May 29, 2015

Milovan Djilas - Nói chuyện với Stalin (bài 10)



7.

Thấy ngày tháng cứ trôi đi một cách vô ích, Koca Popovic quyết định đi về, chỉ để Todorovich ở Moskva đợi xem tình hình phát triển ra sao, đúng hơn là đợi xem khi nào thì các nhà lãnh đạo cao cấp ở đây hạ cố khởi động lại các cuộc đàm phán. Đáng lẽ tôi cũng đi về với Popovic, nếu không có thông báo từ Belgrad rằng Kardeljj và Bakaric đang trên đường tới Moskva và tôi phải tham gia thảo luận với chính phủ Liên Xô để tháo gỡ “các khó khăn” .

Kardeljj và Bakaric đến vào sáng chủ nhật, mồng 8 tháng 2 năm 1948. Chính phủ Liên Xô không mời hai vị này mà mời đích danh Tito, nhưng Belgrad lấy cớ rằng Tito bị mệt nên cử Kardelj đi thay, ngay chuyện này đã chứng tỏ hai bên không còn tin nhau nữa. Cùng lúc đó, đoàn đại biểu Đảng và chính phủ Bulgaria cũng được mời tới Moskva, Lesakov thông báo với chúng tôi như thế, anh ta còn nhấn mạnh rằng đoàn Bulgaria có các “nhân vật chính”.

May 25, 2015

BILL POWELL - Cuộc chiến tranh lạnh mới, nhưng lần này là với… Trung Quốc chứ không phải Nga

Washington đã từng hy vọng rằng giai đoạn của cuộc đấu tranh được triển khai trên toàn thế giới nhằm chống lại một kẻ thù đầy sức mạnh đã chấm dứt, đấy chỉ còn là những câu chuyện dành cho các nhà sử học. Nhưng bây giờ họ đã tỉnh giấc và nhận ra một thực tế khác, đấy là bước thứ nhất của cái mà Lưu Minh Phúc gọi “trận đánh” trung tâm của thế kỷ XXI.

May 23, 2015

Chen Dingding - Ba cách diễn ngôn và sự ngóc đầu dậy của thái độ bài Trung ở Mỹ


Xin hãy quên việc Mỹ tuần tra ở vùng biển Đông. Đây mới là mối đe dọa thực sự đối với quan hệ Trung-Mỹ.

Không có nghi ngờ gì rằng quan hệ Mỹ-Trung đang bước vào giai đoạn căng thẳng mới vì có thông tin cho rằng Hoa Kỳ đang xem xét khả năng đưa tàu chiến và máy bay tới nhằm thách thức chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Động thái này của Mỹ, nếu được thực hiện, chắc chắn sẽ là hành động khiêu khích và có khả năng dẫn đến một cuộc đụng độ với tàu chiến và máy bay của Trung Quốc.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về động cơ đằng sau động thái của Mỹ và những hậu quả mà chúng có thể gây ra đối với quan hệ Trung - Mỹ và an ninh châu Á. Hầu như tất cả đều đồng ý rằng động thái này, dù đúng dù sai, cũng là hành động đầy rủi ro và đáng lo.

May 22, 2015

Milovan Djilas - Nói chuyện với Stalin (Bài 9)


5.

Zhdanov không cao lớn lắm, bộ râu màu hạt dẻ được cắt tỉa cẩn thận, trán cao, mũi nhọn và mặt đỏ như có bệnh. Zhdanov là người có học vấn cao và trong Bộ chính trị, ông được coi là một trí thức lớn. Mặc dù ông nổi tiếng là người thiển cận và lí thuyết suông nhưng tôi cho rằng ông là người có hiểu biết rộng. Ông ta biết mỗi thứ một ít, ngay cả nhạc ông cũng biết, nhưng tôi nghĩ ông không nắm sâu bất cứ lĩnh vực nào, đấy là người thu lượm kiến thức từ những lĩnh vực khác nhau nhờ thông qua sách báo mác-xít. Phải nói thêm rằng ông ta thuộc loại trí thức vô liêm sỉ, cho nên càng đáng ghét vì đằng sau vẻ ngoài trí thức đó là một nhà độc tài “đại lượng” đối với các văn nghệ sĩ. Đây là thời kì “nghị quyết” của Ban chấp hành trung ương về các vấn đề văn học nghệ thuật, nghĩa là thời kì của những cuộc tấn công quyết liệt vào quyền tự do tối thiểu trong việc lựa chọn đề tài và hình thức biểu hiện còn giữ được hoặc vừa tuột khỏi sự kiểm soát của bộ máy quan liêu của Đảng trong thời gian chiến tranh vừa qua. Tôi nhớ hôm đó, Zhdanov có kể một câu chuyện thuộc loại tiếu lâm mới. Sau khi ông viết bài phê phán, nhà văn Zoshchenko ở Leningrad đã bị tịch thu tất cả tem phiếu, chỉ sau khi Moskva can thiệp người ta mới trả lại cho nhà văn.

