Pages

February 4, 2017

Diễn văn của Theresa May trước hội nghị “Quốc hội của tương lai” do Đảng Cộng hòa tổ chức.


Adam Bienkov

Phạm Nguyên Trường dịch

Bà Theresa May - Thủ tướng Anh

Lời người dịch: Diễn văn của bà thủ tướng Vương Quốc Anh phác thảo những đường nét chính trong quan hệ Anh-Mỹ và tầm nhìn về trật tự thế giới mới dưới thời Trump.

Và - là bạn bè và đồng minh quan trọng nhất của quí vị - chúng tôi ủng hộ nhiều điểm trong những ưu tiên mà chính phủ của quí vị đặt ra cho sự dính líu của nước Mỹ với thế giới.

Đó là lý do vì sao tôi đồng hành với quí vị trong quyết tâm giải quyết và và đánh bại Daesh (cách gọi khác cua IS và các nhóm khủng bố Hồi giáo khác – ND) và ý thức hệ của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, ý thức hệ đã truyền cảm hứng cho chúng và nhiều nhóm khủng bố khác trong thế giới ngày nay. Làm như thế là vì lợi ích của cả hai nước chúng ta. Nó đòi hỏi phải sử dụng thông tin tình báo do các cơ quan an ninh tốt nhất trên thế giới cung cấp. Và nó sẽ đòi hỏi sử dụng sức mạnh quân sự.

Nhưng nó cũng đòi hỏi nỗ lực rộng lớn hơn. Vì một trong những bài học trong cuộc chiến chống khủng bố trong suốt 15 năm qua là giết những tên kẻ khủng bố có thể cứu những người vô tội. Nhưng nếu chúng ta không giết hệ tư tưởng hay ý thức hệ khuyến khích chúng, thì chúng ta sẽ luôn luôn phải sống cùng với mối đe dọa này.

Và trong khi bị đánh bại trên mặt đất, thì những kẻ khủng bố này lại đang lợi dụng mạng Internet và các phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá tư tưởng khủng bố, tư tưởng đó đang săn lùng những công dân yếu đuối trong các nước của chúng ta, khuyến khích họ tiến hành những hành động khủng bố ở các thành phố của chúng ta.

Đó là lý do vì sao Vương quốc Anh dẫn đầu thế giới trong việc phát triển chiến lược nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan đầy bạo lực, và vì sao chính phủ Anh và chính phủ Mỹ đang làm việc cùng nhau nhằm giải quyết và đánh bại hệ tư tưởng của Hồi giáo cực đoan. Tôi mong muốn được làm việc với Tổng thống và chính phủ của ông để gia tăng thêm nữa những nỗ lực của chúng tôi nhằm đánh bại hệ tư tưởng độc ác này.

Nhưng, tất nhiên, chúng ta phải luôn luôn cẩn thận để phân biệt giữa hệ tư tưởng cực đoan và đầy hận thù này với đạo Hồi yêu chuộng hòa bình và hàng trăm triệu tín đồ của nó – trong đó có hàng triệu công dân của chúng ta và những người ở xa hơn, những người thường là những nạn nhân đầu tiên của những vụ khủng bố do hệ tư tưởng này gây ra. Và chỉ tập trung vào chủ nghĩa cực đoan đầy bạo lực này là chưa đủ. Chúng ta cần phải giải quyết tất cả mọi biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan, bắt đầu bằng niềm tin mù quáng và hận thù, tức là những hiện tượng có thể biến thành bạo lực.

Tuy nhiên, muốn đánh bại Daesh, chúng ta phải sử dụng tất cả các phương tiện ngoại giao mà chúng ta có trong tay. Điều đó có nghĩa là làm việc trên bình diện quốc tế để đảm bảo có giải pháp chính trị ở Syria và thách thức liên minh giữa chế độ Syria và những người ủng hộ họ ở Tehran.

Khi nói đến nước Nga, sẽ là khôn ngoan nếu tham khảo Tổng thống Reagan - trong khi thương thuyết với Mikhail Gorbachev – ông thường làm theo ngạn ngữ “tin nhưng phải kiểm tra”. Với Tổng thống Putin, lời khuyên của tôi là “tham gia nhưng phải thận trọng”.


