October 19, 2016

Hai nước Trung Quốc: Cán bộ và nhân dân

Francis P. Sempa

Phạm Nguyên Trường dịch

Giới ăn trên ngồi trốc Trung Quốc không có khả năng nghĩ tới những mối lo lắng của người dân bình thường Trung Quốc, chẳng khác gì tầng lớp cán bộ (nomenklatura) Liên Xô trước đây.



Tờ The New Criterion, số ra mới đây có đăng “Thư từ Bắc Kinh” của Arthur Waldron, giáo sư về Quan hệ Quốc tế của Đại học Pennsylvania (University of Pennsylvania) và là một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc. Mùa đông năm ngoái, Waldron có tới đám tang của một nghệ sĩ solo nổi tiếng của Trung Quốc, và sau đó đã nói chuyện với một người mà ông coi là “bộ não của chính quyền trung ương [Trung Quốc]”, một người “làm việc ở trung tâm” cơ cấu quyền lực của Trung Quốc, người “thận cận với nhiều quan chức cao cấp nhất”, người “ngày nào cũng đọc các tài liệu mật”. Người nằm trong lòng Trung Quốc đó công khai nói với Waldron rằng hệ thống chính trị của Trung Quốc không còn hoạt động nữa. “Nếu chúng tôi đặt chân không đúng chỗ”, ông này cảnh báo, “chúng tôi có thể gây ra thảm họa, bạo lực và nội chiến”.

Đây không phải là bức tranh màu hồng của đất nước Trung Quốc đang ngóc đầu dậy, đang chiếm lĩnh tất cả các tần số phát thanh, truyền hình và phương tiện truyền thông đại chúng trên phần lớn lục địa châu Á và thế giới. “Trung Quốc nhìn từ bên trong là rất khác với Trung Quốc nhìn từ bên ngoài”, ông ta nói với Waldron như thế.

Waldron thuật lại rằng ông đã nhận ra hiện tượng mà người trong cuộc nói tới. Đấy là lúc ông và những người bạn Trung Quốc đứng xếp hàng đằng sau khoảng một chục người mà ông mô tả là “bất động. . . buồn tẻ, cau có, trầm tĩnh, nhẫn nhục”, những người đợi “bữa ăn sáng với bắp cải và thịt” từ một nhà bếp nhỏ nằm trên một “khoảnh đất bẩn thỉu”. Khi một đồng nghiệp của Waldron bước ra khỏi hàng một lúc rồi mới quay trở lại thì một người phụ nữ đang xếp hàng bắt đầu chửi bới bằng những lời tục tĩu, làm cho những người khác cũng bắt đầu hò hét, và thế là “hàng người vốn thụ động bắt đầu sôi lên”, họ la hét, chửi rủa, và chen lấn nhau. Một phút sau, mọi sự trở lại như cũ.

Những người bạn Trung Quốc của Waldron lập tức khẳng định với ông ta rằng cuối cùng ông đã nhìn thấy “Trung Quốc thực sự nghĩa là như thế nào”. Đấy, họ nói với ông, mới là “Trung Quốc thật”.

Nước Trung Quốc khác là những cuộc duyệt binh, là hạm đội đang phình ra, là tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, đang bắt nạt các lân bang ở Biển Đông, và các cán bộ Đảng giàu có - là bề mặt mà bên dưới là “sự tức giận đang bị đè nén và “dạ dày đầy khí”.

Mặt tiền của nước Trung Quốc đang lên trên con đường trở thành siêu cường, theo Waldron, che giấu thực tế là Đảng Cộng sản, sau gần 70 năm cầm quyền, đã không thực hiện được một trong những những mục tiêu mà họ từng tuyên bố là mang lại “cuộc sống tử tế cho những người dân bình thường”.