May 21, 2015

Milovan Djilas - Nói chuyện với Stalin (Bài 8)

Thất vọng

1.

Tôi gặp Stalin lần thứ ba vào đầu năm 1948. Đây là cuộc gặp có ý nghĩa nhất vì nó diễn ra ngay trước cuộc xung đột giữa lãnh đạo Liên Xô và Nam Tư.

Ngay trước cuộc gặp đã xảy ra những sự kiện và thay đổi quan trọng trong quan hệ giữa Liên Xô và Nam Tư.

Quan hệ giữa Liên Xô và phương Tây đã bắt đầu có tính chất của cuộc chiến tranh lạnh và dưới hình thức quan hệ giữa hai khối.

Sự kiện có tính chất quyết định ở đây, theo tôi, là việc Liên Xô từ chối kế hoạch Marshall, cuộc nội chiến ở Hi Lạp và việc thành lập Phòng thông tin của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế gọi là Cominform.

Chỉ có Liên Xô và Nam Tư là hai nước kiên quyết từ chối tham gia kế hoạch Marshall. Nam Tư từ chối do chủ nghĩa giáo điều, còn Liên Xô thì sợ rằng sự giúp đỡ kinh tế của Mĩ sẽ làm lung lay cái đế chế vừa chiếm được bằng chiến tranh.

May 20, 2015

Putin và Tập: Không phải là những đồng minh như họ đang thể hiện (Báo The Financial Times, Anh)

Phạm Nguyên Trường dịch



Cuộc gặp thượng đỉnh mang tính trình diễn hơn là thực chất. Trong khó khăn mới biết ai thực sự là bạn. Nhưng trên thực tế Trung Quốc là bạn kiểu gì của Nga?

Vladimir Putin, Tổng thống Nga, sẽ đón Chủ tịch nước Tập Cận Bình ở Moscow vào thứ Sáu (8 tháng 5 – ND), muốn nghĩ rằng Bắc Kinh mạnh mẽ hơn và có ảnh hưởng nhiều hơn sẽ là thuốc giải độc hoàn hảo trước sự thù địch của phương Tây. Mới nhìn thì mọi tín hiệu đều tốt. Ông Tập sẽ là nhà lãnh đạo thế giới nổi bật nhất tham dự cuộc diễu binh mừng chiến thắng được tổ chức vào ngày 09 tháng 5, đánh dấu kỷ niệm lần thứ 70 chiến thắng phát xít Đức.

May 19, 2015

Milovan Djilas - Nói chuyện với Stalin (Bài 7)



5.

Nhưng dù sao, tôi cũng cảm thấy vui khi được mời dự bữa ăn tối thân mật tại nhà nghỉ của Stalin. Cố nhiên, tiến sĩ Šubašić không thể ngờ có chuyện như thế - chỉ có những bộ trưởng đảng viên người Nam Tư được mời, còn phía Liên Xô thì có các cộng sự thân thiết của Stalin như: Malenkov, Bulganin, tướng Antonov, Beria và dĩ nhiên là cả Molotov nữa.

May 18, 2015

Milovan Djilas - Nói chuyện với Stalin (bài 6)

Nghi ngờ

1.

Có lẽ tôi đã không phải đi Moskva lần thứ hai và gặp lại Stalin nếu tôi không trở thành nạn nhân của tính bộc trực của chính mình.

Cụ thể là sau khi Hồng quân tiến vào Nam Tư và giải phóng Belgrad vào mùa thu năm 1944 đã xảy ra nhiều vụ cướp bóc, hãm hiếp nghiêm trọng, cá nhân cũng có mà tập thể cũng có. Đối với chính quyền mới và Đảng cộng sản Nam Tư thì điều đó đã trở thành vấn đề chính trị.