Không có gì chắc chắn là sẽ có xung đột giữa Nga và phương Tây. Và lùi về giai đoạn Chiến tranh Lạnh cũng không phải là không thể tránh được. Nhưng chúng ta phải cam kết với Nga từ thế mạnh. Và chúng ta phải xây dựng các mối quan hệ, các hệ thống và quy trình, làm cho hợp tác dễ hơn là xung đột - và điều đó, đặc biệt là sau khi Crimea bị sáp nhập một cách bất hợp pháp, đảm bảo với các lân bang của Nga rằng an ninh của họ là vần đề không phải nghi ngờ. Chúng ta không được gây nguy hiểm cho các quyền tự do, mà Tổng thống Reagan và Thủ tướng Thatcher đã mang đến cho Đông Âu, bằng cách chấp nhận tuyên bố của Tổng thống Putin rằng bây giờ đấy là khu vực ảnh hưởng của ông ta.

Và sự tiến bộ về vấn đề này cũng sẽ giúp đảm bảo một trong những ưu tiên của nước này - giảm bớt ảnh hưởng độc hại của Iran ở Trung Đông.

Đây cũng là ưu tiên của Anh, chúng tôi ủng hộ các nước đồng minh của chúng tôi ở các nước vùng Vịnh nhằm đẩy lùi những nỗ lực có tính gây hấn của Iran trong việc xây dựng vòng cung ảnh hưởng từ Tehran sang đến Địa Trung Hải.

Thỏa thuận hạt nhân với Iran còn gây tranh cãi. Nhưng nó đã vô hiệu hóa khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran trong hơn một thập kỷ. Iran loại bỏ 13.000 máy ly tâm cùng với cơ sở hạ tầng có liên quan tới việc sản xuất vũ khí hạt nhân và loại bỏ kho uranium được làm giàu tới 20%. Đó là điều quan trọng sống còn đối với an ninh khu vực. Nhưng phải theo dõi rất cẩn thận và sát sao thỏa thận này - và bất kỳ hành động vi phạm nào cũng đều phải bị xử lý kiên quyết và ngay lập tức.

CÁC THIẾT CHẾ VỮNG CHẮC VÀ CÁC DÂN TỘC MẠNH MẼ

Để đối phó với những mối đe dọa trong thế giới hiện đại, chúng ta cần xây dựng lại niềm tin vào các thiết chế mà tất cả chúng ta đều dựa vào.

Một phần náo đó, nó có nghĩa là các thiết chế đa quốc gia. Bởi vì chúng ta biết rằng rất nhiều mối đe dọa mà chúng ta đối mặt ngày hôm nay - chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, biến đổi khí hậu, tội phạm có tổ chức, di dân chưa từng có tiền lệ - không cần biết tới biên giới quốc gia. Vì vậy, chúng ta phải trở lại với những thiết chế đa quốc gia như Liên Hợp Quốc và NATO, tức là những thiết chế khuyến khích hợp tác và đối tác trên bình diện quốc tế.

Nhưng những thiết chế đa quốc gia này cần phải làm việc cho các quốc gia lập ra chúng và phục vụ cho những nhu cầu và lợi ích của nhân dân các nước đó. Các thiết chế này không có nhiệm vụ dân chủ của riêng mình. Vì vậy, tôi chia sẻ chương trình cải cách của quí vị và tin rằng, bằng cách làm việc cùng nhau, chúng ta có thể làm cho những thiết chế này trở thành thích hợp hơn và có ý nghĩa hơn hiện nay.

Vì vậy, tôi kêu gọi những nước khác tham gia với chúng tôi trong nỗ lực đó và để đảm bảo rằng họ bước lên và đóng góp khi cần. Đó là lý do vì sao tôi khuyến khích Antonio Guterres, Tổng thư ký mới của Liên Hợp Quốc, theo đuổi chương trình cải cách đầy tham vọng, hướng Liên Hợp Quốc vào các chức năng cốt lõi của nó là gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa và giải quyết xung đột. Và đó là lý do vì sao tôi đặt vần đề với các nhà lãnh đạo châu Âu đồng nghiệp của tôi là cần cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng - và 20% ngân sách quốc phòng để mua trang thiết bị.

Đó cũng là lý do vì sao tôi đặt vấn đề với Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO – cần đảm bảo rằng liên minh này được trang bị nhằm chống chủ nghĩa khủng bố và chiến tranh trên không gian mạng, cũng như để chống lại những hình thức chiến tranh thông thường khác.

Vai trò lãnh đạo của Mỹ ở NATO - được Anh ủng hộ - phải là yếu tố trung tâm, Liên minh này được xây dựng xung quanh yếu tố đó. Nhưng bên cạnh cam kết này, tôi còn nói rõ rằng các nước trong EU phải có những bước đi tương tự để đảm bảo rằng thiết chế này, tức là thiết chế cung cấp nền tảng quốc phòng của phương Tây tiếp tục có hiệu quả như nó có thể là.

