Pages

November 10, 2014

Anatoly Tille - Chế độ phong kiến ở Liên Xô (Tiếp theo)

Phạm Nguyên Trường dịch

Chương 4. Chế độ nhà nước

Nước Nga vĩ đại kết đoàn liên bang bền vững của các nước cộng hòa tự do.
(Quốc ca Liên Xô)

Điều 70 hiến pháp Liên Xô tuyên bố rằng Liên Xô là “một nhà nước thống nhất, được thành lập theo nguyên tắc liên bang xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở quyền tự quyết và tự nguyện liên kết của các nước Cộng hòa Xô viết Xã hội chủ nghĩa bình đẳng với nhau về quyền lợi và nghĩa vụ”.

Xin bắt đầu bằng nguyên tắc “tự quyết” và “tự nguyện”. Trước hết chúng ta cùng xem xét Sắc lệnh về hòa bình, một trong những sắc lệnh quan trọng nhất trong số các “sắc lệnh Tháng Mười”, niềm tự hào của ngành tuyên truyền và khoa học pháp lí Liên Xô (nhưng không được trích dẫn!). Sắc lệnh này do chính Lenin viết, rất đáng lưu ý và đáng được phổ biến. Sắc lệnh này đưa ra định nghĩa về sự chiếm đóng như sau: “… đấy là bất kì một sự liên kết nào của một sắc tộc nhỏ và yếu vào một nhà nước lớn và mạnh mà không có sự đồng ý và mong ước, được thể hiện một cách rõ ràng, chính xác và tự nguyện của sắc tộc ấy, dù sự liên kết đó được thực hiện khi nào, dù dân tộc liên kết hay bị kìm giữ bằng vũ lực có phát triển hay lạc hậu đến đâu”. Và đây là những điều kiện của quyền tự quyết: “Nếu một dân tộc nào đó bị giữ trong biên giới của một nhà nước bằng vũ lực, nếu dân tộc đó, trái với ước nguyện của họ, dù ước nguyện này được thể hiện trên báo chí, trong các cuộc hội nghị, trong các nghị quyết của các đảng phái và các cuộc khởi nghĩa chống lại ách áp bức dân tộc, không được quyền biểu quyết một cách tự do, với điều kiện rút toàn bộ quân đội của nước sát nhập hay nói chung là nước lớn hơn, để giải quyết - mà không bị bất cứ áp lực nào - vấn đề hình thức nhà nước thì việc sát nhập được coi là chiếm đóng nghĩa là bằng xâm lược và đàn áp!”.

Tuyệt vời!

Nhưng nếu xem xét toàn bộ lịch sử xây dựng Liên bang các nước Cộng hòa Xô viết Xã hội chủ nghĩa từ quan điểm của tài liệu lịch sử này thì ta có thể nói một cách tự tin rằng đấy là lịch sử của những cuộc chiếm đóng, nghĩa là bằng xâm lược và bạo lực; quyền tự quyết của các dân tộc và liên kết tự nguyện của các nước cộng hòa chưa bao giờ xảy ra cả. Ngay từ năm 1919, tại đại hội VIII của Đảng, Piatakov đã yêu cầu từ bỏ khẩu hiệu quyền tự quyết của các dân tộc: “Liệu chúng ta có cho phép quần chúng lao động Ukraine toàn quyền quyết định hình thức nhà nước của giai cấp vô sản và nông dân Ukraine không? Tất nhiên là không!”. Và trong cương lĩnh của Đảng do đại hội thông qua đã không còn từ “tự quyết” nữa.

Trên thực tế “quyền tự quyết dân tộc” và “liên kết tự nguyện” được thực hiện như thế nào? Có rất nhiều sách báo và tài liệu về vấn đề này. Ở đây không có điều kiện mô tả những bước thăng trầm, những âm mưu của các giai cấp và chủng tộc, những bi hài kịch và những trò hề, những vụ đàn áp, khi các dân tộc muốn thể hiện ý chí của mình, và đấy cũng không phải nhiệm vụ của cuốn sách này. Chỉ xin xem xét khía cạnh pháp lí của vấn đề.

