Phạm Nguyên Trường dịch
Sự
tức giận giả vờ là lý do tốt nhất để làm điều ác
Những cuộc thảo luận về vụ tấn công khủng bố diễn ra ở
Paris, thường tập trung vào các cộng tác viên của tờ tạp chí Charlie Hebdo, những
người dường như đã xúc phạm tình cảm của người Hồi giáo suốt nhiều năm liền. Nếu
tin rằng lí do dẫn đến cuộc tấn công là những bức biếm họa nhà tiên tri, rằng
các họa sĩ biếm họa cũng có lỗi, dù nhỏ, trong chuyện này thì sẽ dễ hiểu những sự
kiện đã xảy ra hơn. Nhưng sự hợp lí hóa này không những hoàn toàn không phù hợp
mà còn không đúng. Nhất là, nạn nhân của những kẻ khủng bố không chỉ là các nhà
báo mà còn là những khách hàng tình cờ của một siêu thị của người Do Thái. Những
kẻ sát nhân – xuất phát từ những mục đích mà chúng ta không thể hiểu nổi - đã nhẫn
tâm bắn chết 17 người.
Sự tức giận giả vờ là lý do tốt nhất
để làm điều ác. Tình cảm tôn giáo bị xúc
phạm – là động cơ thường thấy của những tên khốn nạn. Ở Tây Âu và đặc biệt là ở
Pháp, cho đến thế kỷ XVII, vẫn có những vụ đàn áp tôn giáo đáng xấu hổ, không cần
phải giải thích điều này cho bất cứ ai. Vì vậy, ngày 11 tháng 1 vừa qua, trên
các đường phố của Paris và các thành phố khác của Pháp đã có gần 4 triệu người
xuống đường (trong khi số phát hành của Charlie Hebdo chỉ là 60.000 bản). Họ bảo
vệ không phải là quyền xúc phạm các thượng đế của người khác (Pháp không phải
là tấm gương để cho người ta bắt chước về tự do ngôn luận) mà là bảo vệ quyền sống.
Không thể chấp nhận thỏa hiệp mà những người tốt bụng
ngây thơ đưa ra cho người Pháp: đừng trêu trọc người ta thì cũng chẳng ai động
đến bạn! Toàn bộ lịch sử của nhân loại chứng tỏ rằng biện pháp đó không có giá
trị. Vì vậy, xã hội nào cũng phải chọn: coi trọng cuộc sống của con người đến
mức nào và coi trọng những tình cảm bị xúc phạm đến mức nào. Những nước không
in tranh biếm họa các nhà tiên tri (và tranh biếm họa nói chung), cũng nổi
tiếng vì sự kiện là ở đấy người ta thường xuyên giết người mà chẳng cần lí do
nào hết. Một loạt các quyền tự do - quyền sống, quyền sở hữu, quyền tự do hội
họp và tự do báo chí - không thể là những quyền riêng biệt, chúng chỉ có tác
dụng khi người ta có tất cả những quyền ấy cùng một lúc. Đây không phải là
nguyên tắc nhân văn trừu tượng mà là tính toán thực dụng.
May là, hầu hết mọi người đều có thái độ dĩ hòa vi
quý, họ không thích những trò đùa nguy hiểm và không thích xúc phạm đồng bào
của mình. Vì vậy mà, việc giám sát những quyền tự do hiện hữu – công việc chẳng
được ai trả ơn - bị đặt lên vai những
người rất đặc biệt, những người hay gây gổ và đôi khi làm người khác khó chịu
và, hầu như bao giờ cũng bị thiệt thòi. Họ sắc sảo đến mức ngu ngốc, họ làm
người khác tổn thương, họ làm hỏng ngày nghỉ của dân và làm cho cuộc sống gặp
nguy hiểm ngay cả khi họ sống ở những
nước đã phát triển.
Những người chuyên xúc phạm tình cảm của người khác,
không thể trở thành một phần của dòng chính. Ở Pakistan các nghị sĩ quốc hội thường
hô: “Giết chết bọn báng bổ!”. Còn ở châu Âu, ngay cả các chính trị gia cấp tiến
cũng không dám nói, dù chỉ một phần những điều mà Charlie Hebdo công bố mỗi tuần. Sự khác biệt
giữa Thế giới thứ nhất và Thế giới thứ ba không phải là ở đâu có nhiều tự do ngôn
luận hơn (tự do nói chung). Sự khác biệt ở chỗ chúng được phân bổ như thế nào.
Nếu một chính trị gia nói những điều khủng khiếp từ một khán đài lớn, như ở
Nga, điều đó có nghĩa là đa số đồng bào của ông ta không có quyền. Nếu nhà báo
viết những điều khủng khiếp trong một ấn phẩm trào phúng – có nghĩa là mọi việc
đều bình thường.
Andrei Maratovich Babitsky là một nhà
báo Nga và là phóng viên chiến tranh của Đài Châu Âu Tự Do. Ông nổi tiếng với
những bài tường thuật về chiến tranh ở Chechnya.
Đã đăng trên http://vandoanviet.blogspot.com/2015/01/tai-sao-lai-can-nhung-hoa-si-ve-tranh.html#more
No comments:
Post a Comment