Nhưng, thiết chế quan trọng nhất là - và phải luôn luôn là - các quốc gia dân tộc. Các quốc gia mạnh tạo ra được các thiết chế mạnh. Và các thiết chế này tạo ra cơ sở của quan hệ đối tác và hợp tác quốc tế, mang lại sự ổn định cho thế giới của chúng ta.

Quốc gia, có trách nhiệm giải trình với người dân của mình – “có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân”, như bản Tuyên ngôn Độc lập viết - có thể quyết định tham gia các tổ chức quốc tế hay là không. Họ có thể quyết định hợp tác với những nước khác, hay là không. Chọn buôn bán với những nước khác, hay là không.

Đó là lý do vì sao nếu các nước thuộc Liên minh châu Âu muốn hội nhập thêm nữa, quan điểm của tôi là họ phải được tự do làm như vậy. Bởi vì đó là lựa chọn của họ.

Nhưng Anh - là quốc gia có chủ quyền với các giá trị tương tự, nhưng có lịch sử chính trị và lịch sử văn hóa khác với họ - đã chọn con đường khác.

Bởi vì lịch sử và nền văn hóa của chúng tôi mang tinh thần chủ nghĩa quốc tế sâu sắc.

Chúng tôi là đất nước châu Âu - và tự hào về di sản chung của châu Âu - nhưng chúng tôi cũng là đất nước đã luôn luôn nhìn ra ngoài châu Âu, tới thế giới rộng lớn hơn. Chúng tôi có mối quan hệ gia đình, thân tộc và lịch sử các nước như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Australia, Canada, New Zealand, và các nước ở châu Phi, ở Thái Bình Dương và vùng biển Caribbean.

Và tất nhiên là, chúng tôi có mối quan hệ thân tộc, ngôn ngữ và văn hóa với Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Như Churchill nói, chúng ta “nói cùng một ngôn ngữ, quỳ trước cùng một bàn thờ, và ở một mức độ rất lớn, theo đuổi cùng những lý tưởng”.

Và, hiện nay, những mối quan hệ về kinh tế, thương mại, quốc phòng và chính trị của chúng ta đang ngày càng mạnh mẽ hơn.

Vì vậy, tôi rất vui mừng khi thấy chính quyền mới đã đưa thỏa thuận thương mại giữa hai nước chúng ta thành một trong những ưu tiên sớm nhất của mình. Thỏa thuận thương mại mới giữa Anh và Mỹ phải có ích cho cả hai bên và phục vụ lợi ích quốc gia cả hai nước chúng ta. Nó phải giúp đỡ nền kinh tế của mỗi nước phát triển và cung cấp những công việc đòi hỏi kĩ năng và được trả lương cao cho người lao động trên khắp nước Mỹ cũng như trên khắp nước Anh.

Và nó phải có ích cho những người thường xuyên cảm thấy bị các lực lượng của toàn cầu hóa bỏ lại phía sau. Nhân dân, thường là những người có thu nhập khiêm tốn đang sống trong những nước tương đối giàu có như đất nước của chúng ta, những người cảm thấy rằng hệ thống của thị trường tự do và tự do thương mại toàn cầu trong hình thức như hiện nay đơn giản là chẳng có lợi gì cho họ.

Thỏa thuận như vậy - cùng với những cải cách mà chúng tôi đang làm đối với nền kinh tế của chúng tôi để đảm bảo sự giàu có và cơ hội được lan truyền trên đất của chúng tôi - có thể chứng minh cho những người cảm thấy bị cho ra rìa và bị bỏ lại ở đằng sau rằng thị trường tự do, các nền kinh tế tự do và tự do thương mại có thể cung cấp tương lai mà họ đang cần. Và nó có thể duy trì - thực sự nó có thể xây dựng – sự ủng hộ cho những hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp, những hệ thống mà sự ổn định của thế giới của chúng ta tiếp tục phải dựa vào.

Vương quốc Anh đứng thứ năm trong thị trường xuất khẩu của Mỹ, trong khi các thị trường của quí vị cũng chiếm gần một phần năm kim ngạch xuất khẩu toàn cầu của chúng tôi. Xuất khẩu sang Anh từ riêng bang Pennsylvania đã là hơn 2 tỷ USD một năm. Vương quốc Anh là thị trường lớn nhất trong EU - và là thị trường lớn thứ ba trên thế giới – đối với các nhà xuất khẩu ở đây.

Mỹ là điểm đến lớn nhất cho các khoản đầu tư ra nước ngoài của Vương quốc Anh và các nhà đầu tư lớn nhất ở Anh. Và các công ty của quí vị đang đầu tư hoặc mở rộng ở Anh với tốc độ là hơn mười dự án một tuần.