Thay vào đó, hiện có hai nước Trung Quốc – nước Trung Quốc của Đảng Cộng sản và những người ủng hộ họ và được hưởng lợi, hiện đang sống ở các thành phố, những người đã tạo nên tầng lớp thống trị ăn trên ngồi trốc hay còn gọi là cán bộ (nomenklatura), và hàng trăm triệu người dân, đa phấn sống ở nông thôn “không được học hành, không có đường giao thông , [hoặc] không được chăm sóc về y tế”.

Bức thư của Waldron trên tờ The New Criterion làm ta nhớ lại cuốn sách của Michael Voslensky nhan đề Nomenklatura, được chấp bút năm 1984, khi phần lớn các chuyên gia về Liên Xô ở phương Tây đều tin rằng Liên Xô sẽ sống cho đến thế kỷ XXI. Voslensky, một cựu công dân Liên Xô, đưa ra ánh sáng bản chất ký sinh của giai cấp cầm quyền cộng sản ở nước Nga. “Những xu hướng ký sinh của giai cấp cầm quyền”, ông viết, “là những hậu quả của địa vị độc quyền của nó”.Nomenklatura là “giai cấp bóc lột, đặc quyền đặc lợi… sử dụng quyền lực độc tài” không phải nhằm mang lại xã hội phi giai cấp mà để giữ vững quyền lực và đặc quyền đặc lợi cho giới ăn trên ngồi trốc cầm quyền. Tác phẩm của Voslensky phơi bày “cơ cấu mang tính đối kháng của xã hội xã hội chủ nghĩa hiện thực”. Năm năm sau khi tác phẩm này được xuất bản, Liên Xô sụp đổ.

Phân tích của Voslesnky trong tác phẩm Nomenklatura có nhiều điểm chung với các công trình nghiên cứu xã hội học của Vilfredo Pareto, Robert Michels và Gaetano Mosca, tác phẩm của những ông này đã được James Burnham tổng hợp lại một cách đầy thuyết phục trong cuốn The Machiavellians (Những người theo Machiavelli) xuất bản năm 1943. Các triết gia chính trị này tin rằng giai cấp cầm quyền hay tầng lớp ăn trên ngồi trốc cai trị tất cả các nước, chứ không chỉ các nước cộng sản, và rằng mục tiêu chính của tất cả các giai cấp cầm quyền là giữ vững và gia tăng quyền lực và đặc quyền đặc lợi của họ.

Arthur Waldron viết rằng khởi đầu cuộc cách mạng cộng sản vào vào năm 1949, mục đích của Đảng là “bảo vệ nhân dân Trung Quốc, đưa họ tới đời sống tốt đẹp hơn”. “Hiện nay”, ông viết tiếp “Đảng chính là mục đích: Đảng đã trở thành tập đoàn đầu sỏ chính trị… không cảm thấy bất cứ xứ mệnh xã hội nào đối nhân dân Trung Quốc nữa”. “Hiện nay vai trò của nhân dân Trung Quốc”, ông nhận xét, “là ủng hộ và bảo vệ và được Đảng cai trị”.

Có thể Waldron đã có thái độ quá rộng lượng đối với thế hệ những người lập ra nhà nước cộng sản Trung Quốc. Nếu còn sống có lẽ Pareto, Michels, Mosca, và Burnham chắc chắn sẽ nói rằng mục đích của Mao Trạch Đông ngay từ đầu đã là độc chiếm quyền lực và đặc quyền đặc lợi trong xã hội theo kiểu Lênin-Stalin. Nhưng chắc chắn họ sẽ đồng ý với Waldron rằng đối với giới cầm quyền hiện nay ở Trung Quốc – tầng lớp cán bộ của Trung Quốc – “giữ vững quyền lực của Đảng, bằng bất cứ phương tiện nào, là mục đích thực sự của tất cả các hành động” của giới lãnh đạo cộng sản đương quyền. Hiện tượng này, Waldron kết luận, “đang phá vỡ một cách từ từ tinh thần của một trong những nền văn minh vĩ đại nhất thế giới”.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

http://thediplomat.com/2016/10/two-chinas-the-nomenklatura-and-the-rest/

No comments:

Post a Comment