật, nhưng ít gía trị sử dụng (không thơm, không ngon, không sang…). Nhưng nếu người cháu đó có bằng đại học, không quan trọng là của trường nào, chính qui hay dân lập, hàm thụ hay chuyên tu thì ông, có thể là bạn ông, sẽ “cơ cấu” ngay được cho người đó một “chân” trong biên chế chính thức. Cái bằng đại học này cũng giống như bao thuốc lá ba số năm (555) với hàng chữ: Singapore Duty Not Paid, có giá trị sử dụng cao (thơm, ngon, sang…). Ông không muốn “cơ cấu” cũng không được. Luật đời là như thế!

Nhân tiện xin kể hầu ông tân Bộ trưởng một câu chuyện. Tôi có một người bạn rất bình thường, công tác trong một cơ quan cũng rất bình thường. Anh ta có một đứa con gái học hành dưới mức bình thường, nhưng cháu nó cũng có một cái bằng đại học, không hẳn là giả, chỉ nửa thật nửa giả thôi, nghĩa là bằng thật, học thật nhưng kiến thức thì giả một trăm phần trăm. Thế mà vừa qua chúng tôi đã “cơ cấu” cho cháu vào một cơ quan nhà nước trên mức bình thường, nghĩa là có thu nhập khá hơn mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam ta hiện nay.

Người cháu giả định của ông nói trên hay con của người bạn tôi cũng chỉ là một trong hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu trường hợp những người trẻ tuổi đã được cha chú họ “cơ cấu” trước khi có bằng cấp cần thiết mà thôi. Cái ông Đào Ngọc Dung, uỷ viên trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất trung ương Đoàn vừa bị tố cáo gian lận thi cử thì cũng thế, hẳn là ông ta đã được “cơ cấu”, chỉ còn thiếu cái bằng gì đó, có phải thế không ông? (Cũng có tin nói rằng ông Dung là đàn em của một người đã mất chức và nay ông ta bị đàn em của những người khác “thanh toán”, nhưng bản chất vấn đề là ông ta đã được ai đó “cơ cấu” thì vẫn không thay đổi). Ngay một cháu học sinh tiểu học cũng biết rằng bất cứ con một trưởng phòng nào đó ở huyện có bằng đại học đều không thể thất nghiệp. Bạn ông ta sẽ nhận nó vào các phòng ban dưới quyền mình và đến lượt ông ta sẽ nhận con bạn mình hay con những người bạn của bạn mình. Vòng tròn thế là khép kín. Bằng thật hay bằng giả đối với chúng ta không quan trọng, quan trọng là con em mình đã có việc làm. Ở đây quyền lợi của chúng ta, những người tiêu dùng, vẫn là trên hết, bằng cấp có khác gì bao thuốc lá? Chúng ta có thể “cơ cấu” cho con em mình, nếu không có khả năng đó thì chúng ta có thể bỏ tiền ra mua một chỗ làm (việc này báo chí cũng nói nhiều rồi), nhưng muốn được chỗ “ngon”, chỗ “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu” thì điều kiện cần là phải có cái bằng đại học. Có phải thế không, thưa ông Bộ trưởng? Cần bao nhiêu thày giáo Đỗ Việt Khoa hay bao nhiêu cuộc vận động “nói không với tiêu cực” [4] để có thể ngăn chặn được hiện tượng này?

Sinh viên ra trường và nỗi lo thất nghiệp

Câu hỏi đặt ra là: ông có thể ngăn chặn được cái hiện tượng là tất cả những người có quyền lực, thậm chí chẳng có mấy quyền lực, vẫn có thể “cơ cấu” hay mua cho con, em, cháu chắt, cánh hẩu… của mình một chỗ trong cơ quan, xí nghiệp nhà nước không? Một câu hỏi vui nữa, hay hỏi cũng là trả lời.


Có thực mới vực được đạo

Cái nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta đã sinh ra một hiện tượng cực kì trái khoáy là những người cùng có trình độ, cùng bằng cấp nhưng tuỳ vào lĩnh vực công tác lại có thu nhập hoàn toàn khác nhau. Trước đây, cái thời chỉ có chủ nghĩa xã hội, tất cả chúng ta đều chia nhau cái nghèo cái đói như nhau, từ ngày có thêm cái tiếp đầu ngữ “thị trường” thì tình hình trở thành khác hẳn. Một người tốt nghiệp đại học làm trong các cơ quan như dầu khí, ngân hàng, bưu chính - viễn thông… (là tôi nói những người làm trong các cơ quan xí nghiệp xã hội chủ nghĩa chứ không phải xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có thu nhập gấp ba, bốn lần cô giáo cấp ba. Điều luật nào hay đạo lí nào cho phép chuyện đó? Không có điều nào như thế cả và cái cô giáo dạy con những người làm trong những ngành có thu nhập cao nói trên phải nghĩ cách, không nghĩ mới là chuyện lạ. Đấy là chưa nói đồng lương của các giáo viên ở các thành phố hiện nay rõ ràng là không đủ sống. Học thêm, dạy thêm có nguồn gốc từ đây. Con tôi không cần đi học thêm, nhưng để cháu không bị cô giáo “đì” thì vào những dịp lễ tết, những ngày 8 tháng 3, 20 tháng 11 tôi phải gửi phong bì cho cô giáo, tính chung cũng bằng số tiền học thêm hàng tháng cộng lại. Tôi cho đấy là đạo lí của “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” hiện nay.