Các công ty Anh sử dụng người lao động trong tất cả các bang của Mỹ, từ Texas đến Vermont. Và quan hệ quốc phòng Anh-Mỹ là quan hệ rộng nhất, sâu nhất và tiên tiến nhất so với bất kì hai nước nào khác, chúng ta chia sẻ với nhau cả trang thiết bị quân sự và kiến thức chuyên môn. Và tất nhiên, gần đây chúng ta đã đầu tư vào các máy bay tiêm kích F-35 cho các hàng không mẫu hạm mới của chúng ta, những hàng không mẫu hạm này sẽ đảm bảo sự hiện diện của hải quân của chúng ta - và gia tăng khả năng thể hiện sức mạnh của chúng ta trên toàn thế giới - trong những năm tới.

Vì có những liên kết mạnh mẽ về kinh tế và thương mại như thế - và vì lịch sử chung của chúng ta và sức mạnh của những mối quan hệ của chúng ta - tôi mong muốn tiếp tục những cuộc đàm phán với Tổng thống Trump và chính phủ của ông về Hiệp định thương mại tự do mới giữa Anh và Mỹ trong những tháng tới. Nó sẽ đòi hỏi làm việc một cách chi tiết, nhưng chúng tôi hoan nghênh sự thẳng thắn của quí vị trước những cuộc thảo luận và hy vọng chúng ta có thể đạt được tiến bộ để Nước Anh Toàn Cầu xuất hiện sau Brexit được trang bị thậm chí còn tốt hơn trước để giữ vị trí của mình trên thế giới này một cách tự tin.

Kết luận

Thỏa thuận như vậy sẽ giúp chúng ta thực hiện bước đi tiếp theo trong mối quan hệ đặc biệt đang có giữa chúng ta. Củng cố và khẳng định một trong những lực lượng vĩ đại nhất vì tiến bộ mà thế giới này từng biết.

Bảy mươi năm trước, năm 1946, Churchill đã đề nghị một giai đoạn mới trong quan hệ giữ hai nước - để thắng Chiến Tranh Lạnh mà nhiều người thậm chí không nhận ra là nó đã bắt đầu. Ông mô tả cách thức mà bức màn sắt đã hạ xuống, từ biển Baltic đến biễn Adriatic, chùm lên tất cả những thủ đô của các nước lâu đời ở Trung và Đông Âu: Warsaw, Berlin, Prague, Vienna, Budapest, Belgrade, Sofia và Bucharest.

Hiện nay, những thành phố lớn đó – cái nôi của nền văn hóa và di sản vĩ đại – đang sống trong tự do và hòa bình. Và những nơi này được sống như vậy là do sự lãnh đạo của Anh và Mỹ, của bà Thatcher và Tổng thống Reagan.

Cuối cùng, những thành phố này được như vậy vì những tư tưởng của chúng ta bao giờ cũng thắng.

Và những thành phố này được như vậy bởi vì, khi thế giới cần lãnh đạo, đó là liên minh của những giá trị và lợi ích này - mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước - mà, mượn lời của một chính khách lớn khác của Mỹ, bước vào đấu trường, với khuôn mặt đầy bụi băm và mồ hôi và cả máu, đề chiến đấu một cách dũng cảm và giành chiến thắng với thành tích cao.

Khi chúng ta nhắc lại lời hứa của quốc gia của chúng ta là sẽ làm cho đất nước mình mạnh mẽ hơn ở trong nước - theo lời của Tổng thống Reagan là “người khổng lồ đang ngủ khuấy động” - vì vậy xin làm mới mối quan hệ của chúng ta, mối quan hệ có thể lãnh đạo thế giới hướng tới lời hứa về tự do và thịnh vượng được đánh dấu bằng những câu chữ do những người công dân bình thường viết ra cách đây 240 năm.

Do đó chúng ta có thể không đồng hành với những “linh hồn lạnh lùng và nhút nhát chẳng biết đến chiến thắng cũng như thất bại”, nhưng đồng hành với những người “cố gắng làm những việc” sẽ đưa chúng ta đến thế giới tốt đẹp hơn.

Tương lai tốt hơn đó nằm trong tầm tay. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng nó.

Theresa Mary May, (nhũ danh: Brasier; sinh ngày 1 tháng 10 năm 1956) là nữ chính trị gia người Anh, thành viên đảng Bảo Thủ Anh và là Thủ tướng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland sau khi ông David Cameron từ chức. Trước đó, bà phục vụ trong nội các David Cameron với cương vị Bộ trưởng Bộ nội vụ.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

http://www.businessinsider.com/full-text-theresa-mays-speech-to-the-republican-congress-of-tomorrow-conference-2017-1



No comments:

Post a Comment