June 11, 2015

Wu Wei - Vì sao cải cách chính trị của Trung Quốc thất bại


Phạm Nguyên Trường dịch


Triệu Tử Dương trên quảng trường Thiên An Môn, năm 1989

Những tiếng súng trong ngày 4 tháng 6 năm 1989 ở Trung Quốc báo hiệu sự thất bại của những  cuộc cải cách chính trị do Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành trong những năm 1980. Đây không phải là thất bại ngẫu nhiên – mà là kết quả của một cuộc cạnh tranh phức tạp giữa các phe phái khác nhau trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc.

Đặng Tiểu Bình là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với cuộc cải cách chính trị ở Trung Quốc trong những năm 1980. Đặng Tiểu Bình từng bước thiết lập quyền lực của mình trong Đảng ngay từ cuối những năm 1970. Trong khi không có quyền lực tuyệt đối như Mao Trạch Đông, nhưng thành công của công cuộc cải cách và mở cửa đã làm gia tăng quyền lực của Đặng. Nhưng lúc đó, phe bảo thủ luôn tìm cách lật ngược công cuộc cải cách của Đặng. Trong Đảng, có hai phái chính trị chính: phe ủng hộ cải cách do Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương cầm đầu, còn phe bảo thủ thì do Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Lý Bằng và Diêu Y Lâm cầm đầu. Còn Đặng, người ủng hộ cải cách và mở cửa, ngay cả trong khi khẳng định “Bốn nguyên tắc chính” (Chủ nghĩa Marx và Lenin - Trung thành với đảng - Phục tùng lãnh đạo - Tư tưởng Mao Trạch Đông - ND), đã trở thành tiếng nói quyết định giữa hai nhóm.


Nói chung, quan điểm cải cách của Đặng Tiểu Bình trái ngược hoàn toàn với quan điểm của những người bảo thủ, nhưng điều đó không ngăn cản ông ta ủng hộ những người bảo thủ trong việc giải quyết những cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 1989. Về vấn đề bảo vệ chế độ đảng trị, quan điểm của họ hoàn toàn giống nhau.

Triệu Tử Dương, Đặng Tiểu Bình, và phe Bảo thủ

Bề ngoài, Triệu Tử Dương, là Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, có quyền lãnh đạo cải cách, nhưng trên thực tế, vị trí của ông trong ban lãnh đạo tối cao thì lại khá yếu. Có nghĩa là Triệu Tử Dương khó có được các cộng sự đồng quan điểm trong những vị trí quyền lực trong những cơ quan quản lý hành chính khác của Trung Quốc. Ban Tổ chức, cơ quan phụ trách việc đề bạt và bổ nhiệm các đảng viên, lại do Song Ping, thuộc phái bảo thủ lãnh đạo.

Muốn thúc đẩy bất kỳ thay đổi lớn nào, trước hết, Triệu Tử Dương cũng đều cần đến sự hỗ trợ của Đặng Tiểu Bình. Đầu những năm 1980, Triệu Tử Dương và Đặng Tiểu Bình từng có mối quan hệ vững chắc. Với sự hỗ trợ của Đặng Tiểu Bình, những cuộc cải cách kinh tế của Triệu Tử Dương đã tiến triển khá tốt. Sau Đại hội Đảng lần thứ XIII vào năm 1987, mặc dù Triệu Tử Dương đã chính thức là Tổng bí thư, ông vẫn cần sự hỗ trợ của Đặng Tiểu Bình trong việc kích hoạt những cải cách chính trị mà ông mong muốn. Cho đến đầu năm 1989, Triệu Tử Dương đã được Đặng Tiểu Bình ủng hộ.

Từ những năm 1970 đến những năm 1980, từ khi còn ở Tứ Xuyên đến khi chuyển về Bắc Kinh, Triệu Tử Dương đều dựa vào lòng tin và sự ủng hộ của Đặng Tiểu Bình – dựa quá nhiều, như sau này mới thấy. Triệu Tử Dương nghĩ rằng ông hiểu Đặng và Đặng cũng hiểu ông. Mặc dù ông biết rằng sự hỗ trợ của Đặng Tiểu Bình là có giới hạn, những sự kiện diễn ra vào năm 1989 cho thấy rằng Triệu Tử Dương đã hiểu sai mức độ tin cậy của Đặng Tiểu Bình cũng như quyền kiểm soát của chính mình đối với Ban chấp hành Trung ương. Thật ra, Đặng Tiểu Bình không ủng hộ cá nhân con người Triệu Tử Dương mà ủng hộ ông vì ông kiên quyết thực hiện tầm nhìn của Đặng Tiểu Bình về cải cách kinh tế và cải cách chính trị.