Những người cộng sản Nam Tư trước đó vẫn coi Hồng quân là lí tưởng, còn chính trong hàng ngũ của mình thì những kẻ hiếp dâm và cướp bóc thường bị trừng phạt rất nghiêm khắc. Dĩ nhiên, họ cảm thấy choáng váng hơn là những người dân thường vì theo kinh nghiệm từ xa xưa để lại thì đội quân nào cũng cướp bóc và hãm hiếp cả. Nhưng vấn đề còn phức tạp hơn vì những kẻ chống cộng đã lợi dụng những hành động của Hồng quân để chống lại chính quyền non trẻ và chống chủ nghĩa cộng sản nói chung. Còn một vấn đề nữa, đấy là các cấp chỉ huy Hồng quân đã bỏ qua những lời phàn nàn và phản đối, có cảm giác như họ cố tình dung dưỡng những vụ cướp bóc và những tên hiếp dâm vậy.


May 15, 2015

Dan Drápal (Báo Konzervativní listy, Cộng hòa Czech) - Bi kịch của nhân dân Nga

Phạm Nguyên Trường dịch


Nga chưa bao giờ là nhà nước pháp quyền. Bao giờ cũng là chế độ chuyên chế - ngay cả khi ở Nga đã có những thiết chế tương tự như ở Tây Âu.
Sau khi sáp nhập Crimea vào năm ngoái và sau đó là cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gia tăng đáng kể. Điều này, tự nó, không phải là đặc biệt: người ta đã thấy hiện tượng tương tự như thế vào năm 1982, trong giai đoạn diễn ra cuộc chiến ngắn ngủi giữa Anh và Argentina, để tranh giành quần đảo Falkland. Lúc đó, thủ tướng Anh là bà Margaret Thatcher.
Bà này đã kéo đất nước ra khỏi vũng lầy kinh tế nhưng chưa bao giờ được nhiều người yêu thích. Chưa bao giờ bà được quá 50% người dân ủng hộ - trừ giai đoạn diễn ra chiến tranh và những tháng tiếp theo. Sau đó, số người ủng hộ nhảy vọt lên tới 55%. Rõ ràng là nhờ cuộc chiến tranh Falkland mà Margaret Thatcher đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1983, nhờ đó mà bà có thể thực hiện những cuộc cải cách tiếp theo, tạo ta động lực tích cực cho nền kinh tế Anh.

May 14, 2015

Milovan Djilas - Nói chuyện với Stalin (Bài 5)

7.

Nhưng tôi còn gặp Stalin một lần nữa, cuộc gặp quan trọng hơn và thú vị hơn nhiều.

Tôi nhớ đấy là đêm trước khi quân Đồng minh đổ bộ lên Normandy.

Lần này không được báo trước. Khoảng chín giờ tối, người ta nói với tôi rằng phải vào Điện Kremli và ấn ngay tôi vào ô tô. Không ai trong đoàn biết tôi đi đâu.

Người ta đưa tôi vào toà nhà lần trước nhưng là phòng khác. Molotov đang chuẩn bị đi, đã mặc áo khoác và đội mũ. Ông ta bảo chúng tôi cùng đến ăn tối với Stalin.

May 13, 2015

Milovan Djilas - Nói chuyện với Stalin (Bài 4)

6.

Khoảng năm giờ chiều, tôi vừa kết thúc bài nói chuyện tại Hội đồng Slav và bắt đầu trả lời các câu hỏi của cử toạ thì có người đến nói thầm vào tai rằng phải dừng ngay lập tức, có một việc quan trọng không thể trì hoãn được. Không chỉ chúng tôi, những người Nam Tư ở đây, mà cả các cán bộ Liên Xô cũng cho là buổi nói chuyện hôm nay có ý nghĩa cực kì quan trọng. Chính trợ lí của Molotov tên là Lozovski đứng ra giới thiệu tôi với cử toạ là những người đã được lựa chọn từ trước. Vấn đề Nam Tư đã trở thành đề tài thảo luận không thể trì hoãn của các nước đồng minh chống phát xít.