Xin bắt đầu từ tên gọi: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga (RSFSR), cái tên dùng để chỉ liên bang Nga, nhà nước lớn nhất trên lãnh thổ Liên Xô nghĩa là đế chế Nga mà Lenin đã có lần gọi là “nhà tù của các dân tộc”. Cách mạng khơi lại ước vọng tự nhiên của các dân tộc: trốn khỏi nhà tù. Và chính ở đây, người ta thấy sự mềm dẻo thiên tài của Lenin. Trong khi “Bạch vệ” bám chặt khái niệm “thống nhất, không thể nào chia cắt” làm cho nhân dân oán hận, thì Lenin lại theo đuổi mục đích ấy với những khẩu hiệu về quyền tự quyết. Đầu tiên ông lựa chọn hình thức tự trị, nhưng sau này, khi thấy các lực li tâm quá lớn, ông chuyển sang thành lập các nước cộng hòa liên bang “độc lập”.

Từ năm 1918 đến năm 1922, trong nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga có hơn 20 nước và tỉnh tự trị được thành lập[1]. Tiêu chí dân tộc trong các khu vực tự trị này được xác định một cách rất tương đối. Ngày 30 tháng 4 năm 1918 đại hội Xô viết Turkestan (dĩ nhiên là do những người Bolshevik tổ chức và lãnh đạo), một đơn vị hành chính của nước Nga Sa hoàng có nhiều sắc dân sinh sống, tuyên bố thành lập nước cộng hòa tự trị Turkestan. Hiện nay trên vùng lãnh thổ này có đến bốn nước cộng hòa liên bang. Chẳng bao lâu sau chính quyền Xô viết đã bị lật đổ, chính quyền này chỉ được tái lập sau một cuộc chiến tranh đẫm máu.

Sau Turkestan, đến lượt các nước cộng hòa tự trị khác (Bashkirskaia, Tartarskaia, Công xã lao động Karelskaia, Công xã lao động Đức vùng Volga…) được thành lập theo các nghị định của Ban chấp hành trung ương Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga, nghĩa là theo các quyết định của cơ quan hành pháp Nga. Không ai hỏi ý kiến của nhân dân hết.

Cuối năm 1918, đầu năm 1919, đại hội các Xô viết ở Litva, Latvi, Estonia và Bạch Nga tuyên bố thành lập các nước cộng hòa và thông qua hiến pháp tương tự như hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga. Ngày 25 tháng 12 năm 1918, Ban chấp hành trung ương Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga thông qua các nghị định của Hội đồng dân ủy Cộng hòa liên bang Nga về việc công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa vùng Baltic, nhưng bản chất pháp lí của mối quan hệ của các nước này với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga thì lại không được xác định. Chính quyền Xô viết ở Baltic không tồn tại được lâu. Những người Bolshevik bị đánh bật khỏi khu vực và mặc dù không muốn nhưng họ buộc phải công nhận nền độc lập của các nước đó, lần này thì công nhận thật sự. Tình hình Phần Lan cũng tương tự như thế, những đội quân của Toibo Antikainen đã cố gắng thiết lập chính quyền Xô viết tại đây bằng một cuộc chiến đẫm máu nhưng đã chịu thất bại, cuối cùng, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga phải công nhận nền độc lập của Phần Lan.

Các nước cộng hòa “độc lập” kí với nhau các “hiệp định” xác định sự thống nhất về hải quan, thuế vụ, giao thông và bưu chính v.v… Nhưng năm 1921, khi Stalin chuẩn bị dự thảo nghị định về việc liên kết các nước cộng hòa trên cơ sở tự trị thì bị Lenin kịch liệt phê phán và đề nghị thành lập liên bang. Ngày 30 tháng 12 năm 1922, đại hội lần thứ nhất Xô viết Liên Xô tuyên bố thành lập Liên bang các nước cộng hòa xô viết xã hội chủ nghĩa gồm bốn nước: Nga, Ukraine, Bạch Nga và Ngoại Kavkaz. Tại vùng Ngoại Kavkaz có rất nhiều dân tộc và sắc dân sinh sống cho nên không thể coi Cộng hòa Ngoại Kavkaz là được thành lập trên cơ sở dân tộc được. Ý kiến của nhân dân không những không được ai hỏi tới mà sau đó họ còn chiến đấu một cách tuyệt vọng cho nền độc lập của mình. Các cuộc khởi nghĩa đã bị lực lượng vũ trang, có sự trợ giúp của các đảng viên Bolshevik địa phương, đàn áp một cách khốc liệt.