Về vấn đề cải cách chính trị, Đặng Tiểu Bình và Triệu Tử Dương không hoàn toàn đồng ý với nhau. Đặng hy vọng cải cách được hệ thống hiện hành, làm cho nó trở thành hiệu quả hơn mà không cần phải lật đổ nó. Trong khi Triệu Tử Dương là người lãnh đạo thực sự phong trào cải cách chính trị, đang tìm cách thay đổi cách thức thực hiện quyền lực của Đảng, với mục tiêu cuối cùng là thiết lập chế độ dân chủ. Dưới sự bảo trợ của Đặng Tiểu Bình, Triệu Tử Dương đã tiến hành một cuộc thí nghiệm táo bạo – tìm cách chuyển đổi hệ thống chính trị tập quyền cao độ của Trung Quốc thành chế độ dân chủ hiến định hiện đại.

Sự khác biệt về mục tiêu giữa Đặng và Triệu cuối cùng đã làm cho Đặng không còn ủng hộ Triệu Tử Dương nữa và nhảy sang phe bảo thủ để bóp chết cuộc cải cách chính trị. Đầu mùa hè năm 1989, Đặng Tiểu Bình tin rằng Triệu Tử Dương đang tìm cách lợi dụng các cuộc biểu tình đòi dân chủ nhằm thúc đẩy cải cách chính trị nhiều hơn nữa, gây nguy hiểm cho chế độ độc đảng ở Trung Quốc.

Tháng 5 năm 1989, khi tình hình đe dọa sức chịu đựng của Đặng Tiểu Bình thì sự hỗ trợ của ông ta đối với Triệu Tử Dương cũng không còn. Đặng bắt đầu đàn áp phong trào sinh viên và cho ngưng cuộc cải cách chính trị. Khi Triệu phản đối thiết quân luật và phản đối sử dụng vũ lực nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình, ông đã bị Đặng lật đổ.

Ngay cả khi có sự hỗ trợ của Đặng Tiểu Bình, Triệu Tử Dương đã bị những người bảo thủ phản đối quyết liệt rồi. Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, năm 1987, phe bảo thủ đã thấy lực lượng của mình được củng cố, hai người thuộc phe bảo thủ cực đoan (Lý Bằng và Diêu Y Lâm) trở thành thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm có năm người. Lúc đó những người bảo thủ có thể can thiệp vào công việc và ảnh hưởng của Triệu Tử Dương.

Nghiêm trọng hơn, những người bảo thủ biết rằng nếu họ muốn thay đổi phương hướng của công cuộc cải cách của Trung Quốc, họ cần phải phế truất Triệu Tử Dương. Bắt đầu vào tháng 4 năm 1989, Lý Bằng và Diêu Y Lâm đã lợi dụng sự sợ hãi của Đặng Tiểu Bình trước phong trào dân chủ nhằm cáo buộc Triệu Tử Dương là “ủng hộ hỗn loạn”, dẫn đến quyết định cuối cùng là sử dụng vũ lực nhằm đàn áp phong trào. Cuối cùng, những người bảo thủ đã sử dụng sức mạnh của Đặng Tiểu Bình nhằm loại bỏ Triệu Tử Dương.

Triệu Tử Dương và quần chúng

Triệu Tử Dương nhận thức được nguy hiểm. Ông biết rằng, ngoài việc đấu tranh chống lại những cuộc tấn công của phe bảo thủ, ông cần phải giữ cải cách chính trị sao cho nó không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định xã hội. Nếu để quá trình dân chủ hóa đi quá xa, nó có thể trở thành khó kiểm soát, phe bảo thủ sẽ có cơ hội tấn công hay thậm chí là ngăn chặn cải cách chính trị.

Vì vậy mà cải cách chính trị của Triệu Tử Dương đã không được thảo luận một cách công khai. Ông không thể công khai trình bày cải cách, nhưng những biện pháp đề phòng làm cho ông mất mọi hy vọng được xã hội thông cảm. Một hệ quả khác của sự thiếu minh bạch là các nhà trí thức ở Trung Quốc, cũng như công chúng nói chung, không nhìn thấy cuộc đấu tranh khốc liệt giữa Triệu Tử Dương và các thành viên khác của Ban chấp hành Trung ương, họ cũng không nhìn thấy những khó khăn mà chương trình cải cách của ông đang đối mặt, một lần nữa, giá phải trả là Triệu Tử Dương không được quần chúng ủng hộ.

Ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, quần chúng tỏ ra khá hài lòng. Nhưng thời gian cứ thế trôi và chương trình cải cách chính trị của Triệu Tử Dương gặp phải phản đối nặng nề. Trong khi đó, cải cách về giá cả đã bị chặn đứng, dẫn đến lạm phát cao. Khi người dân tìm cách vượt qua lạm phát, họ ngày càng cảm thấy khó chịu trước nạn tham nhũng do không có những hạn chế việc lạm dụng quyền lực chính trị, cũng như không có những biện pháp giám sát các quan chức.

Từ cuối năm 1988 đến đầu năm 1989, những người ủng hộ dân chủ ở Trung Quốc ngày càng to mồm hơn và áp lực đối với Triệu Tử Dương gia tăng, từ cả phe bảo thủ (những người muốn lật đổ Triệu) và xã hội nói chung, nơi mà đòi hỏi dân chủ đang gia tăng từng ngày. Những lời kêu gọi dân chủ của xã hội ở một mức độ nào đó là có ích cho chương trình cải cách chính trị của Triệu, nhưng đồng thời, Triệu Tử Dương còn là Tổng bí thư. Giữ vững ổn định xã hội là trách nhiệm của ông.

Triệu và các cộng sự của ông biết rằng có khả năng xảy ra bất ổn xã hội, nhưng nhìn lại, rõ ràng là họ không coi đây là vấn đề nghiêm trọng. Họ đã nghiên cứu về khả năng xảy ra bạo loạn, nhưng lại không tìm hiểu những biện pháp nhằm đối phó với vấn đề này. Họ cũng không được chuẩn bị cho cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng gay gắt nhất từ trước tới nay và không tìm hiểu những thứ có thể làm cho biến động xã hội càng phức tạp thêm.

Triệu và các cộng sự của ông đã sai lầm trong quá trình tiến hành cải cách chính trị và trong những biện pháp xử lý các cuộc biểu tình của sinh viên năm 1989. Đương nhiên là như thế - họ chỉ là người chứ không phải là thần thánh. Cụ thể là Triệu biết rõ sự phức tạp và dữ dội của cuộc đấu đá nhằm tranh giành quyền lực bên trong Đảng, nhưng sau khi nắm được vai trò lãnh đạo hàng đầu, ông đã không sử dụng những âm mưu chính trị nhằm hãm hại những đối thủ của mình, đặc biệt là những đảng viên lớn tuổi như Trần Vân và Đặng Tiểu Bình. Thay vào đó, ông đã tìm sự ủng hộ của họ.

Lý do cơ bản làm cho công cuộc cải cách chính trị trong những năm 1980 thất bại là các lực lượng cải cách trong Đảng không có nhiều quyền lực chính trị hơn đối thủ của họ. Đấy là điều không phải nghi ngờ. Nhưng nhược điểm của cá nhân Triệu Tử Dương cũng có ảnh hưởng to lớn đối với cải cách chính trị cũng như số phận của phong trào sinh viên. Như Bào Đồng [từng là thư ký chính trị của Triệu], có lần đã nói với tôi:

Tử Dương là một chính trị gia giàu kinh nghiệm. Là thủ tướng và Tổng bí thư, ông xử lý mọi thứ một cách khéo léo. Nhưng ông có một nhược điểm: ông thiếu tinh thần tấn công, thiếu cứng rắn và quyết liệt trong cuộc đấu tranh chính trị khốc liệt và phức tạp, và chiến đấu một cách can đảm nhằm hoàn thành những mục tiêu chính trị của mình. Nhược điểm này, nếu là ở người bình thường thì có thể được gọi là “lòng trung thực và thận trọng”, nhưng đối với một chính trị gia, ở những thời khắc quyết định, nó có thể là tai họa.

Wu Wei, là cựu quan chức chính phủ Trung Quốc, tác giả của On Stage and Backstage: China’s Political Reform in the 1980s.



Đã đăng trên http://www.ijavn.org/2015/06/vntb-vi-sao-cai-cach-chinh-tri-cua.html

No comments:

Post a Comment