Tôi nói lời xin lỗi, hay có ai đó đã xin lỗi giúp, rồi người ta kéo tôi và tướng Terdich ra ngoài; họ cho chúng tôi lên một chiếc xe ô tô trông rất cũ kĩ. Ô tô chuyển bánh, chỉ đến lúc đó, một viên đại tá an ninh mới thông báo rằng đồng chí Stalin sẽ tiếp hai chúng tôi. Lúc đó, phái đoàn của chúng tôi đã được chuyển đến sống trong khu nhà nghỉ ở ngoại ô Moskva, tôi nghĩ là quay lại lấy tặng phẩm cho Stalin thì sẽ muộn vì phải đi khá xa. Nhưng lực lượng an ninh quả là không hổ danh, tặng phẩm đã nằm sẵn trong xe, ngay bên cạnh viên đại tá. Thế là mọi chuyện đều ổn, ngay cả trang phục: khoảng mươi ngày trước đây, chúng tôi đã được mặc những bộ trang phục mới, may ngay trong các xưởng ở Liên Xô. Chỉ cần không được mất bình tĩnh, phải chú ý lắng nghe viên đại tá và đừng có hỏi nhiều.

May 12, 2015

Milovan Djilas - Nói chuyện với Stalin (bài 3)

4.

Trước khi chúng tôi lên đường mấy tháng, Moskva thông báo rằng ở Liên Xô đã thành lập một lữ đoàn quân Nam Tư. Trước đó là các đơn vị quân Ba Lan và Tiệp. Lúc đó, chúng tôi không thể nào hiểu được làm sao lại có nhiều người Nam Tư đến như vậy. Có một ít người tị nạn chính trị ở đó nhưng đa số đã bị giết trong các chiến dịch thanh trừng trước đây rồi.

Bây giờ, tại Moskva, thì tôi đã hiểu: quân số của lữ đoàn này chủ yếu lấy từ bộ đội của trung đoàn do Pavelich gửi ra mặt trận Liên Xô để tỏ tình đoàn kết với quân Đức. Nhưng Pavelich thất bại cả ở đây, trung đoàn bị đánh tan và bị bắt làm tù binh ở Stalingrad. Sau khi thanh lọc, nó được biên chế thành lữ đoàn quân chống phát xít Nam Tư, vẫn nắm dưới quyền viên chỉ huy cũ là Mesich. Một số người tị nạn chính trị từ khắp nơi được điều đến để làm công tác chính trị; các sĩ quan quân sự và an ninh Liên Xô chịu trách nhiệm huấn luyện và theo dõi về lí lịch.

May 11, 2015

Milovan Djilas - Nói chuyện với Stalin (tiếp theo , bài 2)


3.

Chúng tôi được bố trí nghỉ trong khu tập thể trung tâm của Hồng quân, các sĩ quan Liên Xô về Moskva công tác cũng thường nghỉ ở đây. Ăn uống và các điều kiện khác đều tuyệt vời. Chúng tôi được giao một chiếc ô tô có tài xế riêng, lái xe tên là Panov, một người đàn ông trung niên có suy nghĩ độc lập dù tính khí có vẻ thất thường. Thông qua sĩ quan liên lạc, đại úy Kozlovski, một anh chàng đẹp trai, luôn tự hào về nguồn gốc Cô-dắc của mình - nhờ cuộc chiến tranh này mà người Cô-dắc đã “rửa” sạch được quá khứ phản cách mạng rồi – chúng tôi có thể đi xem hát, xem phim bất cứ lúc nào.

Nhưng chúng tôi không thể nào tiếp xúc được với các cấp lãnh đạo, mặc dù tôi đã xin gặp Molotov V. M., bộ trưởng ngoại giao và Stalin I. V., Chủ tịch chính phủ và Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang ngay từ hôm mới đến. Tôi cố gắng thông báo nguyện vọng cũng như các nhu cầu của chúng tôi theo đường vòng, nhưng cũng không ăn thua.

May 10, 2015

Milovan Djilas - Nói chuyện với Stalin

Phạm Nguyên Trường dịch

Lời nói đầu của tác giả: Trí óc con người ta thường tự xoá đi những cái vô ích, chỉ giữ lại những điều cần thiết nhất cho những mối quan hệ về sau. Nhưng đây cũng chính là thiếu sót của nó. Trí óc luôn luôn thiên vị, nó luôn luôn cải biến hiện thực đã qua cho phù hợp với nhu cầu của hiện tại và hi vọng của tương lai.