“Thể hiện ý chí của nhân dân”, Ban chấp hành trung ương (cơ quan hành pháp) Turkestan và đại hội các xô viết của Bukhara và Khorezma (1924) đã quyết định thành lập hai nước cộng hòa liên bang là Uzbekistan và Turkmenistan và hai nước cộng hòa tự trị là Tadgikistan và Kirgidia.

Hiến pháp Liên Xô năm 1936 ghi nhận sự tồn tại của 10 nước cộng hòa trong liên bang.

Năm 1939, Hitler và Stalin, hiện Xô viết tối cao Liên Xô đã công nhận như thế, quyết định chia nhau châu Âu. Trên bản đồ phân chia vào ngày 28 tháng 9 năm 1939, Stalin đã đặt bút kí bên trên Hitler, chữ kí này dài đến 58 centimet. Sau khi phái đoàn của Ribentrov trở về từ Moskva, Hitler đã reo lên: “Toàn thế giới đã nằm trong túi ta”. Nếu Stalin không reo lên như thế thì cũng không nghi ngờ gì rằng ông ta lập tức bắt tay vào hành động.

Sau khi chia Ba Lan, Stalin nhắm ngay tới Phần Lan. Ngày 21 tháng 3 năm 1940, Xô viết Tối cao Liên Xô ra nghị định chuyển nước cộng hòa tự trị Karel thành nước cộng hòa liên bang Karel - Phần Lan. Nhưng ngày 16 tháng 7 năm 1956, Xô viết Tối cao Liên Xô “sau khi xem xét nguyện vọng của người lao động (?), sau khi xem xét thành phần dân tộc, sự thống nhất về kinh tế và các mối liên kết chặt chẽ với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga” (những chuyện này không có hồi năm 1940?) đã quyết định chuyển nước cộng hòa này thành nước cộng hòa tự trị nằm trong thành phần Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga.

Lịch sử nhập rồi tách các nước cộng hòa vùng Baltic và nước cộng hòa Moldavia thì ai cũng biết, chẳng cần nói thêm ở đây.

Tuy vậy, không thể không nói đến số phận của một vài dân tộc: Chủ tịch đoàn Xô viết Tối cao Liên Xô, ngày 7 tháng 9 năm 1941, đã ra nghị quyết chia “nước cộng hòa của người Đức vùng Volga” cho hai tỉnh Saratov và Stalingrad, còn chính người Đức sống ở đấy thì bị trừng phạt như những tội phạm hình sự, không thông qua tòa án, bằng cách lưu đày đến các trại cải tạo và lao động khổ sai ở Sibiri và Kazakhstan. Một phần ba đã chết trên đường lưu đầy. Người Đức là dân tộc đầu tiên, trong đó có cả người già, phụ nữ và trẻ con còn ẳm ngửa, bị tuyên bố là tội phạm. Hiến pháp và các văn bản pháp quy khác đã bị vi phạm một cách trắng trợn nhất. Thí dụ, hiến pháp ghi nhận rằng lãnh thổ của các nước cộng hòa liên bang không thể bị thay đổi khi chưa có sự thỏa thuận của các nước này, trong khi đó Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga không đưa ra bất kì văn bản nào về việc chia cắt đã nói ở trên. Cần nói thêm rằng, năm mươi năm sau, mặc dù về danh nghĩa, người Đức đã được phục hồi, nhưng các văn bản cũ thì vẫn chưa bị hủy bỏ và nước cộng hòa của người Đức thì chưa được tái lập.

