November 26, 2013

William H. Overholt - Những cuộc cải cách mới ở Trung Quốc: Lí thuyết và thực tiễn

Phạm Nguyên Trường dịch
Ngày 12 tháng 11 vừa qua, Hội Trung ương III, Khóa XVIII, của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố một bước ngoặt lớn theo định hướng thị trường: tự do hóa lãi suất và tiền tệ, cải cách ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu đất đai rõ ràng hơn cho nông dân và chính sách tốt hơn đối với người di cư vào đô thị.
Cuộc khủng hoảng có thể xảy ra là nguyên nhân buộc người ta phải có những quyết định mang tính bước ngoặt như thế. Sự thành công của Trung Quốc chủ yếu là do hàng xuất khẩu giá rẻ dựa trên lao động với đồng lương chết đói, cơ sở hạ tầng được do các doanh nghiệp nhà nước xây dựng với nguồn vốn do các ngân hàng tài trợ với lãi suất thấp, và ngân sách chính phủ thu được từ việc bán đất. Nhưng lao động không còn rẻ nữa, việc xây dựng những đường kết nối các thành phố lớn tạo điều kiện cho việc xây dựng trung tâm mua sắm lớn ở các thị trấn nhỏ, và bán đất dựa trên tái định cư đã đạt tới giới hạn cả về kinh tế lẫn sự chịu đựng của người dân.