Biết rõ những điều đó, cho nên, trong tập sách này, tôi cố gắng trình bày các sự kiện một cách trung thực nhất. Mặc dù vậy, cuốn sách có thể vẫn không thoát khỏi những quan điểm của tôi ngày hôm nay, nhưng đấy không phải là tôi cố ý hay thiên vị mà là do bản chất của đầu óc con người ta như đã trình bày ở trên, mà cũng có thể là do người ta thường có xu hướng xem xét những cuộc gặp gỡ hay sự kiện trong quá khứ bằng kinh nghiệm của hiện tại.

Gần như tất cả những điều được trình bày ở đây cũng đã được nói tới trong các cuốn hồi kí hay các thể loại văn học khác của tôi rồi. Nhưng sự kiện sẽ càng nổi bật và rõ ràng hơn nếu nó được mô tả một cách kĩ lưỡng và được xem xét từ nhiều quan điểm khác nhau, cho nên tôi nghĩ rằng những điều tôi viết ở đây không phải là thừa. Tôi cho rằng con người và các mối quan hệ của họ quan trọng hơn các sự kiện trần trụi, và vì vậy mà được tôi chú ý nhiều hơn. Một đôi chỗ có thể gọi là cố tình trau chuốt cho có văn vẻ, nhưng đấy không chỉ là cách diễn đạt của tôi mà còn là ước muốn trình bày vấn đề cho thật hay, cho thật rõ ràng và sáng sủa.

Trong quá trình viết hồi kí, khoảng năm 1955 hay 1956, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ ghi chép những cuộc nói chuyện với Stalin thành một cuốn sách riêng, trước khi viết xong hồi kí. Chẳng bao lâu sau, tôi bị bắt giam; trong tù, dĩ nhiên, tôi không thể tiếp tục được vì tuy nó liên quan đến quá khứ nhưng nhất định sẽ động chạm với những mối quan hệ chính trị hiện nay.

Chỉ sau khi ra tù, tháng 1 năm 1961, tôi mới có điều kiện quay trở lại với dự định cũ. Dĩ nhiên là lần này do điều kiện đã thay đổi cũng như diễn biến tư tưởng của cá nhân, tôi phải tiếp cận vấn đề theo cách khác. Tôi chú ý đến khía cạnh tâm lí, khía cạnh nhân văn của vấn đề nhiều hơn. Và thêm: mặc dù trong nhiều vấn đề, chúng ta từ bỏ cách làm của Stalin nhưng người ta vẫn tiếp tục viết những điều mâu thuẫn nhau về ông ta đến nỗi con người này còn như rất sống động; tôi cho rằng mình cần, dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân, đóng góp thêm ý kiến về con người bí hiểm đó.

Nhưng trước hết là nhu cầu nội tâm được viết ra tất cả những điều có ích cho người làm sử và đặc biệt là cho các chiến sĩ đấu tranh cho cuộc sống tự do của con người.

Dù sao, bạn đọc và tôi, chúng ta cần phải hài lòng nếu sự thật không bị xuyên tạc dù nó đã khoác lên mình tình cảm và ý nghĩ của tôi. Cần phải chấp nhận rằng sự thật về những con người và quan hệ giữa con người với nhau, dù đã được trình bày đầy đủ đến mức nào, thì đấy vẫn là sự thật của những con người cụ thể, con người của thời đại mình.

May 6, 2015

José Milhazes (Báo Observador, Bồ Đào Nha) – Cộng sản khác quốc xã ở chỗ nào?


Phạm Nguyên Trường dịch



Sự khác biệt quan trọng nhất giữa chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa cộng sản nằm ở chỗ nào? Theo tôi, chỉ khác nhau ở chỗ, quốc xã giết người vì dấu hiệu sắc tộc, còn cộng sản giết người vì thành phần xuất thân. Không biết cái nào xấu hơn.

Quốc hội Ukraine đã thông qua một quyết định đánh đồng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc xã, thông qua luật cấm sử dụng những biểu tượng của hai chế độ độc tài chính của thế kỷ XX trên lãnh thổ của đất nước này. Ngoài ra, Quốc hội Ukraine cũng tuyên bố ý định phục hồi tất cả các tổ chức đấu tranh chống lại sự “chiếm đóng của Liên Xô” trong giai đoạn từ năm 1917 đến năm 1991, và cho phép tiếp cận với tất cả các tài liệu lưu trữ của KGB (an ninh chính trị của Liên Xô).