Hiện nay người ta đã chính thức công nhận rằng nhiều dân tộc, trong đó có người Đức, người Tatar ở Krưm, người Triều Tiên, người Thổ Nhĩ Kì, người Meskhetin, người Tretren, người Ingush… đã bị đối xử một cách vô cùng bất công. Chưa một người nào trong số họ được đền bù cho số tài sản bị cướp đoạt và những đau khổ mà họ phải chịu đựng. Hơn thế nữa, nhiều người còn bị ngăn cản, không được trở về quê hương bản quán. Lí do được đưa ra: “hoàn cảnh thực tế”, sự phản đối của dân chúng địa phương v.v.. Thế mà sau khi người Mekhetin ở Pergan bị giết hại, buộc phải đưa họ đi nơi khác thì lại tìm được đất và nhà cho họ ở các tỉnh miền Bắc nước Nga, có ai hỏi ý kiến dân địa phương không? Tại sao không đưa họ trở về quê hương bản quán?

Các nhà bình luận hiện nay thích nói rằng biên giới giữa các nước cộng hòa được hoạch định một cách tùy tiện, không tính đến quyền lợi của các dân tộc, theo kiểu “lấy tẩu thuốc vẽ lên bản đồ”. Đúng như thế. “Chính sách dân tộc của Đảng cộng sản theo đường lối của Lenin và Stalin” luôn luôn là chính sách đế quốc chủ nghĩa, dựa trên nguyên tắc “chia để trị”. Lenin, Stalin và những người kế tục họ, kể cả Gorbachev và Yeltsin, đều không tôn trọng ý chí của nhân dân. Các đường biên giới được tính toán kĩ để sao cho các dân tộc luôn luôn mâu thuẫn, không thể liên kết được với nhau, sao cho chính quyền trung ương luôn luôn có thể đóng vai người phán xử cuối cùng. Chính vì thế mà tỉnh Nogornưi Karabakh với tuyệt đại đa số dân chúng là người Armenia lại bị tách khỏi Armenia và đưa vào lãnh thổ Azebaigian, còn tỉnh Nakhitrevan thì lại bị tách khỏi Azerbaigian. Cuộc xung đột ở Karabach có thể đã được giải quyết dưới thời Gorbachev, nhưng ông ta không muốn như thế.

Các nước cộng hòa liên bang chưa bao giờ được độc lập. Các viên toàn quyền đều được bổ nhiệm từ Moskva. Như sẽ được chứng minh sau đây, bộ máy trung ương tập quyền của Đảng đã đóng vai trò của chính phủ. Tại tất cả các nước cộng hòa đều diễn ra quá trình Nga hóa, người Nga tràn ngập khắp nơi, sự đồng hóa diễn ra cả bằng vũ lực nữa. Thí dụ, tại các nước vùng Baltic, việc đồng hóa được thực hiện bằng cách đưa vào đấy các đơn vị quân đội và xây dựng những xí nghiệp to lớn một cách không cần thiết rồi sau đó phải “mời” các chuyên gia từ Nga sang. Tôi còn nhớ rất rõ những người lãnh đạo gốc Latvi-Litva “dân tộc chủ nghĩa”, phản đối cách làm đó, đã bị đàn áp như thế nào.

Những điều vừa trình bày cũng đủ để độc giả hiểu rằng không làm gì có chuyện liên bang, liên hiệp gì hết. Liên Xô là một nhà nước trung ương tập quyền, một đế chế phong kiến cuối cùng trên hành tinh chúng ta.