Tiền vay với lãi suất thấp có nguy cơ tạo ra bong bóng tài sản và công suất dư thừa. Nếu không có thay đổi cơ bản, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, không có đủ chỗ làm việc mới và không thể có đổi mới, và nổ bong bóng tài sản.
Giải pháp là thay đổi nhanh chóng từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng dựa vào nhu cầu nội địa, từ xây dựng cơ sở hạ tầng sang tiêu dùng, từ các doanh nghiệp lớn của nhà nước là chính sang các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, từ công nghiệp sang dịch vụ, và một cách rộng hơn là từ kiểm soát theo lối hành chính quan liêu sang kiểm soát của thị trường.
Tất cả các nước thành công ở châu Á cũng đều thực hiện những chuyển đổi như thế, Hàn Quốc và Đài Loan là các hình mẫu. Nhưng thay đổi nhanh chóng cũng gây ra nhiều đau đớn. Doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn những khoản vay với lãi suất thấp, không được nhận những khu đất do nhà nước trợ cấp, không được bảo hộ độc quyền, và không được đặc quyền về trụ sở nữa. Đảng và bộ máy quan liêu của nhà nước sẽ mất quyền lực (và thu nhập).
Chính quyền địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn. Họ đang có những khoản nợ khổng lồ, chỉ có thể trả được bằng cách tái định cư và bán đất mà thôi. Đã túng quẫn vì giá bất động sản quá cao và việc phản đối của người dân trước việc thu hồi đất, bây giờ họ còn phải đối mặt với lãi suất cao hơn, phải trả thuế bất động sản, người dân có quyền nhiều hơn, và đòi hỏi phải cung cấp dịch vụ xã hội tốn kém hơn cho người di cư. Sự tuyệt vọng của các quan chức đầy quyền lực ở địa phương và cán bộ quản lí doanh nghiệp nhà nước là lực cản mạnh mẽ đối với công cuộc cải cách.
Người ta nói rằng tại Hội nghị đã diễn ra tranh cãi gay gắt, các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc đứng về phía cải cách. Khi được hỏi về sự phản đối trước cuộc họp có ý nghĩa quyết định, một nhà lập kế hoạch kinh tế cho biết: “Cuối cùng, tất cả các nhà lãnh đạo của chúng tôi đều hiểu những con số. Hàm ý của những con số là rõ ràng. "
Văn bản công bố quyết định Hội nghị trung ương III giống như một bản tuyên bố về các nguyên tắc chung, làm cho nhiều nhà quan sát lo ngại về việc thiếu chi tiết. Nhưng vai trò của ĐCSTQ là lãnh đạo chính sách; thi hành quyết định của Đảng là công việc của chính phủ. Và Hội nghị lần này đã thành lập một nhóm chuyên viên cao cấp nhằm phối hợp và thi hành các quyết định của mình.
Việc thực hiện sẽ là một cuộc đấu tranh lâu dài, đôi khi chống đối có thể gay gắt, nhưng những cuộc cải cách quan trọng thì đã được tiến hành rồi. Kế hoạch năm năm lần thứ XII kêu gọi tăng lương hàng năm trung bình ít nhất là 13,4%; năm nay, tiền lương đã tăng với tốc độ trung bình là 18%, mức lương như thế sẽ giết chết các xí nghiệp lạc hậu hoặc cung lớn hơn cầu. Ngoài ra, chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ nhắm vào một số các nhóm ngành công nghiệp mạnh nhất, thí dụ như dầu khí, làm suy yếu sức kháng cự cải cách của những ngành này.
Quan trọng nhất là, kết quả kinh tế đang ngày càng phù hợp hơn với mục tiêu của chính quyền. Dịch vụ đã có doanh thu và việc làm nhiều hơn so công nghiệp – ví dụ công ty Internet Alibaba, đang trao quyền cho cả người tiêu dùng và các công ty nhỏ hơn ở mức độ mà trước đây không thể nào tưởng tượng nổi - và sự tăng trưởng trong thời gian gần đây là do nhu cầu nội địa chứ không phải là xuất khẩu nữa. Cải cách không còn là kế hoạch, nó đang được thực hiện rồi.
Việc mở cửa kinh tế sang các nước vùng Trung Á và ASEAN (đặc biệt với Việt Nam) cũng đang được tích cực triển khai, và cải cách sẽ cởi mở hơn với thị trường bên ngoài. Quyết định của Hội nghị trung ương III theo sau việc khánh thành Khu thương mại tự do Thượng Hải, khu vực này sẽ mở cửa cho những lĩnh vực đầu tư mới của nước ngoài và cho phép các giao dịch tài chính và lưu chuyển đồng vốn trên cơ sở thị trường tự do hơn. Tự do hóa việc lưu chuyển đồng vốn được coi là một chính sách quốc gia mà người ta đang hướng tới, chính sách này đang được đưa vào thông qua những thiết chế đáng tin cậy ở Thượng Hải.
Về việc buôn bán hàng hóa, người ta định biến khu vực tự do thương mại mới thành khu vực có thể cạnh tranh trực tiếp với Singapore và Hồng Kông. Trung Quốc sợ bị phụ thuộc vào những người trung chuyển, nếu xảy ra xung đột. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chính sách này sẽ mở rộng đáng kể cơ hội trong khi giảm bớt quyền kiểm soát của nước ngoài; ví dụ, các công ty nước ngoài có thể nắm giữ một ít cổ phần trong lĩnh vực viễn thông, trong khi các công ty nước ngoài có ảnh hưởng lớn như Monsanto sẽ gặp khó khăn.
Chủ tịch Tập Cận Bình đang đối mặt với nhiệm vụ chính trị đầy rủi ro, đấy là thúc đẩy chương trình cải cách của ĐCSTQ trước sức phản đối mạnh mẽ, trong khi nền kinh tế lại đang tăng trưởng chậm lại. Bằng cách nhấn mạnh quyền kiểm soát của Đảng – trừng trị các doanh nghiệp nhà nước, trừng trị những người phản đối chính phủ, và những người chỉ trích trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các học viện - Tập Cận Bình tìm cách tối đa hóa khả năng của mình nhằm áp đặt cải cách kinh tế và giảm thiểu những nguy từ thách thức của lực lượng bảo thủ.
Đặc biệt là, ông phải tránh số phận của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây như Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, những người đã bị mất chức sau khi nhiều đối thủ của họ tin rằng cải cách kinh tế và chính trị phá hủy quyền kiểm soát của Đảng. Cho nên, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc sẽ tập trung vào làn sóng cải cách kinh tế, trong khi cải cách chính trị sẽ chủ yếu được giới hạn trong việc tổ chức lại các cơ quan của chính phủ nhằm tăng cường hiệu quả và gia tăng nỗ lực phòng chống tham nhũng. (Đã có một số bước tiến về phía cải cách, trong đó có quyết định không để bộ máy chính trị địa phương kiểm soát các thẩm phán.)
Nhưng Trung Quốc sẽ ngày càng khó trì hoãn những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm xoa dịu nhu cầu của quần chúng về lẽ công bằng, trong đó có việc thành lập cơ quan tư pháp độc lập, đấy cũng là nhu cầu cấp bách không khác gì cải cách cơ cấu kinh tế. Tương tự như vậy, các nhà lãnh đạo phải hoặc là chấp nhận nhiều thông tin hơn trong quá trình quản lí hoặc tiến hành những vụ đàn áp tốn kém hơn rất nhiều.
Hy vọng về cải cách chính trị nằm ở khả năng là trong nhiệm kì thứ hai của Tập Cận Bình các nhà cải cách như ủy viên Bộ Chính trị Vương Dương (Wang Yang) và Phó chủ tịch Lí Nguyên Triều (Li Yuanchao) sẽ nằm trong nhóm lãnh đạo cao cấp nhất . Còn hiện nay Trung Quốc sẽ tập trung vào một làn sóng cải cách kinh tế lớn nữa.
William H. Overholt cộng tác viên cao cấp tại Fung Global Institute và the Harvard University Asia Center.
Đã đăng trên diendanxahoidansu.wordpress.com

No comments:

Post a Comment