Nhớ câu ca dao:

Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thày.

Chúng ra rất thích trích dẫn câu sáo ngữ “sự nghiệp trăm năm”, nhưng rõ ràng xã hội ta đã không yêu, không kính trọng người thầy, không kính trọng nghề làm thầy, thậm chí có thể nói đã khinh nghề làm thày.

Muốn sửa sai chuyện đó, chúng ta phải nâng mức sống, chỉ bằng đồng lương, của các thày cô giáo lên ngang với mức trung bình khá của địa phương. Không làm được như thế thì mọi lời kêu gọi về đạo đức nghề nghiệp chỉ là những lời nói duy ý chí, sáo rỗng, không có hiệu quả. Nhưng muốn nâng lương cho giáo viên trong tình hình ngân khố quốc gia hạn hẹp như hiện nay thì phải giảm biên chế.

Câu hỏi đặt ra là: ông có thể giảm biên chế những cơ quan vô tích sự và tăng lương giáo viên lên bằng hoặc gần bằng những người làm trong các ngành như dầu khí, ngân hàng, viễn thông… không? Một câu hỏi vui nữa hay hỏi cũng là đã trả lời


Đời đục cả

Gần đây báo chí ồn lên cái chuyện ông Mạc Kim Tôn, giám đốc Sở Giáo dục Thái Bình, nhận hối lộ. Nhưng xét ra có lẽ báo chí đã hơi bất công với ông ấy, bởi vì về mặt cống hiến cho Đảng, về mặt đảng tịch, ông giám đốc Sở Giáo dục cũng có khác gì ông giám đốc Sở Xây dựng hay Sở Công an? Nhưng ai cũng biết thất thoát trong ngành xây dựng cơ bản là 10, 20 thậm chí 30%, còn anh cảnh sát giao thông thu tiền mãi lộ cũng chẳng thể “ăn” một mình. Thế cho nên tư dinh của các ông xây dựng, ông công an rất hoành tráng, vợ họ đẹp, con họ khôn, họ có oshin, thậm chí còn có trang trại, nhà nghỉ ở đâu đó nữa. Trong hoàn cảnh như thế chả lẽ ông giám đốc Sở Giáo dục lại ăn rau muống, ở nhà cấp bốn hay sao? Không có đạo lí hay điều luật nào có thể biện hộ cho tình trạng bất công như thế được! Và dĩ nhiên ông giám đốc Sở Giáo dục sẽ “tính”. Ông ta “tính” như thế nào? Thì giáo sinh mới ra trường muốn có việc làm, thì thày cô giáo muốn chuyển từ nông thôn ra thành phố, từ vùng sâu vùng xa về gần nhà… và ông ta sẽ nhắm mắt làm ngơ chuyện dậy thêm, học thêm v.v... Việc gì thì đồng tiền đi trước cũng là đồng tiền khôn cả. Có phải thế không, thưa ông Bộ trưởng?

Bây giờ xin nói đến chuyện ở Bộ. Chả lẽ ông vụ trưởng các vụ trong Bộ Giáo dục và Đào tạo của ông lại không nhìn thấy cách sống của những người đồng cấp với mình trong ngành dầu khí, ngân hàng, giao thông, xây dựng… hay sao? Nếu các ông vụ trưởng dưới quyền ông nhìn thấy, thậm chí thấy rõ thì họ cũng sẽ “tính”. Thế cho nên mới có chuyện năm nào cũng viết lại sách giáo khoa, vài năm lại có cải tiến chương trình giảng dạy một lần hay việc mua đồ dùng dạy học rồi để mốc trong kho v.v… Đều là những cách bơm tiền nhà nước ra để rồi một phần trong số đó sẽ chảy ngược vào túi những người có quyền. Điều này chắc chắn ông phải rõ hơn tôi.