Gorbachev, bằng việc giảm bớt quyền lực và đàn áp, đã khơi mào cho quá trình tan rã Liên Xô. Nhưng ông ta vẫn có ý định đè bẹp tinh thần dân tộc bằng các biện pháp cũ. Cách làm thật đơn giản: khi một nước cộng hòa nào đó có ý định đòi được tự chủ thì ngay lập tức sẽ xuất hiện xung đột sắc tộc (tại Moldavia, xung đột xảy ra ở các tỉnh Tiraspol và Gagauzia, tại Armenia thì xảy ra ở Karabach, tại Grudia thì xảy ra ở Abkhazia và Nam Osetia v.v…) hoặc là những vụ thanh toán lẫn nhau giữa các dân tộc đã từng sống đoàn kết bên nhau hàng chục năm trời. Ta sẽ xem xét một cách kĩ hơn những sự kiện ở Azerbaigian, nơi xảy ra các vụ giết hại người Armenia một cách “bất ngờ”. Rất nhiều người già, phụ nữ và trẻ em bị giết hại môt cách cực kì dã man ở Sumgaite. Không phải vô tình mà tôi đưa chữ bất ngờ vào ngoặc kép: trước đó người ta đã biết rằng sẽ xảy ra những vụ giết người, chính quyền đã được thông báo và đã bảo đảm sẽ bảo vệ người Armenia… Sau vụ chém giết, báo chí chính thức đã viết về “những tên tổ chức” và sự trừng phạt không thể tránh khỏi. Nhưng sau đó thì “không tìm thấy” bọn chúng. Một vài kẻ a dua bị trừng phạt rất nhẹ (so với tội lỗi của chúng). Trong khi đó, lại có thông tin nói rằng đấy là do lực lượng Alfa, một lực lượng chuyên về phá hoại và giết người của KGB, thực hiện. Sau đó là vụ tương tự về tính chất nhưng lớn hơn rất nhiều về số nạn nhân đã xảy ra ở Baku. Lần này, không những người ta đã biết trước các vụ cướp bóc và giết người mà còn kịp đưa cả quân đội tới, nhưng hóa ra cũng giống như ở Varsava ngày nào, quân đội đã án binh bất động cho đến khi vụ chém giết chấm dứt. Gorbachev tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa bộ đội vào Baku khi trong thành phố đã không còn một người Armenia nào nữa. Binh lính nổ súng vào bất kì người nào họ gặp, hàng trăm dân thường thiệt mạng trong khi binh lính không hề hấn gì cả. Chỉ cần đọc các nghị định thời đó là thấy ngay ý nghĩa của các sự kiện: cấm bãi công, giải tán các tổ chức xã hội, cấm mít tinh v.v… Báo chí lại viết về “những kẻ tổ chức” các vụ bạo loạn, nhưng rồi vẫn không tìm ra. Vấn đề là ai sẽ tìm, họ tự đi tìm mình à[2]?

Thế mà việc ban bố tình trạng khẩn cấp và vụ đàn áp phong trào dân tộc như thế lại được các nước phương Tây tỏ ra “thông cảm” đấy.

Cho đến nay người ta vẫn chưa tìm được những kẻ tổ chức các vụ giết người hàng loạt ở Tbilisi, các vụ bắn vào thường dân ở Vinhius và Riga… Cũng như mọi khi, Gorbachev không “biết gì hết”. Những người trao cho ông ta huân chương hòa bình Nobel cũng không biết gì hết.

Gorbachev còn định sử dụng cả những biện pháp chính trị nhằm ngăn chặn các xu hướng li tâm của các nước cộng hòa. Theo “con đường của Lenin”, ông ta có ý định trói tay các nước cộng hòa và buộc họ phải kí một hiệp định liên bang mới.

Nhưng ngay lúc đó đã xảy ra cuộc đảo chính tháng 8 năm 1991, do những người thân cận nhất, những chiến hữu của ông ta thực hiện. Không ai biết cuộc đảo chính diễn ra như thế nào, Gorbachev đóng vai trò gì? Tất cả đều mờ mịt, phiên tòa đã bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần và bây giờ thì không ai biết nó có diễn ra hay không.

Trong khi đó tổng thống B. Yetsin của nước Nga vì muốn tước quyền lực của Gorbachev đã giải tán luôn Liên Xô.

Ba người: Yeltsin, Kravtruk và Shushkevik, không cho quốc hội biết, cũng chẳng cần các nước cộng hòa khác, đã tự tuyên bố giải thể Liên Xô và thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập. Theo quan điểm pháp lí thì đây rõ ràng là một cuộc đảo chính và theo đúng tinh thần của điều 1 bộ luật hình sự thì họ đã mắc tội “Phản bội tổ quốc”… vì đã làm phương hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Liên Xô.