Người ta nói rằng công khai có thể diệt trừ hoặc giảm thiểu được tham nhũng. Nhưng công khai là phải từ đỉnh đầu trở xuống chứ không thể từ vai hay từ rốn được. Có thể tạo lập được “đạo đức cộng sản” trong một lĩnh vực, thí dụ trong ngành giáo dục, trong khi tất cả những lĩnh vực khác vẫn “người người tham nhũng, ngày ngày tham nhũng, ra ngõ đã gặp tham nhũng” được không? Và nói đến công khai thì ông có thể nói với các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng… công khai ngay tài sản của mình mà không cần “lộ trình” được không? Tôi biết rằng đây cũng chỉ là những câu hỏi cho vui mà thôi.


Thay lời kết luận

Chỉ điểm qua vài lĩnh vực như thế đã thấy rằng bộ máy quản lí của nhà nước chúng ta hiện nay giống như một chiếc áo bộ đội cũ, mặc đã lâu ngày, có thể từ thời quân ta tiến vào Sài Gòn, tất cả các sợi ngang sợi dọc trên đó đều đã mục nát hết, không thể nào vá một miếng vải mới lên đó được, dù người thợ may có khéo đến mức nào. Đơn giản là miếng vải mới không có chỗ nào mà bám. Đấy mới là đại hoạ của dân tộc chứ không phải như ông nhận định: “Thực tế các tiêu cực trong thi cử nói chung trong hệ thống các trường của ngành đã không suy giảm mà còn có xu hướng tăng… Nếu ngành giáo dục và toàn xã hội không có các biện pháp khẩn cấp và thật đặc biệt thì tiêu cực này sẽ trở thành đại hoạ của dân tộc” [5] . Đại hoạ của dân tộc hiện nay chính là việc những người ăn lương của dân, làm việc cho dân nhưng lại không phải chịu trách nhiệm trước dân mà chỉ chịu trách nhiệm trước những người bổ nhiệm họ, nâng đỡ họ, bao che họ. Tiêu cực trong ngành giáo dục chỉ là một trong những hậu quả của cái đại hoạ đó. Cái hoạ này sẽ còn kéo dài bởi vì một cơ cấu “tự sản tự tiêu như thế” không thể nào tự cải tiến, tự hoàn thiện được, việc tự hoàn thiện của nó cũng chẳng khác gì một người tự nắm tóc mình mà kéo lên vậy. Còn đến khi người dân có thể nắm tóc nó mà kéo lên, hay khi ông thủ tướng phải báo cáo kết quả công việc của chính phủ với cử tri và chịu trách nhiệm trước cử tri, trước những người trả lương cho ông ta thì một người tự nhận là: “qua lá thư, tự thấy hiểu biết của tôi về thực trạng của giáo dục phổ thông còn hạn chế” [6] sẽ chẳng bao giờ được đưa vào nội các, bởi đơn giản là cử tri chúng tôi chỉ thuê những người biết việc chứ không bao giờ lại đi thuê những kẻ học việc.

Giáo sư Tille, nói đến bên trên, có viết một câu như sau: “Sau khi giành được chính quyền, những người bolshevik lập tức từ bỏ chính sách 'cây gậy và củ cà rốt' truyền thống của giai cấp cai trị, mà thay bằng một chính sách rẻ hơn và hữu hiệu hơn là chính sách cây gậy và LỜI HỨA về củ cà rốt”. Tôi tin rằng ông rất muốn bác bỏ câu đó. Nhưng chừng nào những bài báo như thế này không có quyền được xuất hiện trên những trang báo hay trang web của quí Bộ thì thật khó thuyết phục được tôi và các độc giả talawas khác rằng ông không giấu đằng sau lưng một cái dùi cui hay đằng sau ông không có những kẻ lăm lăm dùi cui trong tay, sẵn sàng bổ xuống đầu những người mà họ cho là “lợi dụng tự do ngôn luận” để reo rắc nghi ngờ vào sự “lãnh đạo sáng suốt…”. Còn hiện thời, những người dân ngu khu đen chúng tôi chỉ có thể chờ và tiếp tục è cổ chi tiền mua sách giáo khoa mới mỗi năm, è cổ nộp tiền học thêm cho thày, cô giáo và trợn mắt chứng kiến những cảnh tiêu cực sẽ còn diễn ra dài dài trong ngành giáo dục và nhiều ngành khác nữa. Lời hứa về củ cà rốt: “Trong 10 năm tới nền giáo dục Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới, xứng đáng với đòi hỏi của sự nghiệp hiện đại hoá - công nghiệp hoá đất nước, với mong muốn và tin cậy của nhân dân cả nước, với truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam”, chắc sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực.

Xin kính chào ông!

© 2006 talawas


[1]http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=147944&ChannelID=13
[2]http://lit.lib.ru/t/tille_a/text_0010.shtml
[3]http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/157339.asp
[4]http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=150095&ChannelID=13
[5]http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=150095&ChannelID=13
[6]http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=147944&ChannelID=13

No comments:

Post a Comment