Anatoly Sharansky bị xử 15 năm tù theo điều khoản này, hình như ông bị giam mười năm rồi được thả dưới áp lực dư luận quốc tế. Tất cả các báo đều đưa tin về phiên tòa này, thế mà cá nhân tôi không thấy ông ta có những hành động cụ thể nào. Theo những gì tôi biết thì ông ta chuyển ra nước ngoài tin tức về những người Do Thái muốn đi ra nước ngoài. Không hiểu Sharansky hay những người cản trở người Do Thái đi ra nước ngoài, mặc dù nước ta đã kí Tuyên ngôn nhân quyền, làm phương hại đất nước nhiều hơn. Dù sao mặc lòng, hoạt động của ông ta không thể nào so sánh được với “âm mưu của bè lũ tam nhân”, những kẻ đã xóa sổ Liên Xô và tước quyền của Tổng thống được bầu một cách hợp pháp. Xin nhắc lại rằng lúc đó nhân dân lao động đã thể hiện “ý chí” của mình bằng cách nói “có” với Liên Xô, dù rằng cách hỏi có hơi đáng ngờ.

Tiếp theo sẽ là gì? Thật khó dự đoán, trước hết là vì chính sách đối nội và đối ngoại của người đứng đầu nhà nước và chính phủ Yeltsin là không thể dự đoán được (“quốc hội” và chủ tịch của nó thì chẳng cần nói làm gì). Nói chung, ông ta sẽ tiếp tục đường lối của Gorbachev, một đường lối đã làm Liên Xô tan rã. Khi nói với các nước cộng hòa: “Có khả năng đến đâu thì độc lập đến đấy”, ông ta đã kích động “phong trào” đòi độc lập của các khu tự trị, thậm chí một số vùng cũng đòi được độc lập. Những cuộc xung đột sắc tộc tiếp tục được kích hoạt, đấy chính là cách làm cho nhân dân xao lãng khỏi các khó khăn kinh tế. Trong khi ông bộ trưởng ngoại giao đi vãn hồi hòa bình ở Nam Tư thì bộ trưởng bộ quốc phòng lại phát cho các bên tham chiến ở Kavkaz xe tăng, máy bay lên thẳng và bệ phóng hỏa tiễn Grad có kèm cả tên lửa. Nắm trong tay một đội quân đông nhất thế giới và quân đội đang còn phục tùng “trung ương”, hoàn toàn đủ sức quét sạch các bên tham chiến thì họ lại lậy van người ta đưa đội quân “mũ nồi xanh” của Liên Hiệp Quốc vào…

Tóm lại, có thể nói rằng Liên bang các nước cộng hòa xô viết xã hội chủ nghĩa không phải là một liên bang mà là một nhà nước tập quyền, không phải là nhà nước Xô viết vì các Xô viết chẳng có quyền hành gì, cũng không phải là xã hội chủ nghĩa mà là một nhà nước phong kiến, không phải là những nước cộng hòa mà là những nước quân chủ chuyên chế tuyệt đối (các công quốc chư hầu).






[1] Sau cách mạng đã diễn ra quá trình hình thành “các nước cộng hòa độc lập” đầy hỗn loạn tại các tỉnh, các huyện, các thành phố. Không nói đến nước Cộng hòa viễn đông nổi danh, ngay tại thị trấn Kirsanov thuộc tỉnh Tambov cũng thành lập nước cộng hòa với chính phủ riêng. Thậm chí một số tập thể cũng tự tuyên bố là nước cộng hòa. Những “nước” này chẳng có liên quan gì với quyền dân tộc tự quyết hết.
[2] Hiện nay người ta biết rằng vụ này được thực hiện theo lệnh của Gorbachev, viện sĩ Primakov chỉ đạo, còn bộ trưởng quốc phòng Iazov thì trực tiếp chỉ huy.

No comments:

Post a Comment